Khi nhiều người lao động kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài nhất trong năm và quay lại các thành phố lớn để bắt đầu công việc thì vẫn có không ít người ngược về quê ăn Tết muộn cho đến cuối tháng Giêng. Với họ, tuy không được sống trong không khí náo nức của những ngày Tết nhưng được về nhà nghỉ ngơi bên gia đình sau cả một năm nỗ lực, cố gắng cũng là một niềm vui.
Làm việc xuyên Tết
Tết không chỉ là dịp gia đình sum họp, chào đón một năm mới đầy hứng khởi mà còn là dịp để những lao động làm trong ngành dịch vụ kiếm được tiền. Vì vậy, thay vì về quê ăn Tết cùng gia đình, nhiều lao động ở lại làm việc trong các thành phố lớn và chỉ về quê khi những người khác đang ùn ùn quay trở lại thành phố.
Những ngày cận Tết và trong Tết Nguyên đán, việc làm thêm dành cho sinh viên luôn rất sôi động với nhiều ngành nghề, loại hình khác nhau và ngành nghề nào cũng thiếu nhân lực trầm trọng, nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh. Với những sinh viên xa quê, đây là dịp để các em ở lại thành phố, tiết kiệm chi phí tàu xe và đi làm thêm để dành được một khoản chi tiêu khi ra Giêng. Không chỉ sinh viên mà nhiều gia đình trẻ, không phải gia đình nào cũng được về quê ăn Tết do công việc.
Năm nào, anh Võ Duy Cường (xã Xuân Cảnh, TX Sông Cầu) cũng về quê ăn Tết rất muộn. Mang tiếng là ăn Tết nhưng thực sự, khi anh Cường về, cây mai trước nhà đã rụng hết hoa và xóm làng không còn sôi động nữa. Tuy vậy, anh vẫn rất vui vì có thể về nhà, ăn bữa cơm cùng người thân và nghỉ ngơi sau cả năm làm việc vất vả. Anh Cường chia sẻ: “Tôi làm việc trong một trung tâm thương mại tại TP Hồ Chí Minh nên cao điểm nhất trong năm là mùa Tết. Những ngày đầu năm và những ngày cuối năm, công việc tất bật, làm bở hơi tai. Sau Tết, khi công việc đã trở lại bình thường, nhân viên mới bắt đầu chia nhau về nghỉ Tết”.
Anh Lê Viết Hoa quê ở khu phố 2, thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) cũng về quê ăn Tết muộn. Anh Hoa làm công việc thiết kế vườn hoa, vườn rau thủy canh, trồng và bán hoa nên công việc vất vả cả năm. Trước Tết, anh phải thuê nhiều địa điểm và thuê người trông coi để bán đến đêm giao thừa. Những ngày đầu năm các vựa hoa vẫn có khách. Sau khi tính toán chi phí, lương bổng cho nhân viên, anh cùng bạn phải ở lại vườn hoa để lo tưới tiêu, chăm bón cho lứa hoa mới nhập về nên phải đến mùng 5 Tết, khi mọi người trở lại làm việc thì anh và người bạn làm chung mới mua vé máy bay để một người bay về Phú Yên, người kia về Hà Tĩnh.
Tết muộn vẫn vui
Với nhiều người được về quê ăn Tết dù rất muộn nhưng không khí Tết vẫn đủ đầy. Và khi quay lại thành phố, họ còn được gia đình gói gém các món đặc sản để vào làm quà cho bạn bè, người quen. Anh Cường chia sẻ: “Về sau Tết thì không khí không còn nhộn nhịp nữa và chỉ có thể gặp được vài bạn bè thân. Đổi lại, tôi có được thời gian nghỉ ngơi hoàn toàn bên gia đình, được ăn uống thoải mái những món mình ưa thích mà không phải lo lắng. Với tôi, Tết chỉ cần vậy đã đủ vui rồi”.
Sau Tết, nắng ấm, biển êm, nên có rất nhiều hải sản ngon mà giá cả rất phải chăng. Mực loại ngon, cá loại ngon chưa tới 200.000 đồng/kg; rau xanh vườn nhà mơn mởn, nên những người vào thành phố muộn lại có dịp tay xách nách mang bao nhiêu là thứ quà quê, đặc sản. Vừa bỏ đá lạnh vào thùng ướp hải sản, chị Nguyễn Thị Hương, một tiểu thương chợ phường 7 (TP Tuy Hòa) cho biết, từ mùng 4, mùng 5, đã có nhiều người vào lại TP Hồ Chí Minh và mua hải sản để mang vào nhưng mấy ngày đó biển chưa có cá nên giá cả vừa đắt, vừa không ngon. Những ai đi từ mùng 10 trở lên thì trúng mùa biển nên cá, tôm, mực tươi xanh mà giá lại rẻ. Những hành khách vào thành phố trễ đã đặt chị Hương mấy chục ký cá các loại nên chị đang đóng thùng chuẩn bị cho khách đi chuyến xe buổi chiều.
Ai cũng mong muốn được về nhà từ trước Tết để dọn dẹp, sắm sửa nhà cửa và cùng chìm đắm trong không khí trầm mặc, linh thiêng của đêm giao thừa. Tuy nhiên, vì mưu sinh, nhiều người vẫn phải ở lại thành phố và về trễ, đón Tết rất muộn. Tuy nhiên, được về nhà dù sớm hay muộn vẫn cứ đủ đầy niềm vui. Bởi với nhiều người, nỗ lực hết mình trong năm cũ là cách để năm sau có được cái Tết trọn vẹn hơn.
THÁI HÀ