Chủ Nhật, 13/10/2024 09:29 SA
Sâm nam mùa nắng nóng
Thứ Sáu, 04/08/2017 13:00 CH

Chị Phạm Thị Linh bán sâm nam tại chợ phường 7 (TP Tuy Hòa) - Ảnh: THÁI HÀ

Không phát triển ồ ạt, rầm rộ nhưng làng làm sâm nam ở khu phố 1 (thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa) không ngừng được mở rộng và liên tục đổi mới cách làm để sản phẩm ngày càng vươn xa, nhất là vào mùa nắng nóng. Sâm nam mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều người dân nơi đây.

 

“Sản vật” của thiên nhiên

 

Sâm nam là món ăn vặt giải nhiệt trong mùa hè được cả trẻ con và người lớn yêu thích. Ở thị trấn Hòa Vinh, mua sâm nam lúc nào cũng dễ, bởi dù chợ lớn hay chợ nhỏ, hễ có chợ là có sâm nam. Nguồn lá sâm nam cung cấp ra thị trường chủ yếu vẫn được khai thác trong tự nhiên.

 

Lá sâm nam thường được hái trong rừng. Sáng sớm, những người hái lá sâm nam chuyên nghiệp mang theo chiếc giỏ có đáy sâu, băng qua bụi cây, trảng cỏ, vượt lên đèo dốc để lần theo những bụi sâm nam đã hái vào đợt trước hoặc tìm một góc rừng mới để hái những chiếc lá nằm giấu mình trong tầng tầng, lớp lớp các loại lá khác. Một ngày, mỗi người có thể hái được 1-2 ký lá sâm nam.

 

Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Duyên ở khu phố 1, thị trấn Hòa Vinh, có thời gian dài mưu sinh bằng việc hái lá sâm nam, chia sẻ: “Cách đây trên 10 năm, muốn tìm một công việc làm ra tiền rất khó nên mọi chi tiêu của cả gia đình tôi nhờ vào việc hái lá sâm nam. Cứ mỗi sáng, các anh chị tôi dùng xe đạp đi vào vùng núi trong đèo Cả để hái lá. Đến xế chiều, mỗi người mang về được 1kg lá. Với số tiền bán lá sâm nam, gia đình tôi đã vượt qua thời gian khó khăn”.

 

Cũng theo chị Duyên, khoảng 10 năm trước, lá sâm nam của miền quê kiểng đột nhiên có giá ở TP Hồ Chí Minh. Người thành phố không vò sâm nam rồi cho đông thành thạch mà cho vào máy xay sinh tố để xay uống. Mỗi buổi chiều, đầu nậu thu mua và chuyển vào TP Hồ Chí Minh cả trăm ký lá. Nguồn lá tự nhiên cạn kiệt trong khi lá sâm nam có giá nên phong trào trồng sâm nam trong vườn nhà ở thị trấn Hòa Vinh nhộn nhịp hẳn lên. Tuy nhiên, sâm nam là loài cây “đỏng đảnh” nên chỉ có một số nhà trồng thành công; còn lại, cây mới bén rễ hoặc cho hái vài đợt lá là úng gốc chết.

 

Sau thời gian tiêu thụ mạnh, nhu cầu lá sâm nam ở TP Hồ Chí Minh giảm dần. Số lượng gia đình trồng sâm nam chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiện tại, nhiều gia đình ở khu phố 1 và khu phố 2 khôi phục việc trồng sâm nam để phục vụ cho một phần nhu cầu của địa phương, còn lại, lá sâm nam chủ yếu hái từ tự nhiên từ vùng núi tỉnh Gia Lai xuống hoặc huyện Đồng Xuân.

 

Nhộn nhịp làng sâm nam

 

Sâm nam là món giải nhiệt dân dã được bán ở nhiều địa phương trong tỉnh. Riêng tại huyện Đông Hòa, khu phố 1, thị trấn Hòa Vinh là nơi có rất nhiều hộ mưu sinh từ gánh sâm nam. Không chỉ bán trong địa bàn thị trấn, những gánh sâm nam của khu phố 1 còn có mặt khắp huyện Đông Hòa, vào xã Hòa Xuân Đông và xuống thị trấn Hòa Hiệp Trung; vươn ra các chợ Tân Hiệp, chợ Tuy Hòa, chợ Phú Lâm (TP Tuy Hòa)…

 

Chị Phạm Thị Linh bán sâm nam ở chợ phường 7 cho biết, quê chị ở xã Hòa Xuân Đông lấy chồng về khu phố 1, thị trấn Hòa Vinh. Ban đầu, cuộc sống hai vợ chồng rất khó khăn vì gia đình hai bên đều nghèo. Thấy người chị chồng bán sâm nam ở chợ Tuy Hòa rất đông khách, chị Linh cũng làm theo và bán ở chợ phường 7. Chồng làm thợ xây, còn chị Linh bán sâm nam gần chục năm nay, tích góp cũng đã xây được nhà cửa khang trang và sắm sửa được nhiều vật dụng có giá trị cho gia đình.

 

Còn chị Đinh Thị Kim Cúc trước đây đi làm công nhân ở nhiều nơi, sau lấy chồng về thị trấn Hòa Vinh. Chồng chị Cúc làm thợ hồ, còn mẹ chồng thì làm và bán sâm nam ở chợ Hòa Vinh. Do phải nuôi con nhỏ, không thể đi làm lại ở các khu công nghiệp, chị Cúc học nghề của mẹ chồng và cũng bán sâm nam ở chợ xổm xã Hòa Tân Đông vào buổi sáng; buổi chiều, chị Cúc bán rong trong xóm. Vừa tranh thủ chăm con, vừa buôn bán, chị Cúc cũng có thu nhập cùng với chồng lo cho con cái và tích lũy về sau.

 

Cách chế biến thạch sâm nam khá đơn giản. Theo chị Linh, trước đây, làm thạch sâm nam bằng cách vò tay. Lá sâm nam được rửa sạch, sau đó cho lá vào nước sạch, dùng tay vò, xát mạnh để chất nhựa từ lá hòa vào nước. Đến khi hỗn hợp nước - lá chuyển sang màu xanh và đặc quánh, người ta cạo một ít nang mực (mực nang) cho vào, sau đó dùng rây lược lấy phần nước, bỏ phần xác lá và để vài tiếng đồng hồ thì sâm nam đông thành thạch. Qua thời gian, số lượng bán tăng lên, chị Linh mua chiếc máy vò sâm nam về làm. Với chiếc máy này, công việc nhẹ nhàng hơn và chất lượng sâm nam cũng tốt hơn.

 

Ông Lê Đăng Khôi, Trưởng khu phố 1, thị trấn Hòa Vinh, cho biết: Hiện khu phố 1 có đến vài chục người đi hái lá sâm nam khi công việc nông nhàn. Thậm chí, nhiều người còn tổ chức thành nhóm đi đến các vùng núi ngoài tỉnh để hái sâm nam theo chuyến về bán cho các thương lái với giá khoảng 120.000 đồng/kg lá. Ở đây có trên dưới 20 hộ làm sâm nam, họ tỏa ra các chợ lớn, nhỏ trong và ngoài huyện để bán. Trung bình, mỗi ký lá vò ra bán lời được khoảng 100.000 đồng. Từ những gánh sâm nam của sự tần tảo, cuộc sống của người dân càng ấm no hơn”.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek