Chủ Nhật, 06/10/2024 17:28 CH
Ăn tết nhà nội hay nhà ngoại?
Thứ Sáu, 02/02/2018 15:00 CH

Hãy để tết là tết thật sự của tất cả mọi người, của bên nội và bên ngoại - Ảnh: Internet

Tết đến xuân về, đất trời thênh thang và lòng người rộng mở để đón chào một mùa xuân mới. Tuy nhiên, giữa những náo nức, rộn ràng và bộn bề ấy, việc ăn tết nhà nội hay nhà ngoại ở những gia đình nhỏ lại trở nên “dậy sóng”.

 

Căng thẳng vì ăn tết ở đâu

 

Cuối năm là thời điểm những đứa con xa quê trông ngóng được về với gia đình. Tuy nhiên, với những cặp vợ chồng trẻ không cùng quê, việc ăn tết quê anh - quê nàng trở thành một vấn đề căng thẳng làm không khí gia đình nặng nề khi quan niệm “con gái là con nhà người”, bám rễ trong nhận thức nhiều thế hệ.

 

Chị N.T.T.L (xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa) lấy chồng quê ở Hải Dương, hai vợ chồng định cư ở TP Hồ Chí Minh. Dù vợ chồng đã có hai mặt con nhưng mỗi khi tết đến, gia đình nhỏ của chị đều căng thẳng trong việc ăn tết phía nội hay ngoại. Hầu như năm nào, cả nhà chị L cũng dắt díu nhau về quê nội Hải Dương. Một lần vì tư tưởng không thông, chị L quyết định một mình ôm con về nhà mẹ đẻ ở Phú Yên đón tết, mặc chồng về Hải Dương. Khoảng cách hai nhà cả ngàn cây số.

 

Chia sẻ về những ngày tết ở quê chồng, chị L cho biết: “Gia đình chồng tôi ở vùng nông thôn của Hải Dương nên hầu như mọi đồ ăn, thức uống cho tết đều do gia đình tự làm. Cá ở ao; gà, vịt trong chuồng; rau cỏ, hoa trái đều trong vườn và phụ nữ về quê chồng ăn tết chỉ quanh quẩn trong bếp để nấu nướng, rửa chén đũa, dọn đồ ăn ra, dọn đồ ăn vào khi có khách đến. Cả năm làm vất vả, cứ nghĩ rằng tết đến được nghỉ ngơi, gặp gỡ gia đình, bạn bè nhưng một khi đã về quê chồng là phải tất bật làm gà, làm vịt, hái rau, nấu ăn, dọn rửa chén bát. Hết tết lại mệt nhoài quay vào thành phố để tiếp tục làm việc”.

 

Chị Nguyễn Thị Anh Đào (huyện Tây Hòa) lấy chồng ở Đắk Lắk. Năm mới tết đến, hai vợ chồng lại lục đục chuyện ăn tết ở đâu. Bởi chồng chị Đào là con trai lớn trong nhà nên hầu như những ngày đầu năm, chị phải ở nhà chồng. Trong khi đó, phía nhà ngoại, các anh chị em đều làm việc ở TP Hồ Chí Minh nên chỉ dịp tết là cả nhà có mặt đông đủ. Tết năm nay, vợ chồng chị Đào cũng chưa thống nhất sẽ ăn tết ở đâu.

 

Bao năm trông ngóng con cháu về đón tết nhưng 6 năm con gái về nhà người làm dâu, chưa bao giờ mẹ chị L được hưởng không khí đoàn viên có mặt đông đủ các con, các cháu. Cho nên mỗi khi thấy bạn con gái ghé nhà chơi, nước mắt người mẹ lại rơm rớm. Bà ước giá như con gái cưới chồng gần và càng thấy thấm thía câu hát “chồng gần không lấy mà lấy chồng xa…”.

 

Nội - ngoại đều là nhà

 

Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, gia đình ngày càng ít con cái thì ước muốn đoàn viên bên gia đình dù là của con trai hay con gái đều là nguyện vọng chính đáng. Vì vậy, để có cái tết trọn vẹn, những bậc làm cha mẹ không thể cứ mãi khắt khe, cũng như vợ chồng cần trao đổi thống nhất để cân bằng việc về với gia đình hai bên trong dịp tết.

 

Anh Nguyễn Ngọc Khuynh quê ở thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa), lấy vợ người Hải Phòng và mua nhà riêng ở thành phố này. Ba mẹ anh Khuynh mất sớm nhưng gia đình vẫn còn 4 chị em nên tết anh thường về quê mình dắt theo đứa con lớn, còn vợ vẫn ở Hải Phòng để chăm con nhỏ. Năm nay, vợ anh Khuynh có bầu đứa con thứ ba nên cả nhà quyết định sẽ về nội ăn tết. Anh Khuynh chia sẻ: “Tết đến, tự nhiên lòng lại thấy nhớ quê da diết. Mấy năm trước vợ nuôi con nhỏ nên không về được, chỉ có hai cha con về. Năm nay hai nhóc cũng đã lớn, vợ lại có bầu nên chúng tôi quyết định về quê nội ăn tết. Vì khi đứa thứ ba ra đời, chắc phải lâu lắm gia đình mới có thể về cùng nhau.

 

Chị Đinh Thị Sim (TP Tuy Hòa) lấy chồng ở Bình Định, hai vợ chồng làm ăn khấm khá nên dù còn trẻ, mới chỉ có một đứa con gái nhỏ nhưng đã có nhà riêng, xe hơi, thuận tiện trong việc di chuyển. Vì vậy, trước tết, vợ chồng chị ở nhà ngoại, mùng 1 tết về nội. Rồi mùng 3 tết lại về ngoại, mùng 7 - mùng 8 ra nội, sau đó đến tầm mùng 10, cả nhà chị về lại ngoại rồi vào TP Hồ Chí Minh làm việc. Chị Sim cho biết mặc dù có xe riêng nhưng việc di chuyển liên tục cũng khá mệt.

 

Tuy nhiên, mỗi năm chỉ có một cái tết, đi qua đi lại để ông bà nội ngoại hai bên đều vui. Với lại, tết đến cha mẹ hai bên đều tạo điều kiện tối đa để con cái được nghỉ ngơi, vui chơi. Như gia đình chồng chị Sim, cha mẹ, con cái, dâu rể thường cùng vào bếp nấu ăn. Món gì làm tốn công quá thì mẹ chồng chị đặt hàng ở chỗ uy tín mang về. Ăn uống xong, mỗi người một tay phụ dọn dẹp rồi rủ nhau du xuân, thăm họ hàng. Nhờ gia đình chồng thoải mái nên càng ngày, chị càng thấy gắn bó.

 

Khẳng định việc ăn tết chỉ ở nhà nội là một quan niệm không còn phù hợp, Nghệ sĩ Nhân dân Lan Hương - người đóng vai mẹ chồng khó tính trong phim Sống chung với mẹ chồng chia sẻ trên trang cá nhân rằng: “Xã hội ngày càng hiện đại, phát triển, cái gì đúng mình duy trì, cái gì không hợp lý thì cần thay đổi. Con nào cũng là con, đều do ba mẹ sinh thành, dưỡng dục, nuôi dạy nên người. Hãy để tết thật sự của tất cả mọi người, của cả bên nội bên ngoại, có cả con, dâu, rể sum vầy!”.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek