Do tác động của lối sống hiện đại, mô hình gia đình truyền thống đang có xu hướng bị phá vỡ. Điều đó đồng nghĩa với việc mô hình gia đình dần thu nhỏ và những giá trị gia đình truyền thống cũng có nguy cơ suy giảm.
Trong dân gian, gia đình truyền thống được coi là đại gia đình mà các thành viên liên kết với nhau bằng chuỗi quan hệ huyết thống. Trong gia đình này có thể chung sống từ ba thế hệ trở lên: ông bà - cha mẹ - con cái, mà người ta quen gọi là tam, tứ, ngũ đại đồng đường. Kiểu gia đình này khá phổ biến và tập trung nhiều nhất ở nông thôn. Gia đình truyền thống có sự gắn bó cao về tình cảm theo huyết thống, bảo lưu được các truyền thống văn hóa, tập tục, nghi lễ, phát huy tốt các gia phong, gia lễ, gia đạo. Các thành viên trong gia đình có điều kiện giúp đỡ nhau về vật chất và tinh thần, chăm sóc người già và giáo dưỡng thế hệ trẻ. Đó là những giá trị rất căn bản của văn hóa gia đình mà chúng ta cần kế thừa và phát huy.
Tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập, mô hình gia đình nhiều thế hệ theo kiểu tam, tứ, ngũ đại đồng đường chung sống trong một ngôi nhà đang mất dần. Mô hình gia đình ít người đang thay thế, thường chỉ có hai thế hệ cha mẹ - con cái hay có thể đến thế hệ thứ ba, rất hiếm thấy gia đình có 4-5 thế hệ cùng chung sống. Không chỉ ở thành thị mà ngay cả nông thôn, mọi người cũng nhanh chóng tách hộ sớm.
Xu hướng hạt nhân hóa gia đình ở Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng vì nhiều ưu điểm và lợi thế của nó. Trước hết, gia đình hạt nhân tồn tại như một đơn vị độc lập, gọn nhẹ, linh hoạt và có khả năng thích ứng nhanh với các biến đổi xã hội. Gia đình hạt nhân có sự độc lập về quan hệ kinh tế. Kiểu gia đình này tạo cho mỗi thành viên trong gia đình khoảng không gian tự do tương đối lớn để phát triển tự do cá nhân. Trong xã hội hiện đại, mức độ độc lập cá nhân được coi là một yếu tố thể hiện chất lượng cuộc sống gia đình. Tính độc lập cá nhân được gia đình tạo điều kiện nuôi dưỡng, phát triển sẽ tạo ra phong cách sống, tính cách, năng lực sáng tạo riêng khiến mỗi người đều có nét riêng. Việc thu nhỏ quy mô gia đình là một sự tiến bộ của xã hội.
Tuy nhiên, gia đình hạt nhân cũng có những điểm yếu nhất định. Do mức độ liên kết giảm sút và sự ngăn cách không gian giữa các gia đình nên khả năng hỗ trợ lẫn nhau về vật chất và tinh thần bị hạn chế. Ảnh hưởng của các thế hệ tới nhau ít đi cũng làm giảm khả năng bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình. Gia đình Việt Nam đang đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đó là tình trạng ly hôn có xu hướng tăng cao, sống chung không kết hôn, ngoại tình, tình trạng trẻ em nghiện hút, tệ nạn mại dâm… Không ít vụ việc đáng buồn đã xảy ra, như anh chị em ruột, thậm chí là cha con, mẹ con... chỉ vì lợi ích kinh tế mà dẫn đến xung đột, tranh chấp, kiện tụng nhau. Có những người con mải mê làm ăn, mải mê tiến thân mà bỏ mặc cha mẹ, ông bà trong cảnh cô đơn, thậm chí nghèo khó; cha mẹ không có điều kiện chăm sóc con cái, mặc dù đầu tư cho con cái học hành nhưng lại đẩy mọi việc cho nhà trường…
Nhiều người vẫn phàn nàn rằng hiện nay, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, nhất là những gia đình ở đô thị đang ngày một lỏng lẻo; cha con, anh em sống trong một mái nhà nhưng ít khi nhìn thấy mặt nhau, đến ăn bữa cơm chung cả gia đình cũng hiếm…
Dù có như thế nào, gia đình hạt nhân vẫn là loại hình khá phổ biến hiện nay và đó cũng là loại hình gia đình thịnh hành trong các xã hội công nghiệp - đô thị phát triển. Cũng có nghĩa đó là kiểu gia đình của tương lai. Gia đình Việt Nam tuy chịu tác động nhiều chiều của cơ chế thị trường nhưng hiện tại, vẫn là một giá trị bền vững và có sức sống mạnh mẽ. Nó vẫn là nền tảng, là tế bào của xã hội, là một thiết chế cơ bản của xã hội, là tổ ấm, nơi nương tựa quan trọng nhất của mỗi người.
Thiết nghĩ, không có mô hình nào lý tưởng cho mỗi gia đình. Dù là gia đình truyền thống hay gia đình hiện đại thì sự đùm bọc yêu thương và chăm sóc nhau của mỗi thành viên là vĩnh cửu. Hãy sống vì nhau, vì những người thân của mình.
ĐỨC THÀNH