Chủ Nhật, 27/10/2024 17:23 CH
Nâng cao chất lượng dân số vùng nông thôn, miền núi
Thứ Sáu, 20/04/2018 16:00 CH

Người dân miền núi xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) đang được bác sĩ tư vấn SKSS tại trạm y tế xã - Ảnh: KIM CHI

Hiện nay, ở nhiều gia đình vùng nông thôn, miền núi trong tỉnh kinh tế còn khó khăn, điều kiện chăm sóc con chưa được tốt, khiến tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn ở mức cao, ảnh hưởng đến chất lượng dân số.

 

Chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số

 

Đồng Xuân là huyện miền núi được hưởng một số chính sách về huyện nghèo; đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn chiếm tỉ lệ lớn, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Do đó, để thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, hiệu quảcủa cả hệ thống chính trị của địa phương. Tạo thói quen thăm khám, chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) định kỳ tại các xã chính là mục tiêu mà Chi cục DS-KHHGĐ huyện Đồng Xuân đang hướng đến. Đây cũng là mô hình được nhiều huyện khác tham khảo để nâng cao chất lượng dân số.

 

Con thứ 2 của chị La Lan Thị Hương, xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) hiện được 4 tuổi. Lúc mới sinh, sữa mẹ không có nên phải bổ sung sữa công thức cho con. Duy trì được 3 tháng, chị Hương phải chuyển sang cho con uống sữa tươi rồi chuyển sang ăn dặm. Ở vùng miền núi Xuân Quang 1, mỗi tháng tốn vài trăm ngàn đồng cho con uống sữa là sự nỗ lực lớn không phải ai cũng có thể đáp ứng được.

 

Chị La Lan Thị Hương chia sẻ: “Để có tiền mua sữa cho con là một áp lực lớn. Vài tháng thì cố gắng được chứ kéo dài thì không lấy đâu ra tiền để mua. Sau đó thì cho con ăn cháo, ăn cơm cho no chứ chưa dám nghĩ đến việc đảm bảo dinh dưỡng. Ở vùng này ai chăm con cũng như vậy cả thôi”.

 

Còn chị La Lan Thị Thiếu, xã Xuân Lãnh, nói: “Nhà nghèo, con cái có gì ăn nấy chứ đâu có thịt, cá gì nhiều như các gia đình có điều kiện ở đồng bằng, thành phố. Ăn cơm, rau là chủ yếu. Nếu trẻ có bệnh thì tới trạm y tế khám. Mấy năm qua, mỗi lần mang thai, tôi đều đi kiểm tra, thăm khám SKSS nên các con sinh ra đều khỏe mạnh. Tôi thấy việc chăm sóc SKSS định kỳ ở phụ nữ mang thai là rất tốt”.

 

Tại huyện Sơn Hòa, người dân chủ yếu làm rẫy, nuôi bò, trồng mía nên khó có thể tính được thu nhập hàng ngày, hàng tháng là bao nhiêu. Cuộc sống khó khăn nên dù chỉ sinh 1 đến 2 con, nhưng điều kiện chăm sóc trẻ còn rất hạn chế. Hờ Tài, người dân tộc thiểu số Ê Đê ở thôn Hòa Ngãi, xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) đưa con đến trạm y tế xã từ rất sớm, được bác sĩ kiểm tra sức khỏe, khám bệnh và cấp phát thuốc theo diện có thẻ BHYT.

 

Hờ Tài chia sẻ: “Nhà tôi thuộc diện nghèo nên cũng chỉ rau cháo qua ngày cho con cái. Năm qua, được nhà nước hỗ trợ cấp thẻ BHYT, không phải lo gánh nặng về kinh phí thuốc men, được chăm sóc sức khỏe cho con trong điều kiện tốt nhất, tôi và các con yên tâm được phần nào. Nhưng để ăn cho đủ chất thì vẫn còn khó lắm”.

 

Hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng

 

Kinh tế khó khăn, điều kiện chăm sóc thiếu thốn nên tỉ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em ở vùng miền núi và nông thôn luôn chiếm tỉ lệ cao. Theo khảo sát của Tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam về phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em huyện Đồng Xuân, tỉ lệ suy dinh dưỡng ở huyện này còn cao. Cụ thể, ở xã Phú Mỡ, trẻ em suy dinh dưỡng gần 32%, Xuân Lãnh hơn 19%, Đa Lộc gần 14%, Xuân Quang 2 hơn 15%, Xuân Phước hơn 13%...

 

Trẻ em dưới 5 tuổi ở nhiều địa phương khác thuộc hai huyện miền núi Sơn Hòa và Sông Hinh cũng đang phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em. Trong năm 2018, các đơn vị phối hợp nhanh chóng áp dụng mô hình tiếp cận nông nghiệp hướng đến dinh dưỡng và mở rộng can thiệp tại huyện Đồng Xuân. Trong các năm tiếp theo, mô hình này sẽ được mở rộng ở các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh.

 

Ngay ở khu vực đồng bằng, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng một số địa phương vẫn còn cao. Hòa Thắng, một xã thuần nông ở huyện Phú Hòa, theo số liệu thống kê vào đầu năm 2018, toàn xã có hơn 10% trẻ bị suy dinh dưỡng. Nhiều bà mẹ cũng chưa quan tâm đến việc cho trẻ ăn theo tháp dinh dưỡng đã được Bộ Y tế ban hành nhằm đảm bảo đủ dưỡng chất để trẻ phát triển.

 

Suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến việc phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ, chưa kể trẻ dễ mắc nhiều chứng bệnh, tạo gánh nặng cho gia đình và hệ thống y tế. Do vậy, việc tuyên truyền, vận động người dân quan tâm hơn đến dinh dưỡng cho trẻ là điều cần thiết.

 

Chị Nguyễn Thị Thúy Vân, Phó Trưởng Trạm Y tế xã Hòa Thắng, cho biết: Mỗi năm, trạm y tế đều có đợt điều tra dinh dưỡng của trẻ. Các cộng tác viên dinh dưỡng ở xã nắm số liệu và thống kê mức suy dinh dưỡng hàng năm. Sau đó, cộng tác viên sẽ vận động các gia đình đưa trẻ đi khám ở trạm và tư vấn chế độ dinh dưỡng để gia đình điều chỉnh phù hợp. Đầu năm 2018, thống kê ghi nhận tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng đã giảm so với các năm trước đó.

 

Hiện tốc độ tăng dân số của Phú Yên đã đạt ở mức sinh thay thế. Theo bác sĩ Vũ Ngọc Dững, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, nhiệm vụ của ngành Dân số giai đoạn mới chính là nâng cao chất lượng dân số, trong đó việc quan tâm đến chế độ dinh dưỡng nhằm giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng là yêu cầu cấp bách.

 

KIM CHI - HUYỀN TRANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek