Chủ Nhật, 27/10/2024 17:28 CH
Mưu sinh bằng công việc phá dỡ nhà cũ
Thứ Sáu, 20/04/2018 15:00 CH

Những người thợ làm công việc phá dỡ nhà cũ tại phường 1, TP Tuy Hòa - Ảnh: THÁI HÀ

Do sự phát triển, nhiều công trình, nhà cửa dân dụng cần phá dỡ để xây dựng khang trang hơn, kèm theo đó, dịch vụ phá dỡ nhà cũ hình thành. Nhu cầu lao động cho công việc này ngày càng nhiều và đòi hỏi phải có sức khỏe. Nhiều lao động ở các miền quê bỏ việc nhà nông vào các thành phố lớn chấp nhận công việc nặng nhọc này với thu nhập khá.

 

Thu hút người lao động

 

Khi nhu cầu phá dỡ nhà cũ để xây lại nhà mới tăng cao, thì dịch vụ phá dỡ nhà cũ cũng trở nên chuyên nghiệp. Tại các thành phố lớn nói chung, TP Tuy Hòa nói riêng, có nhiều công ty cung cấp dịch vụ phá dỡ công trình giải phóng mặt bằng xây dựng và các dịch vụ liên quan như: mua xác nhà cũ, san lấp mặt bằng, vận chuyển phế thải xây dựng... Đầu quân cho những công ty này, nhiều người từ các làng quê đi vào các thành phố làm việc với mức thu nhập khá.

 

Tại thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa), cơn sốt lao động làm công việc dỡ nhà cũ ban đầu chỉ những lao động trong giới thợ hồ, sau đến những lao động nông nhàn không cần tay nghề, chỉ cần sức khỏe. Hiện tại, kể cả những người có công việc ổn định ở địa phương nhưng thu nhập thấp cũng sẵn sàng bỏ việc đi làm công việc này.

 

Ông V.V.A có hơn chục năm làm cán bộ thị trấn với mức lương tầm 3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khi các con ngày càng lớn, lần lượt vào đại học, cao đẳng, vài sào ruộng cộng với lương từ ông A và thu nhập từ làm thuê của vợ không đủ trang trải cho các con. Kinh tế chật vật, bao gánh nặng phải giải quyết, suy tính mãi cuối cùng ông A quyết định nghỉ việc để theo những người trong xóm vào TP Hồ Chí Minh làm công việc phá dỡ nhà cũ.

 

Chưa khi nào phải xa nhà nên khi vào đến thành phố, ông A phát hoảng. “Xe cộ chật kín đường nên tôi không dám cầm lái, đi đường thì lạc lên lạc xuống, đã vậy nơi ở chật chội, bức bối, buổi tối trải chiếu xuống đất nằm trong căn phòng nhỏ xíu… bất tiện đủ thứ”, ông A chia sẻ. Lâu chưa đi làm xa, chưa quen với công việc cực nhọc, ăn ở kham khổ nên được non một tháng, nhớ nhà, ông A về thăm nhà với hơn 7 triệu đồng tiền công sau khi đã trừ các khoản sinh hoạt phí.

 

Nghỉ ngơi, suy tính ông A tiếp tục quay trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Chia sẻ về công việc, ông A nói: “Tôi có hai đứa con đang học đại học, cao đẳng tại TP Hồ Chí Minh; hai đứa nhỏ học phổ thông nên chí ít mỗi tháng cũng phải chi tiền học tối thiểu là 5 triệu đồng. Mấy năm nay, thấy người trong xóm sau mỗi chuyến đi làm về ai cũng sửa được nhà, sắm xe xịn nên thanh niên trai tráng, người lớn tuổi còn sức khỏe cũng theo vào làm. Ở Sài Gòn tuy phải làm cực nhọc nhưng kiếm ra tiền cũng khá, tạm đủ để trang trải chi phí cho gia đình và các con ăn học!”.

 

Đổ mồ hôi trên công trình

 

So với mặt bằng thu nhập chung ở nông thôn, công việc phá dỡ nhà cũ mang lại khoản thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, đổi lại, công việc này đòi hỏi sức khỏe, sự cẩn trọng trong quá trình làm việc; vì chỉ cần lơ là một chút là tai nạn lao động có thể xảy ra.

 

Ông Võ Thanh Tuy (xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa) cho hay, trước đây, mỗi khi có nhu cầu phá dỡ nhà cũ thì chủ nhà thường thuê người làm công nhật đến làm rồi trả tiền theo ngày. Thấy nhu cầu này ngày càng tăng nên cách đây 3 năm, ông Tuy đứng ra thành lập một nhóm thợ chuyên làm công việc phá dỡ nhà cũ hoạt động tại TP Nha Trang (Khánh Hòa). Cũng như ông Tuy, thông thường, những lao động từ nông thôn vào thành phố không đầu quân cho các công ty chuyên tháo dỡ nhà mà thường tổ chức thành nhóm 5-10 người hoạt động độc lập sau đó nhận thầu công trình cùng làm, rồi ăn chia.

 

Tuy nhiên, để cầm được đồng tiền trong tay, người lao động phải đánh đổi không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức, có khi cả sự an nguy. Khi bắt tay vào việc, mỗi công nhân sẽ phải trang bị đồ bảo hộ cần thiết như lưới an toàn, dây an toàn, áo khoác bảo vệ và một số thiết bị bảo hộ khác phục vụ cho công việc; nhưng trên thực tế, một phần để tiết kiệm, một phần để thuận tiện cho công việc, người lao động chủ quan, bỏ qua công việc bảo hộ. Vì vậy, trong khi làm việc, việc họ bị xây xát, té ngã, đạp phải mảnh kính vỡ, dây sắt nhọn, thậm chí bị gạch, tường đổ trúng người... là những chuyện rất thường xảy ra.

 

Đổi lại cho việc lao động cực nhọc, nguy hiểm như vậy, trung bình mỗi nhân công nhận được từ 400.000-500.000 đồng tiền công/ngày. So với những công việc lao động tay chân khác, số tiền trên là nhiều nhưng nếu so sánh với mồ hôi, công sức mà họ bỏ ra thì chẳng thấm vào đâu. Hơn 3 năm trong nghề, hơn ai hết, ông Tuy biết việc phá dỡ công trình cũ tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Tuy nhiên, vì miếng cơm manh áo, ông cùng nhiều người vẫn phải bám trụ các công trình chỉ với mong ước cuộc sống gia đình ở quê sẽ khấm khá hơn.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek