Thứ Tư, 09/10/2024 20:25 CH
Nghĩ về phản biện xã hội
Thứ Sáu, 17/11/2017 07:00 SA

Từ lúc mạng xã hội được sử dụng một cách phổ biến và rộng rãi ở Việt Nam, dễ dàng nhận thấy những lời chia sẻ, bình luận với ý phê phán được đưa lên với mật độ dày đặc theo từng phút.

 

Trong số đó có không ít những lời bình luận mang tính so sánh thời nay với thời xưa rồi cho rằng người Việt thời xưa sao mà đạo đức thế, trong sáng thế; giới trẻ bây giờ mất gốc, hư hỏng cả rồi. Người ta lại thích so sánh nước mình với nước ngoài để cho rằng nước người ta, dân người ta sao mà lịch lãm, văn minh, giỏi giang thế còn nước mình, người mình thì còn lâu mới có được những điều ấy. Thậm chí có những người chẳng có một chút hiểu biết gì về lĩnh vực đang nói đến cũng a dua, hùa theo bình luận lung tung.

 

Từ suy nghĩ cá nhân, tôi cho rằng một dân tộc muốn phát triển thì không thể thiếu sự phản biện xã hội. Từ những ý kiến phản biện chân thành, thẳng thắn, đặc biệt là những ý kiến trái chiều chúng ta mới có thể soi rọi lại mình một cách nghiêm khắc để nhận ra những yếu kém, sai lầm mà kịp thời phản tỉnh. Do đó, sự phê phán những yếu kém của đất nước hay những thói hư tật xấu thuộc về dân tộc tính là điều vô cùng cần thiết giúp đất nước trở nên văn minh, giàu đẹp hơn. Mỗi người cần phải xem sự phản biện ấy là trách nhiệm của mình đối với xã hội. Tuy nhiên, sự phê phán chỉ trở nên có ý nghĩa khi con người xác định được cho mình một thái độ phê phán đúng đắn, nhân văn nhằm hướng tới một mục đích tốt đẹp.

 

Một con người chân chính khi phê phán sẽ xuất phát từ nhận thức, hiểu biết sâu sắc để chỉ ra sai lầm, yếu kém một cách khách quan, đúng đắn chứ không phải dễ dãi, hời hợt hùa theo đám đông mà nói năng vô tội vạ. Một người chân chính khi phê phán xã hội hay tính cách người Việt cũng sẽ phê phán bằng một tâm trạng đau xót, ngậm ngùi cho thực trạng dân tộc chứ không phải bằng thái độ bới móc để rồi hả hê, thỏa mãn. Trong những năm gần đây, khi mà ngành Giáo dục Việt Nam bộc lộ không ít những bất cập khiến niềm tin của xã hội dành cho Bộ GD-ĐT ngày càng giảm sút thì trên các phương tiện truyền thông, người ta đua nhau phê phán, mỉa mai. Đáng buồn là trong những lời phê phán ấy có cả những ý kiến rất hăng, rất mạnh của những người hầu như chẳng có một chút hiểu biết gì về giáo dục.

 

Ngay cả việc so sánh thời nay với thời xưa, nước mình với nước người để phê phán cũng cần cân nhắc một cách thận trọng. Theo tôi thì thời nào, nước nào cũng có những giá trị riêng và những hạn chế riêng của nó. Không nên quá sùng ngoại hoặc quá sùng cổ mà phủ nhận tất cả những giá trị của nước mình, thời mình. Một người văn minh cần thiết phải trang bị cho mình tư duy phản biện và xem việc phản biện như là trách nhiệm của bản thân đối với đất nước. Tuy nhiên, trước khi đưa ra những ý kiến phản biện hoặc phê phán về một điều gì đó, cần thiết phải xây dựng cho mình một tư duy phản biện khoa học, một thái độ phản biện nhân văn với một mục đích tốt đẹp. Đó mới chính là tinh thần phản biện chân chính, có giá trị thúc đẩy xã hội.

 

HỒ TẤN NGUYÊN MINH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek