Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy - cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) Công an tỉnh vừa tổ chức đợt cao điểm kiểm tra công tác PCCC tại các chợ của tỉnh. Kết quả cho thấy, công tác PCCC tại các chợ vẫn còn rất nhiều hạn chế, bất cập cần khẩn trương khắc phục nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Những hạn chế cần khắc phục
Theo Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH, đơn vị vừa triển khai đợt cao điểm kiểm tra công tác PCCC tại 25 chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại trên toàn tỉnh. Qua đó, đơn vị phát hiện công tác PCCC tại các chợ truyền thống vẫn còn hạn chế như chưa có hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, hệ thống cấp nước chữa cháy; hệ thống chống sét không được thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng; chưa tách bạch hệ thống điện kinh doanh và điện bảo vệ, không có aptomat tổng tại ban quản lý chợ; các hộ kinh doanh tự ý câu móc, đấu nối điện riêng với hệ thống điện của ban quản lý chợ…
Tại chợ Chí Thạnh (huyện Tuy An), lực lượng chức năng phát hiện chợ này chưa lắp hệ thống báo cháy tự động, chưa trang bị đủ trang phục chữa cháy, chưa mua bảo hiểm phòng chống cháy nổ tài sản cố định chợ; hệ thống điện xuống cấp, không đảm bảo nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao… Tương tự, chợ An Mỹ (xã An Mỹ, huyện Tuy An) cũng vừa bị nhắc nhở vì chưa trang bị hệ thống cấp nước, bể bơm chữa cháy; chưa tách bạch hệ thống điện của người dân và hệ thống điện của ban quản lý chợ, chưa mua bảo hiểm phòng chống cháy nổ… Chợ Hai Riêng (huyện Sông Hinh) cũng không có hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, bể nước chữa cháy chưa phù hợp, chưa mua bảo hiểm phòng chống cháy nổ…
Lý giải nguyên nhân của những thiếu sót trên, bà Nguyễn Thị Bích Nga, Giám đốc DNTN Dịch vụ Tâm Nguyện - đơn vị quản lý chợ Chí Thạnh, phân trần: Chợ được xây dựng từ rất lâu; các cơ sở, trang thiết bị phần nhiều đã xuống cấp, hư hỏng. Để hạn chế nguy cơ cháy nổ, doanh nghiệp đã trang bị bình cứu hỏa, bể nước chữa cháy, các cuộn dây chữa cháy… Chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra các trang thiết bị, tham gia tập huấn PCCC cho nhân viên bảo vệ chợ cũng như tổ chức, sắp xếp chợ; tuyên truyền, nhắc nhở ý thức chấp hành các điều kiện về PCCC cho tiểu thương… Doanh nghiệp cũng muốn hoàn tất các điều kiện về PCCC tại chợ để có thể yên tâm hoạt động nhưng kinh phí đầu tư những hạng mục nâng cấp hệ thống điện, hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, bảo hiểm phòng chống cháy nổ… quá lớn, nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp.
Cần địa phương hỗ trợ
Về những thiếu sót trong thời gian qua, đại diện các ban quản lý chợ, cho biết khi hợp đồng nhận thầu chợ, doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm quản lý, khai thác chợ, đầu tư các hạng mục nhỏ. Riêng các hạng mục nâng cấp, tu sửa lớn đều do chính quyền địa phương quyết định và bố trí kinh phí. Trong khi đó, việc lắp đặt hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động, mua bảo hiểm phòng chống cháy nổ cần nguồn kinh phí rất lớn. Nếu yêu cầu doanh nghiệp đầu tư thì cần thời gian thu hồi vốn rất lâu. Trong khi đó, thời gian doanh nghiệp ký hợp đồng quản lý, khai thác chợ thường chỉ 2-5 năm, thậm chí có chợ chỉ cho ký hợp đồng theo từng năm. Ngoài ra, một số doanh nghiệp quản lý, khai thác chợ thường là các cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ, nguồn thu hạn chế nên không thể tự bỏ nguồn kinh phí vài trăm triệu đồng để trang bị những hạng mục lớn được. Do vậy, chính quyền địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện các điều kiện trên.
Ông Lê Quyến, đại diện Ban quản lý chợ Hai Riêng, bày tỏ: Khi ký hợp đồng quản lý chợ, UBND huyện quy định những tu sửa, mua sắm trang thiết bị dưới 10 triệu thì do doanh nghiệp bỏ tiền; còn trên 10 triệu thì huyện sẽ đầu tư. Những hạng mục về PCCC còn tồn tại đều có kinh phí rất lớn, doanh nghiệp đã nhiều lần đề xuất nhưng huyện vẫn chưa bố trí vốn. Trong khi đó, hoạt động mua bán, kinh doanh tại các chợ vốn rất phức tạp, nhiều tiểu thương dồn tất cả vốn liếng, tài sản vào các sạp hàng hóa nên vấn đề an toàn phòng chống cháy nổ luôn được ban quản lý chợ và tiểu thương đặc biệt quan tâm. Chúng tôi rất mong UBND huyện sớm hỗ trợ kinh phí, hoàn tất các điều kiện về PCCC để doanh nghiệp và người dân yên tâm mua bán.
Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tuy An, cho biết: Theo đề xuất của Ban quản lý chợ Chí Thạnh, địa phương đang sửa chữa, bố trí lại toàn bộ lưới điện trong khu nhà lồng chợ để đảm bảo an toàn PCCC. Ngoài ra, huyện cũng có phương án lắp đặt thêm hệ thống báo cháy tự động để đảm bảo tài sản, tính mạng của người dân. Tổng kinh phí đầu tư cho 2 hạng mục này khoảng 130 triệu đồng. Dự kiến, các hạng mục trên sẽ được đưa vào sử dụng vào cuối tháng 5/2018.
Còn theo ông Đặng Đình Toại, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, vừa qua, lực lượng cảnh sát PCCC cũng đã làm việc với huyện về các thiếu sót trong công tác PCCC tại chợ Hai Riêng. Địa phương đang xem xét, khảo sát các phương án và cân nhắc nguồn kinh phí đầu tư cho các hạng mục trên.
Các doanh nghiệp quản lý chợ và tiểu thương rất quan tâm đến vấn đề PCCC. Tuy nhiên, việc đáp ứng các điều kiện về PCCC của các chợ truyền thống còn nhiều hạn chế. Qua đợt kiểm tra, Cảnh sát PCCC-CNCH xử phạt ban quản lý của 8 chợ vi phạm, với số tiền 5,1 triệu đồng; đồng thời nhắc nhở 17 doanh nghiệp khắc phục những thiếu sót để hoàn thiện hệ thống PCCC. Hiện nguy cơ cháy nổ tại các chợ là rất cao, chính quyền các địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp trang bị đầy đủ hệ thống PCCC để người dân, doanh nghiệp yên tâm mua bán.
Trung tá Đào Thế Hải Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH |
NGÔ XUÂN