Cưới là việc lớn và quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi người. Tuy nhiên, khó khăn nhất là làm thế nào vận động người dân thực hiện việc cưới cho thật văn minh, phù hợp với nếp sống văn hoá mới mà Đảng và Nhà nước ta đang khuyến khích hiện nay...
Cô dâu chú rể trong ngày vui hạnh phúc (ảnh chỉ có tính chất minh họa) - Ảnh: N.HÂN |
Thời gian qua, với quyết tâm và những nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, cùng với sự đồng tình hưởng ứng của đại bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong tỉnh, việc cưới theo nếp sống văn minh diễn ra đảm bảo đúng pháp luật, không phô trương lãng phí. Việc kết hôn dựa trên cơ sở tự nguyện và tình yêu thương chân thành từ hai phía.
Từ khi thực hiện Chỉ thị 27 – CT/TW của Bộ Chính trị BCH TW Đảng (khoá 8) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, việc cưới chỉ duy trì các lễ thức cơ bản như: dạm ngõ, lễ hỏi và lễ cưới; có nơi chỉ còn hai lễ là lễ hỏi và lễ cưới. Một vài trường hợp tóm lược theo kiểu “ba ve vào một hủ”. Tục thách cưới, tìm cách bắt bí, vặn vẹo gây khó cho nhau giữa hai họ đã hoàn toàn xóa bỏ. Thời gian tổ chức lễ cưới cũng được rút gọn, lễ rước dâu và chiêu đãi họ hàng thường tổ chức trong một ngày; trường hợp nhà trai và nhà gái xa cách cũng chỉ tổ chức không quá hai ngày. Cưới ở nông thôn thường tổ chức tại tư gia, thành thị tổ chức ở nhà hàng, khách sạn trong một buổi.
Tuy lễ thức hỏi cưới đã giản lược nhưng vẫn giữ được nét đẹp phong tục, tập quán của dân tộc.
Việc cưới ở vùng đồng bào dân tộc miền núi cũng đã dần tiến bộ hơn trước.
Một hạn chế khác là gần đây, những lễ cưới lớn tại các nhà hàng, khách sạn, trang phục cô dâu chú rể rất “Tây hóa”, trang phục dân tộc ít được coi trọng.
Lễ cưới của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi có biểu hiện lai căng, lãng quên các nghi thức truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Chính quyền địa phương, Đoàn thanh niên (xã, phường, thị trấn) chưa xây dựng được mô hình cưới văn minh để thu hút tuổi trẻ tham gia, hưởng ứng.
Việc tuyên truyền, phổ biến, thực hiện Luật hôn nhân gia đình chưa được thường xuyên và nghiêm túc. Những mô hình mới, phong tục mới hình thành chưa đủ sức thay thế các mô hình cũ trong phong tục tâp quán. Tư tưởng ganh đua, quan niệm “Đời người chỉ có một lần” đã lấn át nếp sống “Tùy gia phong kiệm” mà cha ông đúc kết.
Công tác chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới ở các cấp, các ngành chưa tiến hành thường xuyên, liên tục và thiếu biện pháp kiên quyết. Nếu khắc phục được các hạn chế nói trên thì chắc rằng trong những năm tới, việc cưới sẽ được tổ chức văn minh, tiết kiệm hơn.
MẠNH MINH TÂM