Ngày ngày, họ vẫn sống hạnh phúc trong mái ấm có người vợ hiền và những đứa con ngoan. Mất mát trong chiến tranh, song ở họ không có dấu hiệu của sự bi lụy, chán nản. Chính tình yêu và sự đồng cảm đã giúp họ vượt qua bao khó khăn của cuộc sống gia đình.
Gia đình anh Thạnh và chị Uyên đang vui vẻ bên nhau Ảnh: THU THỦY
Gọi là xóm thương binh vì trong 12 ngôi nhà ở con hẻm nhỏ đường Trần Cao Vân (khu phố Chu Văn An, phường 5, TP Tuy Hòa) nằm sau Trường Mầm non Anh Đào (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũ) đã có 6 chủ hộ là thương binh hạng nhất. Chúng tôi đến cái xóm bình yên đó vào một buổi chiều với mong muốn nhìn thấy cảnh sum vầy của các gia đình. Cuộc sống của họ thật ấm áp. Nhưng để có được như ngày hôm nay, các anh, các chị phải trải qua bao cơ cực. Chính tình yêu- một tình yêu thật sự đã vun đắp hạnh phúc gia đình họ ngày một sâu bền.
Chị Huỳnh Thị Chi kể rằng, chị đến với anh Huỳnh Văn Út qua lời giới thiệu của người cô. Càng sống với nhau càng thấy tình cảm vợ chồng nồng ấm, gắn bó không thể tách rời. Mặc dù anh Út chỉ còn một mắt và một chân nhưng rất bản lĩnh. Chị đã mang đến cho anh tình yêu và một mái ấm gia đình. Chị nói: Tôi yêu tấm lòng nhân hậu của anh ấy. Sau khi tổ chức cưới (1998), vì chưa có nhà, nên chúng tôi phải sống mỗi người một nơi. Anh Út vẫn ở lại Trại thương binh Thống Nhất, còn tôi ở “ ké” nhà tập thể với cô. Sau khi tái lập tỉnh, chúng tôi được cấp một lô đất dựng lều ở rồi dành dụm, vay mượn tiền để cất nhà.
Chị Chi vốn là thợ dệt. Khi hợp tác xã dệt giải tán, chị kiếm thu nhập cho gia đình bằng cách nuôi heo. Từ năm 2001, chị nhận trẻ để giữ tại nhà, kiếm thêm tiền mua sách vở cho con.
Đến gia đình anh Nguyễn Thế Long và chị Trần Thị Kim Xuyến, chúng tôi được nghe vợ chồng chị ôn lại những năm tháng gian khổ, đầy nước mắt nhưng cũng đầy kỷ niệm khó quên. “Tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ lấy được vợ, bởi tàn tật và rất hay đau bệnh. Nhưng sự xuất hiện của Xuyến đã cho tôi tia hi vọng từ cuộc sống”, anh Long bộc bạch. Để đến với anh Long, chị vượt qua tất cả. Chị nói: Vì yêu anh nên tôi vượt qua dư luận và sự cản trở của gia đình. Khó khăn nhất là những ngày vượt cạn sinh con nhưng chẳng có lấy một người giúp. Sau khi con lớn, số tiền trợ cấp của hai vợ chồng không đủ nuôi gia đình và lo cho con ăn học, chị vừa nhận giữ trẻ vừa nuôi heo kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Anh Đào Bá Thạnh, chồng chị Trần Thị Lệ Uyên cũng là thương binh hạng nhất nhưng còn khả năng đỡ đần vợ con, lo cơm nước mỗi khi chị đi làm về. Thương anh mỗi khi trái gió trở trời là đầu đau nhức, chị luôn ở bên cạnh, nhẹ nhàng xoa bóp và lo thuốc thang giúp chồng vượt qua những cơn đau. Anh luôn tạo mọi điều kiện giúp chị yên tâm công tác ở cơ quan.
Các chị Xuyến, Hường, Uyên, Vân ở xóm này từng là hộ lý, chị nuôi ở Trại thương binh Thống Nhất. Chồng của các chị cũng chính là những thương binh nặng đã từng được các chị chăm sóc. Chị Uyên, chị Hường trước là những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi nên sớm có tính chịu thương chịu khó. Hai chị hiện đang công tác tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, hàng ngày gần gũi với những người có số phận kém may mắn. Đó là công việc rất ý nghĩa. Trong nhà tình nghĩa của các chị, ngoài những tấm huân chương, huy chương của chồng, những năm gần đây lại có thêm nhiều giấy khen học sinh giỏi của các con.
Trong những người phụ nữ chịu khó chịu thương ở đây, chị Lê Thị Hồng Luyến là người đặc biệt hơn cả. Chồng chị, anh Nguyễn Văn Dũng, bị thương liên tục 3 lần từ năm 1971 đến 1973. Lúc thì đạn trúng chân, lúc đạn trúng vào phổi, vào đầu làm chấn thương sọ não nên anh phải thường xuyên vật lộn với những cơn đau. Người phụ nữ chỉ hơn 30 kg, cả 2 lần sinh con đều phải mổ vẫn giúp đỡ chồng vượt qua những giờ phút khó khăn đó. Chị đã đưa anh đi đến nhiều nơi trong nước để chữa bệnh. Chị vẫn không hề kêu ca bởi: “Tôi xác định đến với anh là phải phục vụ 100%”. Bó rau con cá ngoài chợ, chị tranh thủ mua để kịp về làm bữa cơm rồi lần lượt chở các con đi học. Sau đó, lại về lo cho chồng. Khó khổ chị không ngại, song cũng có lúc tủi thân. Chị tâm sự: “Những lúc phải tập tành sửa điện hoặc trèo lên tận nóc nhà lợp lại tấm ngói, miếng tole chông chênh trong gió mới thấy thương mình. Mùa nắng, bệnh anh cũng hay tái phát”.
Chồng chị nói: “Tôi may mắn có được người vợ như vậy nên rất hạnh phúc. Tôi rất vui vì cả hai đứa con đều là học sinh xuất sắc, hiền ngoan nhờ công nuôi dạy của cô ấy cả”.
Thời chiến tranh họ chiến đấu chống ngoại xâm, thời bình họ lại chiến đấu với bệnh tật. Cùng cảnh ngộ, lại cùng xóm nên các gia đình thương binh luôn an ủi động viên nhau. Cuộc sống ở đây luôn êm ấm. Ở xóm thương binh, những người đồng chí, đồng đội năm xưa cùng chia sẻ và ôn lại những năm tháng hào hùng. Họ đoàn kết, giúp nhau vượt qua gian nan, trở thành những người có ích cho xã hội.
Chị Xuyến tâm sự: “Những lúc anh Long lên cơn là tôi chẳng thể giữ anh được, nhờ mấy anh em trong xóm mỗi người giúp một tay. Anh chị em chúng tôi ai cũng hòa thuận, lắng nghe nhau”.
THU THỦY
Ông Phan Văn Đại, Khu phố trưởng khu phố Chu Văn An, nhận xét: Những gia đình trong xóm thương binh ấy sống với nhau hoà thuận, hạnh phúc, có tinh thần tương thân tương ái rất cao. Họ là những người bạn, người hàng xóm thân thiện, tối lửa tắt đèn có nhau. Phụ nữ trong những gia đình thương binh đó đóng vai trò người cha, người mẹ. Không sao kể hết sự vất vả nhưng họ vẫn luôn lạc quan trong cuộc sống.