Thực hiện Nghị quyết 7c/NQ-BCH của Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng chương trình thực hiện cụ thể, triển khai đến từng công đoàn cơ sở (CĐCS) nhằm cải thiện chất lượng bữa ăn ngày càng tốt hơn.
Chú trọng bữa ăn ca cho công nhân
Ông Hồ Hồng Nam, Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh, cho hay khi chưa có Nghị quyết 7c/NQ-BCH của Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc theo dõi, vận động, đối thoại… nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn ca của công nhân đã được các cấp công đoàn trong tỉnh quan tâm. Đặc biệt, từ khi vấn đề này được cụ thể bằng nghị quyết, việc tập trung thực hiện được các cấp công đoàn chú trọng và cụ thể hơn.
Theo đó, LĐLĐ tỉnh đã chủ động tổ chức hàng trăm buổi đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động nhằm nâng giá trị bữa ăn ca của người lao động (NLĐ) từ 15.000 đồng trở lên. Riêng trong năm 2017, có 48 doanh nghiệp (DN) thực hiện, trong đó giá trị bữa ăn 15.000 đồng/người/ngày trở lên có 31 DN, dưới 15.000 đồng/người/ngày có 17 DN thực hiện.
Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh cũng chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách pháp luật đối với NLĐ tại các DN; trong đó có việc khảo sát, nắm tình hình tổ chức bữa ăn ca cho NLĐ để kịp thời đôn đốc, nhắc nhở DN thực hiện tốt.
Trong bối cảnh thực phẩm bẩn đang “bủa vây” người tiêu dùng, việc đảm bảo bữa ăn an toàn cho NLĐ được tổ chức công đoàn, các DN quan tâm. Nhiều DN đã nhận thức rõ vấn đề này, cùng công đoàn tổ chức tốt bữa ăn ca cho công nhân. Trong đó, Công ty TNHH Công nghiệp Semco (Khu công nghiệp Hòa Hiệp) là một điển hình.
Công ty này hiện có hơn 300 công nhân. Ngoài việc chăm lo đời sống cho NLĐ, công ty đặc biệt chú trọng đến chất lượng bữa ăn giữa ca. Bà Nguyễn Thị Siêng, Chủ tịch CĐCS công ty cho biết: “Hiện nay, công ty đang hỗ trợ bữa ăn ca cho công nhân với mức 15.000 đồng/người/ngày. Công ty rất quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe NLĐ”.
Công ty CP An Hưng cũng rất quan tâm đến chế độ ăn ca của trên 1.000 công nhân may tại các xí nghiệp của công ty. Ông Phan Đình Hồng, Chủ tịch CĐCS công ty nói: “Lãnh đạo công ty luôn xem NLĐ là “tài sản” quý giá, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của DN. Công đoàn luôn sát cánh, vận động, thương lượng với DN chăm lo đời sống, tinh thần cho công nhân, góp phần giúp họ đảm bảo sức khỏe, an tâm làm việc.
Tại các xí nghiệp sản xuất, khu nhà ăn và khu nấu ăn được bố trí tách biệt nên rất sạch sẽ, thoáng mát. Nhân viên phục vụ bếp ăn được trang bị đầy đủ găng tay, mũ, khẩu trang, tạp dề, giày đi trong khu vực nấu ăn… Các dụng cụ nấu ăn được vệ sinh sạch sẽ và bảo quản ở nơi khô ráo”. Chị Lê Thị Thanh Thảo, công nhân công ty chia sẻ: “Sau những giờ làm việc mệt mỏi, bữa ăn ca tiếp thêm năng lượng cho mỗi người. Thực phẩm, thức ăn tươi sống được các đầu bếp chế biến rất hợp khẩu vị. Thực đơn mỗi ngày có từ 2-3 món, được thay đổi hợp lý”.
Nhân rộng các mô hình tốt về bếp ăn tập thể
Theo ông Mã Quang Hưng, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Phú Yên, mức ăn của công nhân phụ thuộc vào năng lực DN, có nơi cao, nơi thấp nhưng tối thiểu trên 10.000 đồng/suất, không bao gồm chi phí nhân công, phục vụ là chấp nhận được. Vấn đề là phải kiểm soát được nguồn hàng, quá trình tổ chức bữa ăn để giá trị mỗi suất ăn không bị xâm phạm và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Bữa ăn ca an toàn, chất lượng không chỉ đảm bảo sức khỏe cho NLĐ mà còn mang lại lợi ích cho chính DN - người sử dụng lao động. Khi sức khỏe được đảm bảo, NLĐ sẽ yên tâm làm việc, nâng cao năng suất và gắn bó lâu dài với DN”, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hồ Hồng Nam nhận định. |
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trương Tấn Lực, Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch CĐCS Công ty CP PYMEPHARCO, cho biết: “Công ty hoàn toàn ủng hộ nghị quyết của Tổng LĐLĐ Việt Nam trong việc nỗ lực cải thiện bữa ăn ca cho NLĐ. Hàng ngày, nhà bếp công ty phục vụ khoảng 600 phần ăn cho công nhân viên. Vì vậy, tất cả nhân viên của nhà bếp đều có chứng chỉ về nấu ăn và hơn một nửa nhân viên dược tá.
Nhà bếp ưu tiên lựa chọn thực phẩm tự nhiên, không sử dụng những sản phẩm công nghiệp và đảm bảo khẩu phần ăn hàng ngày đủ dinh dưỡng để NLĐ có sức khỏe làm việc”. Ông Lực khẳng định, NLĐ khỏe mạnh, DN mới phát triển được. Việc chăm lo cho NLĐ luôn được PYMEPHARCO coi trọng như mục tiêu sống còn của công ty, thể hiện qua phương châm cốt lõi “DN là con người”.
Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hồ Hồng Nam, trong thời gian tới, các cấp công đoàn tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để chủ DN nhận thức sâu sắc hơn nữa tầm quan trọng và tiếp tục quan tâm cải thiện chất lượng bữa ăn ca; tổ chức đối thoại định kỳ với DN, đưa nội dung bữa ăn ca vào thỏa ước lao động tập thể...
Đồng thời, các cấp công đoàn cũng sẽ đẩy mạnh phối hợp với các ngành chức năng thanh, kiểm tra; qua đó cơ quan chức năng sẽ xử phạt các đơn vị vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc nhân rộng các mô hình tốt về bếp ăn tập thể, tuyên dương các DN thực hiện tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm dinh dưỡng bữa ăn ca của NLĐ… cũng sẽ được các cấp công đoàn chú trọng hơn nữa.
“Bữa ăn ca an toàn, chất lượng không chỉ đảm bảo sức khỏe cho NLĐ mà còn mang lại lợi ích cho chính DN - người sử dụng lao động. Khi sức khỏe được đảm bảo, NLĐ sẽ yên tâm làm việc, nâng cao năng suất và gắn bó lâu dài với DN”, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hồ Hồng Nam nhận định.
THÁI NGỌC