Thứ Năm, 17/10/2024 22:27 CH
Để tuổi già thảnh thơi
Thứ Sáu, 13/04/2018 13:00 CH

Ông Trần Ngọc Thung ở xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa tuổi đã ngoài 80 nhưng vẫn khỏe mạnh và mê chơi hoa lan - Ảnh: THÁI HÀ

Tuổi già thường đi kèm với nhiều hệ lụy như không còn sức lao động, bệnh tật, cuộc sống thụ động và phụ thuộc vào con cái trong sinh hoạt hàng ngày. Nhưng mặt khác, đây là lúc họ được nghỉ ngơi, có nhiều thời gian để làm công việc mình yêu thích. Thế nên, để tuổi già thảnh thơi, ai cũng cần chuẩn bị từ khi còn trẻ, khỏe.

 

Hụt hẫng khi ở dốc bên kia cuộc đời

 

Tuổi thọ bình quân của người Việt vài chục năm gần đây tăng lên đáng kể. Theo kết quả điều tra của Diễn đàn Kinh tế thế giới, từ năm 2016 tuổi thọ trung bình người Việt là 75,6 tuổi. Tuy nhiên, khi tuổi thọ trung bình tăng, thay vì vui, nhiều người cảm thấy hoang mang khi ở dốc bên kia của cuộc đời.

 

Bà Lê Thị Nữa ở khu phố Ninh Tịnh 2 (phường 9, TP Tuy Hòa) năm nay 74 tuổi, chồng bà là ông Lê Quang Sáu cũng 77 tuổi nhưng ngày nào ông bà cũng đẩy xe bắp nướng đi từ nhà ra phường 7 để bán. Do ông không thấy đường từ 3 năm nay, sức khỏe lại yếu nên hai vợ chồng già thường xuất phát từ 12 giờ trưa, đến chỗ bán hàng đã 13 giờ 30 chiều. Sau khi trải bạt để ông Sáu nằm nghỉ ngơi, bà Nữa quét dọn, giăng bạt, nhóm lửa đến 14 giờ 30 mới ngồi nướng bắp.

 

Trong cái nắng oi ả của những ngày đầu hè từ bên ngoài ập vào và hơi nóng từ lò than không ngừng phả ra, khuôn mặt bà Nữa trông khắc khổ. Để bớt nóng, bà Nữa ban đầu cắt tóc ngắn, sau vẫn không bớt nóng, bà cạo trọc đầu và đội mũ rộng vành. Trong câu chuyện ngắn dài lúc nướng bắp, bà Nữa chia sẻ, bà cũng có con, trai gái đủ cả nhưng các con đều nghèo. Để lo cho các cháu ăn học, các con bà đã vất vả nên bà phải làm việc để có tiền sinh hoạt, để dành một ít lúc đau ốm và để phần sau này ông bà già yếu con cái có cái mà lo. Mặc dù sức khỏe kém đi trông thấy nhưng hàng ngày, bà Nữa vẫn phải rời nhà lúc 12 giờ trưa, làm việc tới chiều tối và về nhà khi đã 22 giờ đêm. Đường xa, chân không còn nhanh nhẹn, ông Sáu lại không thấy đường nên hai vợ chồng già cứ túc tắc mà đi. Tuổi già của hai vợ chồng bà Nữa là những ngày dầm mưa dãi nắng mưu sinh cực nhọc.

 

Làm lụng suốt cả cuộc đời nhưng bà Nữa chưa bao giờ thấy đủ vì sợ đoạn đường còn chông chênh phía trước. “Bữa nay chi phí nhiều lắm. Cứ nhìn gia đình con gái út tôi thì biết. Hai vợ chồng nó làm lao động tay chân quần quật cả ngày mà chỉ đủ qua bữa, lấy đâu nuôi cha mẹ già. Từ hàng xóm, bà con của mình, tôi đã thấy những người già nay ốm mai đau, tiền bạc không có nên bị con cháu nặng nhẹ, cuộc sống âm thầm và cực khổ. Cho nên, tôi sẽ làm việc đến lúc chân không đi nổi nữa mới thôi”, bà Nữa cho hay.

 

Chuẩn bị hành trang cho tuổi già

 

Chẳng biết người già ở thành phố hạnh phúc hay kém may mắn hơn các cụ ở nông thôn. Bởi thông thường, người già ở nông thôn làm việc khi sức khỏe còn cho phép nên tuổi già đến rất tự nhiên. Còn người già làm công chức ở thành phố đi làm từ trẻ cho đến ngày nhận được thông báo về hưu, khi đó có người bị sốc vì không còn việc gì để làm. Tuy nhiên, theo những người có kinh nghiệm “về già”, cho dù công chức ở thành phố hay những lão nông ở quê, ai chuẩn bị cho tuổi già từ sớm thì đến khi “già thật” sẽ thảnh thơi hơn.

 

Ngày nay, khi cuộc sống ngày càng bận rộn, nhiều người rất sợ tuổi già vì có người cả đời vất vả nuôi con giờ phải quay sang chăm cháu khi sức khỏe đã giảm sút; có người cảm thấy cô đơn buồn tẻ khi cha mẹ già cũng là lúc con cái đã trưởng thành, khoảng cách thế hệ khiến họ không tìm thấy được tiếng nói chung; có người lại chẳng chuẩn bị được tiền bạc nên tuổi già phải sống phụ thuộc. Nhưng bên cạnh đó, cũng có người thấy tuổi già không hề đáng sợ. Bởi lúc này, cuộc sống của họ đã trở nên thư thái hơn khi không phải lo nghĩ đến gánh nặng cơm áo gạo tiền; không phải nuôi dạy con cái; không phải lo nghĩ về công việc làm… Nhìn chung đời sống tinh thần được thảnh thơi, an lạc.

 

Ông Hồ Minh Thuận (xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa) về hưu sau nhiều năm làm việc tại một trường học. Ông có hai con gái là giáo viên, một người đã có gia đình nên ông không phải lo lắng nhiều. Để chuẩn bị cho tuổi già, ông Thuận tích lũy từ khi còn trẻ. Hiện tại, với lương hưu nhận hàng tháng cùng với tiền để dành khi còn làm lụng được, ông Thuận có thể tận hưởng tuổi già, đi đến nơi mình thích và chăm lo sức khỏe bằng cách tập luyện thể dục mỗi ngày. Ông cũng tuyên bố rạch ròi chỉ cho con những phần đất riêng và giữ lại cho mình căn nhà đang ở xem như tài sản cá nhân để phòng lúc già yếu nếu không ở được với con thì vẫn có chốn để lui về. Ông Thuận chia sẻ: “Ai rồi cũng đến lúc phải già đi, cưỡng cầu cũng không được. Ngày trẻ, tôi đã làm một lúc nhiều việc, xoay như chong chóng để lo cho các con vào đại học, hỗ trợ các con học lên thạc sĩ, phụ chăm cháu khi con đi làm, lo lắng chăm sóc cho ông bà hai bên. Đến lúc nghỉ hưu, tôi thấy nhẹ nhõm vì bao nhiêu nỗi lo trước đó giờ không còn nữa”.

 

Để chuẩn bị hành trang khi tuổi già đến, ông Đặng Phi Khanh, Phó Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh cho rằng, điều quý nhất với người già là sở hữu đời sống tinh thần và thể chất khỏe mạnh. Trong đó, để có đời sống tinh thần vui khỏe, Hội Người cao tuổi tỉnh khuyến khích người già quan tâm tới sinh hoạt câu lạc bộ, sáng tác thơ, tiếp tục làm việc và theo đuổi các thú vui khi về hưu. Còn lại, bản thân người già cũng phải tự nỗ lực, chủ động chăm lo sức khỏe mới hưởng thụ được tuổi già. “Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật của cuộc đời. Ai cũng phải lo lắng cho người khác cả cuộc đời rồi, nên tuổi già là lúc nghỉ ngơi, chỉ cần chăm sóc tốt cho bản thân mình là đủ”, ông Khanh trải lòng.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek