Thứ Sáu, 18/10/2024 00:27 SA
Văn hóa phản biện
Thứ Năm, 12/04/2018 09:38 SA

Phản biện được hiểu như một hành vi có chất lượng khoa học của phê phán; thực chất của phản biện là đánh giá cái tốt, đồng thời chỉ ra cái sai, cái chưa đúng, cái cũ, cái thiếu hụt… với thái độ thẳng thắn, khách quan, có cơ sở khoa học, đầy đủ thiện chí. Quan trọng hơn cả là đưa ra kiến nghị để phát huy cái tốt và hạn chế cái không tốt sau phản biện. Trong xã hội dân chủ, phản biện là nhu cầu cần thiết của cuộc sống và phải được coi là nét văn hóa.

 

Thực tế đã khẳng định phản biện là động lực của sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, đâu đó trong nhận thức của một số người vẫn có sự nhầm lẫm và cho rằng phản biện là phản đối, phản bác, là gây khó khăn cản trở cho việc thực thi một nhiệm vụ nào đó trong cuộc sống. Phản biện là một kiểu đối thoại đặc biệt. Lịch sử cho thấy, sự độc quyền kéo dài thường là nguyên nhân chính của sự trì trệ. Không thể chậm hơn khi sự mở cửa giao lưu với thế giới bên ngoài, sự hội nhập ngày càng sâu của nền kinh tế đã là một đòi hỏi tất yếu không cho phép chúng ta bảo thủ.

 

Việc hạn chế phản biện xã hội hay duy trì sự phản biện chất lượng kém, phản biện tư vấn theo kiểu “chung chung”, chỉ để đủ thủ tục sẽ dễ đẩy xã hội vào vòng xoáy của chuyên chế, độc tài, sẽ kìm hãm sự phát triển. Và nếu như vậy thì trí thức sẽ là người đầu tiên “có tội” với nhân dân. Huy động sự tham gia của cộng đồng là một truyền thống vốn có của dân tộc ta, điều này đã đóng góp lớn cho việc duy trì sự ổn định và phát triển xã hội của Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại.

 

Mọi ý kiến người dân, mà phần nhiều nảy sinh trong hoạt động thường ngày của bộ máy hành chính, khi xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách, đó chính là các hoạt động tư vấn, phản biện của người dân trong cộng đồng xã hội.

 

Ngày nay, để có thể điều chỉnh kịp thời các chủ trương, chính sách, các chương trình dự án, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin; cách mạng KH-CN đang diễn ra ở khắp nơi, thì hoạt động tư vấn, phản biện càng trở nên cần thiết. Khi chủ trương, chính sách đưa vào cuộc sống ảnh hưởng tiêu cực về mặt lợi ích của các giai tầng trong xã hội thì điều tất yếu xảy ra là không tạo được sự đồng thuận và làm nảy sinh mâu thuẫn. Lúc này phản biện xã hội là giải pháp tốt, hiệu quả để kịp thời điều chỉnh và giải quyết những vướng mắc, mâu thuẫn. Một xã hội tổ chức phản biện tốt sẽ góp phần tạo ra sự đồng thuận cho phát triển, giảm được tối đa sự phản kháng không cần thiết của dân chúng.

 

Phản biện xã hội phải là sự tổng hòa các nguồn tri thức. Vì vậy phản biện phải được nhìn dưới mọi góc độ, đa ngành nghề, bên cạnh đó, phải luôn trân trọng các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học. Phản biện là sở trường, là lợi thế đặc biệt của lực lượng trí thức, nhất là trí thức KH-CN. Nếu khoa học không có chỗ đứng cho sự gian dối thì phản biện xã hội không có chỗ cho sự thỏa hiệp và vùng cấm nguy hiểm nhất là vùng không có tri thức!...

 

Thực hiện phản biện xã hội rất cần một đội ngũ trí thức có đủ bản lĩnh, đủ dũng khí làm vai trò tổng hợp, phân tích, chọn lọc các ý kiến truyền tải một cách đầy đủ nhất, trung thực nhất đến nơi có thẩm quyền giải quyết. Hoạt động phản biện xã hội của trí thức là hoạt động minh bạch, dân chủ, công khai, không có thỏa hiệp. Vậy nên, đòi hỏi đầu tiên của hoạt động tư vấn, phản biện là độc lập, khách quan, khoa học, trung thực vì lợi ích cộng đồng. Để thực hiện tốt trách nhiệm phản biện đòi hỏi người trí thức ngoài năng lực chuyên môn, kinh nghiệm, hiểu biết các quy định của pháp luật thì điều cần nhất là phải có bản lĩnh, có dũng khí. Thực tế cho thấy có những trí thức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, nhiều kinh nghiệm, nắm vững đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhưng trước nhiều vấn đề của xã hội đang được dư luận quan tâm họ vẫn im lặng. Sự lặng im của họ có nhiều lý do. Người thì quan niệm việc đó là việc của Nhà nước không hơi đâu mà “ôm rơm nặng bụng”.

 

Người khác thì ngại va chạm, sợ ảnh hưởng đến vị trí công tác, đến các mối quan hệ. Với người có tư tưởng an phận thủ thường thì “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, “im lặng là vàng”, tôi không đụng đến ai cũng mong ai đó đừng đụng đến tôi… và vô vàn lý do khác. Nhưng một căn nguyên chính là ở họ còn thiếu dũng khí, thiếu bản lĩnh.

 

Những người này khi được mời trong hội đồng khoa học hoặc thực hiện nhiệm vụ phản biện họ thường nói chung chung khen một ít, chê một ít, đại loại là “vô thưởng vô phạt”. Ngoài ra cũng có những người trong phản biện của mình lại dùng những từ ẩn dụ hay châm biếm, cảm tính, đưa quan điểm cá nhân vào nội dung phản biện hoặc dùng những từ ngữ mang tính công kích cũng không thể hiện được tính văn hóa trong phản biện xã hội.

 

Thực tế thời gian qua, nhiều dự án từ Trung ương đến địa phương nhờ sự phản biện của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học đã cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn giúp cấp thẩm quyền xem xét, kịp thời điều chỉnh, bổ sung những sai sót trước khi quyết định những vấn đề lớn của đất nước, địa phương. Cuộc sống đã khẳng định, phản biện xã hội là nhân tố quan trọng của sự phát triển. Và người thực hiện chức năng này không ai khác là đội ngũ trí thức. Ưu điểm nổi bật của trí thức Việt Nam là có lòng yêu nước, luôn mong muốn được đóng góp sức lực, trí tuệ của mình để góp phần xây dựng quê hương đất nước mạnh giàu, công bằng, dân chủ, văn minh.

 

Hoạt động phản biện xã hội hướng đến cái đích cuối cùng là vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia dân tộc. Mọi chủ trương, đường lối, chính sách đưa ra phải hợp lòng người, phải phục vụ cho sự phát triển chung của đất nước. Vì thế, Đảng và Nhà nước ta giao nhiệm vụ phản biện xã hội cho nhiều cấp nhiều ngành. Mà trực tiếp là trí thức, lớp người có tri thức, ý thức cao trách nhiệm, muốn đóng góp sức lực, trí tuệ của mình vào nhiệm vụ chung của đất nước; không để các giá trị tốt đẹp của cuộc sống bị vi phạm, để những điều chưa đúng, chưa trúng có cơ hội len lỏi vào cuộc sống.

 

 

ThS Nguyễn Hoài Sơn

Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek