Công nhân (CN) ở KCN Đông bắc Sông Cầu hiện đang gặp nhiều khó khăn trong đời sống tinh thần, chỗ ăn, ở sau những giờ lao động mệt nhọc. Nhiều nam CN thường dành thời gian trống để nhậu nhẹt, uống cà phê trong khi các CN nữ chỉ biết... ngủ!
Công nhân ở KCN Đông Bắc Sông Cầu thường chỉ biết nhậu “giải sầu” sau giờ làm việc - Ảnh: XUÂN HUY
KCN Đông bắc Sông Cầu là nơi có số CN lớn thứ nhì trong ba KCN của tỉnh, với 1.533 lao động (LĐ). CN nơi đây ngoài một số ít là người địa phương, còn lại là ở những nơi xa đến. Nhiều CN nói rằng một ngày của họ quanh đi quẩn lại với điệp khúc: làm - nhậu - ngủ.
Lý do là xung quanh KCN này hầu như vắng bóng các điểm vui chơi, giải trí như: công viên, các điểm cho thuê sách, truyện, tạp chí… nhưng lại thừa quán nhậu. Ngoài ra, khá nhiều doanh nghiệp tại KCN hiện vẫn chưa có căn-tin dành cho CN. Một số ít doanh nghiệp mở được căn-tin thì giá cả lại cao, không phù hợp với túi tiền của CN. Bởi thiếu chỗ ăn, nhiều CN có thói quen làm xong việc là… nhậu thay cơm.
Theo chân một nhóm CN sau giờ tan ca, chúng tôi đến những dãy nhà tạm bợ khuất sau những đụn cát, vốn là nơi CN tại KCN Đông bắc Sông Cầu vẫn hay lui tới nhậu nhẹt. Trong những căn nhà vá víu tạm bợ ấy, từng tốp CN kê dép ngồi nhậu ngay dưới nền đất ẩm thấp, bên cạnh ngổn ngang những chai rượu với đủ loại nhãn mác: Bàu Đá, Chuối Hột, Sakê… Anh N.X.Bình, công nhân của Công ty Tân Bình Phú cho biết: “Làm việc cả tuần, anh em ai cũng mong có một sân chơi lành mạnh để nâng cao sức khỏe, giảm stress. Nhưng do không có nên khi tan ca, anh em lại ra quán làm vài ly cho đỡ buồn” . Anh T.V.Đức ngồi cùng bàn cho biết: “Vậy nhưng nhậu bình thường cũng không yên với các vị nhậu “quậy”. Có khi tụi mình vô quán ngồi chưa ấm chỗ là đã phải xách dép chạy vì nhiều thằng hễ rượu vào, “võ” lại ra”. Riêng anh N.T.P thì tâm sự: Ở đây có tìm đỏ mắt cũng chẳng ra một tiệm internet, nhiều khi muốn giao lưu kết bạn bốn phương hay thư từ, tin tức cho người thân ở quê cũng khó. Anh còn cho biết: “Một số CN ở đây còn đến các quán “em út” ở chân cầu Bình Phú. Có người vừa nhận lương hôm trước, hôm sau đã nướng sạch vào “em”.
Đó là cánh nam, còn đối với nữ CN, sự cô đơn nhớ nhà dường như tăng hơn sau những giờ tăng ca mệt nhọc. Sau buổi làm, các cô chỉ có việc tạt ngang chợ mua thức ăn, nấu nướng, ăn cơm, tán gẫu đôi ba câu với bạn bè rồi đi ngủ. Chị T.T.Trúc cho biết: Nhiều khi muốn tìm mua một tờ báo, cuốn tạp chí hay cuốn truyện cũng chẳng có chỗ nào bán. Ti-vi tại khu em ở cũng chẳng có nên ngoài công việc ra, em chẳng biết làm gì”. Còn bạn L.M. Lan thì tâm sự: “Với em và các bạn, ngủ có lẽ là sự lựa chọn tốt nhất để quên đi sự cô đơn trống trải. Giá mà ở đây có khu vui chơi giải trí thì hay biết mấy!”.
Không chỉ có KCN Đông bắc Sông Cầu, mà hầu như tất cả các KCN lẫn cụm điểm CN-TTCN của tỉnh, dường như người ta chỉ tập trung vào công tác thu hút đầu tư, sản xuất hiệu quả mà chưa chú trọng nhiều đến việc phục vụ đời sống cho CN. Ở các KCN, những điểm phục vụ nhu cầu thiết yếu cho CN như dịch vụ ăn uống, phòng đọc sách, Internet, sân chơi thể thao... không có trong thiết kế! Thậm chí, nơi ở cho CN cũng mới được triển khai ở KCN Hòa Hiệp, với dự án xây dựng 206 căn hộ cho CN có thu nhập thấp; còn hai KCN còn lại, các CN thường phải tự thuê nhà bên ngoài để ở.
Những bất cập đó đến nay dường như vẫn chưa có hướng nào để giải quyết. Ông Nguyễn Hoàng Phúc, phụ trách Phòng Quản lý Lao động - Doanh nghiệp thuộc BQL các KCN Phú Yên, cho biết: “Đa số các KCN ở Phú Yên có quy mô vừa và nhỏ, các đơn vị sản xuất kinh doanh có tiềm lực mạnh về tài chính còn ít, trong khi lượng CN cũng không nhiều nên rất khó thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh các loại hình dịch vụ giải trí. Nếu giả sử có thể huy động vốn nhà nước thì cũng chỉ giải quyết được một phần nhỏ yêu cầu đặt ra…”.
XUÂN HUY