Một ngày của chị Nguyễn Thị Kim Nhũng ở khu phố Lê Thành Phương, phường 8 (TP Tuy Hòa) thường rất bận rộn, bởi chị không những đảm trách công việc của một cộng tác viên dân số của phường, mà còn là trưởng nhóm PHAP- nhóm nâng cao nhận thức của cộng đồng về nước sạch vệ sinh môi trường cho người dân trong khu phố.
Tuyên truyền cổ động trực quan - một trong những hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ vì nước sạch và vệ sinh môi trường - Ảnh: ND |
Chị Nhũng nói: “Ngày trước tôi cũng hiểu nước sạch và môi trường sống trong lành là rất quan trọng cho sức khoẻ của bản thân và gia đình, nhưng đó chỉ là những hiểu biết chung chung và nghĩ rằng công việc này là của xã hội. Nhưng từ khi có dự án cấp nước và vệ sinh của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hỗ trợ cho phụ nữ phường 8 từ năm 2005, tôi tiếp cận được nhiều thông tin bổ ích về vấn đề này. Bản thân lại là trưởng nhóm PHAP nên tôi tự thấy mình phải có trách nhiệm trong việc giữ gìn môi trường trong lành và tuyên truyền vận động bà con trong khu phố sử dụng nước sạch, thực hiện ăn chín uống sôi để phòng tránh dịch bệnh”.
Theo chị Nhũng, phụ nữ vừa là người tiếp cận, vừa là người giải quyết các vấn đề rác thải, nước sinh hoạt, giữ gìn vệ sinh gia đình và khu phố. Vì thế, đây là đối tượng chính mà chị hướng đến trong công tác tuyên truyền vận động người dân sử dụng, bảo vệ nguồn nước sạch và môi trường trong lành, bởi nước sạch và vệ sinh môi trường có liên quan mật thiết với nhau. Thực tế cho thấy nguồn nước bị ô nhiễm chính là nước thải chưa qua xử lý, xuất phát từ các hoạt động sinh hoạt của dân cư đô thị và các hoạt động sản xuất công nghiệp. Nước thải sinh hoạt, kể cả các đô thị và nông thôn thường đổ thẳng ra sông, rạch, ao, hồ. Việc xử lý chất thải rắn còn ở mức thô sơ, chủ yếu là dưới hình thức chôn lấp tại các bãi rác lộ thiên nên dễ gây ra nhiều vấn đề về môi trường cho các cư dân quanh vùng và ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Thực trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và đời sống của người dân.
Những buổi sinh hoạt nhóm PHAP xoay quanh các vấn đề: “Nước cần thiết cho sự sống con người như thế nào?”, “Giữa nước giếng và nước máy nước nào tốt hơn?”, “Làm cách nào để bảo vệ nguồn nước sạch?” thông qua hình thức văn nghệ thơ, ca, hò, vè… và những câu chuyện dễ hiểu, gần gũi đã thu hút đông đảo chị em trong khu phố tham gia. Chị Nguyễn Thị Minh, một người dân ở khu phố Lê Thành Phương nói rằng: “Nhờ chị Nhũng và nhờ những buổi sinh hoạt của nhóm PHAP mà tôi và bà con trong khu phố nhận thức tốt hơn, sâu hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn nước và môi trường trong lành. Bây giờ, bà con đã xoá bỏ thói quen sinh hoạt lạc hậu, vứt rác thải bừa bãi, dần hình thành nếp sống văn minh nơi đô thị”.
Bên cạnh việc nâng cao nhận thức sức khỏe cộng đồng về nước sạch và vệ sinh môi trường, dự án ADB3 hỗ trợ cho phụ nữ Phú Yên giai đoạn 2005-2007 còn có chương trình tín dụng vệ sinh (CESI ) dành cho phụ nữ nghèo, hỗ trợ cho vay để xây dựng bể xí tự hoại với số tiền 1,5 triệu đồng/người (có 1.796 hộ vay từ dự án này). Từ chương trình PHAP và CESI, các cấp hội phụ nữ và chính quyền ở 14 xã, phường, thị trấn của huyện Đồng Xuân, Tuy An, TP Tuy Hòa đã tập huấn kỹ năng tuyên truyền cho 14 đội tuyên truyền viên (280 người), 210 nhóm PHAP (4.200 người) và 14 câu lạc bộ PHAP (1.400 người). Hàng tháng, hàng quý các đội, nhóm, CLB đều tổ chức sinh hoạt và tổ chức tuyên truyền cổ động trực quan. Xây dựng 4 panô tuyên truyền trên các trục quốc lộ, in ấn và phát tờ rơi cho dân. Tổ chức hội thi tuyên truyền về nước sạch và vệ sinh môi trường cho các tuyên truyền viên, thu hút được hàng chục ngàn người dân của 14 xã, phường, thị trấn tham dự. Bên cạnh đó, những địa phương này tích cực tham gia cuộc thi tìm hiểu về nước sạch và vệ sinh môi trường do Hội LHPN tỉnh phát động.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cao Thị Hoà An cho biết: Từ chương trình nâng cao nhận thức sức khỏe cộng đồng về nước sạch, vệ sinh môi trường, các cấp Hội đã tuyên truyền vận động chị em cũng như cộng đồng cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ giải quyết nước sạch và vệ sinh môi trường, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường và điều quan trọng là chúng tôi đã giúp cho người dân hiểu được chính họ là người vừa có nghĩa vụ, vừa có quyền lợi trong vấn đề này. Bên cạnh đó, chúng tôi đặc biệt chú trọng việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong công tác giải quyết nước sạch và vệ sinh môi trường. Mục tiêu là gắn nước sạch và vệ sinh môi trường vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
THẾ NÀO LÀ MỘT NGUỒN NƯỚC SẠCH? Nước được coi là nước sạch, khi nó : - Không màu , không mùi, không vị. - Trong, không có vẩn đục. - Không có vi trùng và các chất gây bệnh. CÁC YÊU CẦU ĐỐI VỚI MỘT NGUỒN NƯỚC SẠCH Hiện nay hầu hết các nguồn nước mặt đều bị ô nhiễm và không đạt được các tiêu chuẩn trên. Cùng với Nhà nước, người dân cần làm cho gia đình mình một nguồn nước: - Đảm bảo vệ sinh theo quy định của Bộ Y tế. - Đơn giản dễ sử dụng và bảo quản. - Giá thành phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình hay cộng đồng.
NGỌC QUỲNH