Thứ Ba, 08/10/2024 06:39 SA
Tăng cường giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em
Thứ Ba, 05/12/2017 08:39 SA

Những ngày qua, các phương tiện truyền thông liên tục phản ánh, tại một số địa phương xảy ra nhiều vụ bạo hành, xâm hại, sát hại trẻ em gây hoang mang và bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội. Phú Yên đã và đang làm gì để tăng cường công tác phòng chống bạo lực trẻ em? Báo Phú Yên đã phỏng vấn bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên.

 

Bà Phạm Thị Minh Hiền

* Thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng như vụ bạo hành trẻ em ở cơ sở mầm non Mầm Xanh (TP Hồ Chí Minh), bảo mẫu tung hứng trẻ hơn 1 tháng tuổi ở Hà Nam, vụ cha mẹ bạo hành trẻ 7 tuổi ở Kiên Giang… Bà có nhận xét gì về những vụ bạo hành nghiêm trọng này?

 

- Những vụ bạo hành, xâm hại, ngược đãi trẻ em trong thời gian vừa qua đã khiến dư luận cả nước bàng hoàng và vô cùng bức xúc. Bất kỳ ai chứng kiến vụ việc hoặc biết được thông qua báo đài đều không tránh khỏi xót xa, đau lòng, phẫn nộ trước những hành vi tàn nhẫn của những kẻ gây ra tội ác này. Tôi khẳng định, hành vi bạo hành, xâm hại, ngược đãi trẻ em là tội ác vì nó để lại hậu quả vô cùng nặng nề về thể chất và tinh thần đối với trẻ. Vì vậy, người phạm tội này cần phải bị pháp luật trừng trị nghiêm minh.

 

Thời gian qua, tình trạng trẻ bị bạo hành, xâm hại, ngược đãi đã được các cơ quan có thẩm quyền cảnh báo trên cả nước. Thế nhưng, số trẻ em bị bạo hành, xâm hại vẫn ngày càng tăng và có phần diễn biến phức tạp. Với địa bàn Phú Yên, trong năm nay có tới 15 vụ trẻ em bị xâm hại; trong đó, 9 vụ hiếp dâm trẻ em. Các vụ việc này đã được cơ quan công an nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ và tiến hành xử lý hình sự. Bên cạnh đó, Trung tâm Công tác xã hội thuộc Sở LĐ-TB-XH tỉnh đã tiếp cận điều trị tâm lý cho các nạn nhân và kết nối với Trung tâm Trợ giúp pháp lý của Sở Tư pháp để tư vấn, trợ giúp pháp lý cho nạn nhân khi cần thiết.

 

* Theo bà, đâu là nguyên nhân xảy ra những vụ xâm hại trẻ em nghiêm trọng như vậy?

 

- Trẻ em cần được bảo vệ nghiêm ngặt theo luật định. Ở độ tuổi càng nhỏ thì trẻ càng không đủ khả năng, sức khỏe và non nớt về tinh thần, thể chất để tự bảo vệ mình và biết cách phản kháng trước các tác động tiêu cực từ môi trường, từ người khác gây ra. Dù hành lang pháp lý hiện nay, về hình thức được cho là đã đủ vững vàng để bảo vệ trẻ nhưng có một thực tế đang diễn ra là vẫn còn một khoảng cách rất lớn giữa các điều khoản có chức năng bảo vệ trẻ em với thực tiễn cuộc sống. Lỗ hổng về quản lý, kiểm tra, giám sát trong công tác chăm sóc, bảo vệ cho đến giáo dục trẻ em ở cả 3 môi trường: gia đình, cộng đồng, trường học. Việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng xã hội vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập khó kiểm soát. Việc xuống cấp, suy đồi về đạo đức lối sống của một bộ phận, nhóm người trong xã hội đã tạo ra một môi trường đầy bất an đối với trẻ. Và nhóm nguyên nhân nữa đó là nhận thức của người lớn trong việc bảo vệ trẻ em. Sự im lặng, chịu đựng, không dám lên tiếng, hoặc đấu tranh không đúng phương pháp đã tạo nên những nhận thức sai lệch về chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Tất cả nguyên nhân trên đều dẫn đến hiện tượng xem nhẹ hoặc nhờn mặt, thách thức pháp luật về bảo vệ trẻ em. Nhất là đối với những hành vi không cấu thành về mặt vật chất, yếu về chứng cứ, hình thức xử phạt ở một số hành vi quá nhẹ, không có tính răn đe.

 

* Luật Trẻ em năm 2016 có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 có điều khoản quy định về phòng chống, xử lý nhữngvụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em như thế nào, thưa bà?

 

- Luật Trẻ em năm 2016 và Nghị định 56 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em đều có những chương, điều quy định rất rõ các hành vi nghiêm cấm đối với trẻ em; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các đoàn thể, tổ chức xã hội về bảo vệ trẻ em, thậm chí quy định rõ trách nhiệm của người làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở cấp xã. Đặc biệt, Nghị định 56 quy định rất chi tiết quy trình xử lý các vụ việc xâm hại bạo hành trẻ em, việc thu thập thông tin chứng cứ, quy định rõ trách nhiệm các bên liên quan trong quá trình điều tra, xử lý... Ngoài ra, Bộ luật Hình sự sửa đổi mới được Quốc hội thông qua trong thời gian gần đây đều có những điều khoản, chế tài cụ thể về xử lý hình sự khá nghiêm minh đối với những hành vi xâm hại trẻ em, nhất là đối với các tội danh bạo hành, hiếp dâm, cưỡng dâm... Trẻ em càng nhỏ tuổi thì hình thức xử phạt càng nặng. Bên cạnh đó, Luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi cũng là một kênh trợ giúp vững chắc về pháp luật trong quá trình nạn nhân đi tìm công lý.

 

Trẻ em Phú Yên tham gia biểu diễn tiểu phẩm liên quan đến phòng, chống bạo lực trẻ em - Ảnh: KIM CHI

 

* Vậy để giảm thiểu tình trạng trẻ em bị bạo hành, ngược đãi, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải làm gì?

 

- Bên cạnh những giải pháp đang thực hiện như truyền thông nâng cao nhận thức, giáo dục pháp luật, đạo đức lối sống trong cộng đồng..., tôi cho rằng cần tiếp tục có sự hoàn thiện về mặt pháp luật về bảo vệ trẻ em, xem đó là công cụ vững chắc để bảo vệ trẻ trong mọi trường hợp, trong bất kỳ môi trường nào. Đặc biệt là cần xem xét, bổ sung, điều chỉnh các quy định cụ thể trong thủ tục tố tụng hình sự đối với các tội danh liên quan đến xâm hại trẻ em theo một quy trình đặc biệt theo hướng vừa trọng chứng nhưng cũng cần phải trọng cung đối với những hành vi cụ thể, ví dụ như hành vi dâm ô. Cùng với đó là thực hiện nghiêm việc tăng cường các biện pháp tư pháp sau hình phạt.

 

Tăng cường các kênh, địa chỉ cụ thể dưới sự quản lý của các cơ quan chức năng để phục vụ cho việc tố cáo hành vi xâm hại trẻ em, các cơ quan này phải có trách nhiệm đảm bảo việc tiếp nhận, bí mật thông tin đối với người tố giác và nạn nhân vụ việc. Tăng cường các giải pháp quản lý nhà nước về bảo vệ trẻ em, trong đó cần quan tâm đến việc tiêu chuẩn hóa các ngành nghề liên quan đến việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Việc thanh tra, giám sát các cơ sở chăm sóc giáo dục trẻ phải thực chất hơn. Đồng thời gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc hỗ trợ hoặc can thiệp các vụ việc về xâm hại trẻ em theo yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Chỉ thị 18 về tăng cường các giải pháp xử lý xâm hại trẻ em.

 

Tôi đặc biệt quan trọng về nâng cao trách nhiệm của gia đình, người thân, cha mẹ của trẻ em trong việc chăm sóc và bảo vệ con trẻ. Phải trang bị kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ mà ngay cả với người lớn cũng cần có ý thức, kỹ năng bảo vệ trẻ trước những hiểm nguy, bất an, biết cách đấu tranh đúng đắn vì một sự công bằng dành cho trẻ, vì sự phát triển toàn diện, lành mạnh và vì tương lai tốt đẹp dành cho con em mình. Đó là lớp bảo vệ quan trọng nhất, đầu tiên nhất bắt đầu từ khi một đứa trẻ được sinh ra...

 

* Xin cảm ơn bà!

 

KIM CHI (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek