Thứ Bảy, 12/10/2024 19:23 CH
Trợ giúp xã hội đối với nạn nhân bạo lực gia đình
Thứ Sáu, 11/08/2017 10:00 SA

Tiểu phẩm “bạo lực gia đình” trong hội thi tuyên truyền bình đẳng giới - Ảnh: KIM CHI

Bạo lực gia đình (BLGĐ) là một hiện tượng xã hội tồn tại dai dẳng. Trong bài viết này chỉ nói gọn trong phạm vi BLGĐ giữa chồng và vợ. Hành vi này không chỉ để lại hậu quả tiêu cực trong thời điểm hiện tại mà còn để lại những tổn thương tâm lý lâu dài đối với người bị bạo lực.

 

Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) trẻ em Phú Yên, cho biết: Hiện nay, các trung tâm CTXH đã thực hiện các hoạt động hỗ trợ nạn nhân BLGĐ như: Cung cấp các dịch vụ khẩn cấp, tham vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý; tư vấn và trợ giúp đối tượng thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội; phối hợp với các cơ quan, tổ chức phù hợp khác để bảo vệ, trợ giúp đối tượng; tìm kiếm, sắp xếp các hình thức chăm sóc. Bên cạnh đó, trung tâm còn xây dựng kế hoạch can thiệp và trợ giúp đối tượng, thực hiện các biện pháp phòng ngừa đối tượng rơi vào hoàn cảnh khó khăn và bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.

 

Chị Ngô Thị Hạnh (huyện Đông Hòa) chia sẻ: “BLGĐ xuất phát từ tư tưởng gia trưởng là chủ yếu, các ông chồng thường cho mình quyền được “dạy vợ”, rằng vợ phải phục tùng mình, nếu trái ý là họ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay ngay lập tức. Nhiều việc trong gia đình, vợ không được bàn bạc hay có ý kiến gì”. Còn chị Huỳnh Thị Nguyệt (TP Tuy Hòa) nêu ý kiến: “BLGĐ chủ yếu là do đàn ông đánh vợ, các ông cứ nhậu nhẹt về là gây gổ đánh vợ. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không ít trường hợp BLGĐ xuất phát từ người vợ, khiến gia đình tan vỡ”.

 

Để trợ giúp nạn nhân BLGĐ, trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách liên quan. Luật Phòng, chống BLGĐ đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 2 ngày 21/11/2007 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008, trong đó, tại Điều 38 của luật này quy định trách nhiệm của Bộ LĐ-TB-XH đối với việc triển khai phòng, chống BLGĐ là hướng dẫn việc trợ giúp nạn nhân BLGĐ tại các cơ sở bảo trợ xã hội; chỉ đạo việc lồng ghép nội dung phòng, chống BLGĐ vào các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm.

 

Với quan điểm “CTXH thúc đẩy sự phát triển xã hội, giải quyết các vấn đề trong các mối quan hệ, tạo khả năng và giải phóng con người nhằm thúc đẩy phúc lợi”, đối với nạn nhân của BLGĐ, đặc biệt là phụ nữ, nhân viên CTXH có thể cung cấp một số dịch vụ xã hội để hỗ trợ nạn nhân như: Lập kế hoạch trợ giúp, điều phối các dịch vụ hỗ trợ dựa trên nguyên tắc ưu tiên và đáp ứng nhu cầu của họ, đảm bảo giải quyết những vấn đề khó khăn mà thân chủ đang gặp phải; đánh giá mức độ tổn thương tâm lý, xác định phương pháp tham vấn và trị liệu, cung cấp dịch vụ trị liệu tâm lý để phục hồi sang chấn cho nạn nhân. Những trường hợp có vấn đề về tâm lý quá lớn, nhân viên xã hội không đủ khả năng giải quyết thì sẽ được kết nối, chuyển giao đến các cơ quan và tổ chức có khả năng, đủ thẩm quyền.

 

Anh Võ Ngọc Thanh, cán bộ phụ trách xã hội xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa), nói: Theo tôi, BLGĐ có thể làm tổn thương nghiêm trọng đến hạnh phúc gia đình. Các ông chồng đừng cho rằng mình có quyền được mắng chửi, đánh đập vợ hay muốn làm gì thì làm. Quan niệm “dạy vợ” ở thời nay đã lỗi thời, sai lầm. Với đa số cán bộ ở địa phương, do được tham gia nhiều vào các chương trình tập huấn hay các dự án xã hội nên vấn đề BLGĐ được hiểu tương đối rộng và chính xác.

 

Hiện nghề CTXH đã phát triển, được Bộ LĐ-TB-XH quy định mã nghề hẳn hoi, các địa phương, tổ chức đã hình thành biên chế cho nhân viên CTXH. Nhân viên CTXH nên trợ giúp các vấn đề như BLGĐ, giải quyết và xử lý các bất hòa, đồng thời có thể hỗ trợ những gia đình nghèo có thu nhập thấp tiếp cận các dịch vụ, thực hiện các quyền về phúc lợi.

 

Đối với lĩnh vực CTXH, trước hết cần đổi mới chức năng, nhiệm vụ của các cơ sở bảo trợ xã hội, chuyển từ chăm sóc tập trung sang cung cấp dịch vụ CTXH; thực hiện chăm sóc khẩn cấp tại các cơ sở bảo trợ xã hội, phát triển dịch vụ chăm sóc bán trú, xây dựng, hoàn chỉnh cơ chế, mô hình trợ giúp đối tượng học nghề, tìm việc làm, tổ chức cung cấp dịch vụ CTXH, xây dựng cơ chế phối hợp, liên kết giữa cơ sở bảo trợ xã hội và hệ thống các cơ sở cung cấp dịch vụ khác… Trong giai đoạn 2016-2020, cần hỗ trợ để cung cấp dịch vụ CTXH cho cá nhân, nhóm, gia đình và cộng đồng về vấn đề xã hội; phát triển mạng lưới cộng tác viên CTXH.

 

Ông Nguyễn Thông Minh Tuấn,

Phó Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội

(Sở LĐ-TB-XH Phú Yên)

 

KIM CHI 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek