Thứ Năm, 10/10/2024 18:27 CH
Học nghề để nâng cao thu nhập
Thứ Tư, 01/11/2017 14:00 CH

Thời gian qua, đi đôi với phát triển kinh tế, huyện Sơn Hòa cũng luôn quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là thanh niên, nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Công tác này đã trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng cho bà con áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Các lao động nông thôn huyện Sơn Hòa học nghề may công nghiệp - Ảnh: KIM CHI

 

Giúp bà con học nghề tại chỗ

 

Thể hiện rõ nhất trong việc quan tâm đến công tác đào tạo nghề ở Sơn Hòa là được Trung ương, tỉnh, huyện quan tâm đầu tư Trường trung cấp Nghề thanh niên dân tộc (TCNTNDT) Phú Yên. Trường tập trung đào tạo các ngành nghề như điện dân dụng, may thời trang và sửa chữa máy nông nghiệp để bà con biết tự lắp đặt, sửa chữa điện trong nhà, biết sửa chữa máy nông nghiệp trong sản xuất, không chỉ tự phục vụ đời sống sản xuất, sinh hoạt của gia đình mà còn phục vụ cho bà con trong vùng.

 

Ông Hoàng Văn Hải, Trưởng Phòng Đào tạo Trường TCNTNDT Phú Yên cho biết, từ đầu năm đến nay, nhà trường đã mở được 8 lớp nghề với tổng số 226 học viên. Trong đó có 2 lớp sơ cấp nghề (61 học viên) điện dân dụng và may công nghiệp. Dạy nghề thường xuyên 6 lớp với 165 học viên, gồm các nghề: Trồng nấm, nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò; trồng lúa năng suất chất lượng cao và trồng sắn. Từ đây đến cuối năm 2017, nhà trường phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ đào tạo 320 học viên theo chỉ tiêu được giao.

 

Để tạo điều kiện cho học viên có điều kiện theo học gần nhà, trường phối hợp với chính quyền xã, thôn, buôn khảo sát nhu cầu học nghề và dự báo việc làm sau học nghề phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương để mở lớp dạy nghề phù hợp. Sau đó tổ chức dạy nghề lưu động tại các thôn, buôn, kết hợp thực hành trên diện tích đất trồng trọt và mô hình chăn nuôi của học viên. Song song với đào tạo nghề nông nghiệp, nhà trường cũng đã phối hợp với doanh nghiệp đào tạo nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp, gắn giải quyết việc làm sau đào tạo; đảm bảo học viên có việc làm sau đào tạo khoảng 75%.

 

Có nghề là có việc làm, có thu nhập

 

Ông Hoàng Văn Hải đưa chúng tôi đi khảo sát thực tế một số trường hợp học viên sau học nghề để tìm hiểu về công việc làm của họ hiện nay. Gặp anh Ra Lan Văn Biểu, dân tộc Chăm H’Roi ở thôn Tân Hiệp, xã Sơn Phước, anh cho biết mình học lớp điện dân dụng ở Trường TCNTNDT Phú Yên từ tháng 6-9/2014. Sau khi học nghề, được tiếp thu kiến thức, kỹ năng thao tác về điện dân dụng, anh về nhà tự lắp đặt trang thiết bị điện cho gia đình. Ngoài ra, nếu bà con xung quanh có việc cần nhờ anh sửa chữa, lắp đặt điện thì anh đều nhiệt tình làm. Bà con xem anh là người thợ điện gần gũi, nhiệt tình.

 

Còn Y Minh học lớp thú y từ tháng 7-10/2014, khi về nhà đã áp dụng vào chăn nuôi bò trong gia đình. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, vệ sinh môi trường chuồng trại, và phòng trị bệnh, đàn bò nhà anh phát triển tốt. Ngoài việc tự áp dụng kiến thức vào gia đình mình, Y Minh còn hướng dẫn bà con trong thôn, buôn cách chăm sóc, phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, cũng như tham gia vào phòng chống dịch bệnh ở địa phương. Ngoài làm nghề thú ý, kinh tế gia đình Y Minh thuộc diện ổn định với đàn bò thịt, bò cày và 1,6ha mía, mỗi năm thu nhập hơn 50 triệu đồng. “Nhờ học nghề, tôi có kiến thức để áp dụng vào sản xuất cho gia đình và phục vụ bà con”, Y Minh chia sẻ.

 

Chị Quỳnh Mân ở thôn Hòn Ông, xã Sơn Phước, sau khi tham gia lớp học may, chị đã tự mở tiệm may tại nhà phục vụ nhu cầu bà con địa phương, nhất là trong những dịp lễ, tết rất đông khách hàng, mỗi tháng thu nhập từ 3-3,5 triệu đồng.

 

Ông Hoàng Văn Hải cho biết thêm, đối với các nghề phi nông nghiệp, nhà trường còn liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo nghề theo nhu cầu của họ. Sau khi đào tạo xong, các đối tượng được đào tạo theo yêu cầu này sẽ được các công ty, doanh nghiệp nhận vào làm việc. Hiện trường đang đào tạo 4 lớp nghề trung cấp, gồm: Điện dân dụng; kỹ thuật máy nông nghiệp; 2 lớp may thời trang. “Mục tiêu việc làm cho học viên sau đào tạo là khoảng 75%. Để đạt mục tiêu này, nhà trường luôn gắn công tác đào tạo với giải quyết việc làm, hướng đến đào tạo nghề có địa chỉ, dự báo việc làm mới khi mở lớp”, ông Hải nhấn mạnh.

 

Triển khai đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong năm 2016, toàn tỉnh đã có 5.709 người được đào tạo nghề với các trình độ: Cao đẳng nghề 184 người; trung cấp 501 người; sơ cấp và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng 5.024 người. Tỉ lệ lao động qua đào tạo là 58,01%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề là 43,02% trong tổng số lao động đang hoạt động kinh tế thường xuyên, đạt trên 100% so với kế hoạch năm.

 

Năm 2017, mục tiêu có 8.021 người được đào tạo nghề. Tỉ lệ lao động qua đào tạo là 61,02%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề là 45,01%.

 

NGỌC MINH - HOÀNG LÊ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek