Song song với việc phát triển kinh tế, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Đông Hòa luôn quan tâm đến việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới, tạo điều kiện cho cả nam và nữ phát huy quyền làm chủ, bình đẳng trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và trong gia đình.
Có thể nói, việc triển khai công tác bình đẳng giới đã góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành vi của cộng đồng dân cư về giới và bình đẳng giới, trong quan hệ đối xử giữa nam và nữ, trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình, lựa chọn sinh con theo giới tính, về vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Đặc biệt là việc người dân tham gia lựa chọn và bầu đại biểu là nữ vào HĐND các cấp, hay một số vị trí lãnh đạo ở địa phương; bước đầu đáp ứng được cơ cấu, tỉ lệ giữa nam và nữ, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của huyện. Tổng số nữ tham gia công tác trong các ngành của huyện, xã/ thị trấn là 1.462/2.723 người, trong đó tập trung nhất là các ngành Giáo dục và Y tế. Nữ đảng viên mới kết nạp hàng năm/ tổng số đảng viên mới kết nạp là 851/1.831, chiếm 46,47%.
Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng từ huyện đến xã, thị trấn đều tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chương trình xây dựng nông thôn mới, các mô hình phát triển kinh tế nhằm đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ, giúp phụ nữ chủ động, tích cực và sáng tạo ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất; tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận với các nguồn vốn vay giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Từ năm 2007 đến nay, huyện triển khai đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 6.040 lượt người/3.554 lao động nông thôn; trong đó nữ chiếm 58,84%, tạo việc làm cho 53,06% lao động nữ. Các đơn vị đã khai thác nguồn vốn để hỗ trợ phụ nữ gặp khó khăn, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, thông qua các nguồn vốn từ các ngân hàng.
Phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ” được các cấp hội tiếp tục duy trì và phát triển. Nhiều mô hình giúp phụ nữ giảm nghèo mang lại hiệu quả thiết thực, đã huy động trên 13 tỉ đồng, giúp 7.092 lượt chị có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế gia đình. Bằng nhiều hình thức, trong 10 năm qua, các cấp hội đã giúp đỡ 2.983 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo; xây dựng được 12 mô hình Heo đất tiết kiệm, Hũ gạo tình thương... với tổng số tiền gần 600 triệu đồng, 2.567kg gạo, giúp đỡ 373 chị và 5 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ủng hộ 1 phụ nữ nghèo xây nhà, trao 3 suất học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó học giỏi.
Các đơn vị trường học cũng đã đưa nội dung về giới và đình đẳng giới vào các chương trình giáo dục trong nhà trường; công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng được nâng cao, nhất là phụ nữ; các chương trình y tế quốc gia được triển khai đầy đủ.
Trong 10 năm qua, các xã, thị trấn đã tổ chức hòa giải cơ sở thành 922 vụ việc, trong đó chủ yếu liên quan đến vấn đề hôn nhân - gia đình, mâu thuẫn xóm làng, gia đình đưa ra kiểm điểm trước dân 68 đối tượng vi phạm pháp luật, nhận cảm hóa giáo dục 65 đối tượng tiến bộ hòa nhập cộng đồng. Đồng thời lên án, đấu tranh mạnh mẽ chống tư tưởng trọng nam, khinh nữ, các hành vi phân biệt đối xử, xâm hại, xúc phạm đến nhân phẩm người phụ nữ.
Tính đến nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng được 10 câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững với chức năng tư vấn, hòa giải, can thiệp kịp thời các vụ bạo lực gia đình; duy trì 4 câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật; 51 tổ hòa giải.
Nhìn chung, công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ được triển khai ở các cấp rất tốt, vai trò của phụ nữ đã được cải thiện đáng kể. Người phụ nữ được tôn trọng và được tham gia nhiều hơn vào các quyết định trong gia đình, các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung công tác tuyên truyền, giáo dục các vấn đề giới, bình đẳng giới cho các xã, thị trấn kinh tế còn khó khăn; đẩy mạnh giáo dục về giới trong hệ thống nhà trường, giúp thanh, thiếu niên nhận thức được những vấn đề giới và bình đẳng giới một cách cơ bản và có hệ thống; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ nữ; đổi mới công tác đánh giá cán bộ nữ theo quan điểm phát triển, chú trọng yếu tố giới; quy hoạch, đào tạo, bảo đảm tỉ lệ nữ theo từng cấp; tăng cường công tác đào tạo cán bộ nữ góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để tham gia vào bộ máy lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể.
LÊ HOÀN NGUYÊN
Phó Trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Đông Hòa