Thứ Hai, 13/01/2025 16:27 CH
Giảm bạo lực học đường: Cần sự gắn kết giữa gia đình, nhà trường và xã hội
Thứ Ba, 06/03/2018 11:00 SA

Học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ biểu diễn tiểu phẩm “Bạo lực học đường” tại đợt truyền thông phòng chống tội phạm - Ảnh: KIM CHI

Bạo lực học đường thời gian qua trở thành mối quan tâm của nhiều gia đình, nhà trường, nỗi trăn trở của toàn xã hội. Tỉ lệ thanh thiếu niên, trong đó có học sinh THPT, THCS vi phạm pháp luật, sa ngã vào tệ nạn xã hội ngày một gia tăng, thậm chí có nhiều em tham gia vào những vụ án hình sự nghiêm trọng…

 

Bạo lực học đường, mối lo không của riêng ai

 

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, chia sẻ: Gia đình, nhà trường và xã hội phải là một tác động tổ hợp, đồng tâm, tạo sức mạnh thúc đẩy quá trình phát triển của các bạn trẻ, định hướng cho các em những giá trị tốt đẹp về nhân cách, có ước mơ, hoài bão, lý tưởng sống vì bản thân, gia đình và cộng đồng. Giáo dục các cháu rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức của một người học sinh, biết trân trọng bản thân, thương yêu gia đình, thầy cô, bè bạn; xây dựng cho mình lối sống lành mạnh với những giá trị trong sáng, cao đẹp.

Cuối năm 2017, dư luận dậy sóng trước việc hai nữ sinh lớp 9 ở tỉnh Kiên Giang đánh dã man ba nữ sinh lớp 7 và phải nhận hình thức kỷ luật buộc thôi học có thời hạn. Sự ám ảnh, nỗi lo về bạo lực học đường thời gian qua chưa kịp lắng xuống sau nhiều vụ việc liên tiếp, dồn dập thì tối 7/1, trên mạng xã hội lan truyền clip hai nhóm nữ sinh ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đánh nhau loạn xạ. Ban đầu, hai nữ sinh túm tóc vật nhau giữa đường, sau đó một nhóm bạn khác lao vào dùng mũ bảo hiểm đánh nhau... rồi phát trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội một lần nữa, khiến chúng ta không khỏi giật mình.

 

Tại Phú Yên, theo số liệu thống kê của các ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 220.000 học sinh, sinh viên. Trong năm 2016-2017, lực lượng công an đã phát hiện 437 vụ với 751 đối tượng là tội phạm lứa tuổi thanh thiếu niên. Đây thực sự là con số đáng báo động.

 

Em Lê Trần Minh Hương, học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, bày tỏ: Ở trường, những xích mích vụn vặt về các vấn đề trên mạng xã hội, chuyện hàng ngày luôn diễn ra, các bạn thường tranh cãi; nhiều lúc căng thẳng cũng dễ xảy ra ẩu đả. Những lúc đó, chúng em báo cho giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ để phân tích và các bạn cũng giúp nhau để giải tỏa mâu thuẫn bằng những lời khuyên, góp ý chân tình. Cô Ngô Thị Hồng Nguyên, Trường THCS Hùng Vương (TP Tuy Hòa), chia sẻ: Phải thẳng thắn thừa nhận rằng chuyện học sinh cư xử thiếu chuẩn mực, dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn xảy ra ở nhiều nơi.

 

Nguyên nhân của tình hình trên trước hết do mỗi bạn trẻ chưa ý thức và tự giác trong việc bảo vệ mình và bạn bè tránh xa các tệ nạn xã hội. Cùng với đó là việc gia đình thiếu quan tâm chăm sóc con cái, nhà trường chưa thực sự làm tốt việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, văn hóa ứng xử cho lớp trẻ.

 

Chú trọng giáo dục kỹ năng sống

 

Thầy Lê Văn Son, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ, cho biết: Thời gian qua, bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, giáo dục cho các em kỹ năng sống, cách ứng xử với gia đình, bạn bè, thầy cô, nhà trường cũng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng trên địa bàn, trong đó có các lực lượng nòng cốt như: Công an, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ… nhằm nâng cao nhận thức cho các em về tác hại của ma túy, các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; xây dựng môi trường học tập, sinh sống lành mạnh, giúp các em phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.

 

Chị Trần Thị Trâm ở phường 8 (TP Tuy Hòa) cho rằng: “Con cái đến trường phải nhờ nhà trường dạy bảo. Về nhà, chúng tôi nói về các mối quan hệ bạn bè, những vấn đề trên các trang mạng xã hội… để con thấy được chuyện đúng, sai mà biết cách ứng xử”.

 

Tại buổi truyền thông về công tác phòng chống các loại tội phạm học đường mới đây do Công an tỉnh phối hợp Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) tổ chức, trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, đề nghị các cấp, ngành ở Phú Yên phối hợp chặt chẽ với tổ chức, ban ngành, đoàn thể thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông với hình thức phong phú, cụ thể, thiết thực, trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trước hiểm họa tệ nạn xã hội; chú trọng giáo dục kỹ năng sống lành mạnh để các em có ý thức đề phòng, không bị dụ dỗ, lôi kéo vào tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật. Cùng với đó, các địa phương phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của các mô hình, câu lạc bộ phòng, chống tội phạm hiện có, lồng ghép các nội dung tuyên truyền về phòng chống ma túy, phòng chống tội phạm vào các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, xây dựng các hạt nhân nòng cốt về tuyên truyền, cung cấp kỹ năng cho giới trẻ.

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek