Thứ Sáu, 10/01/2025 16:15 CH
Cha con cháy bỏng giấc mơ nông sản sạch
Thứ Bảy, 17/06/2017 08:53 SA

Huỳnh Thị Ngọc Châu (thứ 2 từ trái sang) giới thiệu du khách về nông sản sạch ở Lâm Viên - Ảnh: HÙNG PHIÊN

29 tuổi, 2 con, người phụ nữ có vóc dáng nhỏ nhắn đã làm nhiều người bất ngờ bởi ý tưởng kinh doanh nông sản sạch. Ở một ngọn đồi xanh nắng, người cha miệt mài hậu thuẫn cho ý tưởng của con gái.

 

Cô nàng là Huỳnh Thị Ngọc Châu (sinh sống tại TP Hồ Chí Minh) hiện phụ trách hệ thống sản xuất - kinh doanh online “Cửa hàng nông sản Ngocchau Huynh”. Cha cô là ông Huỳnh Ngọc Trúc với nông trại Lâm Viên ở quê nhà (xã An Mỹ, huyện Tuy An).

 

Tâm sự cô hàng rau online

 

…Em kể anh nghe từ năm 24 tuổi. Em và chồng em tốt nghiệp chuyên ngành phần mềm. Tụi em mởcông ty riêng từ năm 2010, anh làm phần mềm, em nhập hàng bảo mật cho một số ngân hàng quốc tế tại Việt Nam. Lúc đó, tụi em thế chấp nhà của ba mẹ chồng để vay tiền ngân hàng, chứ hoàn toàn không có vốn.

Khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, gia đình rơi vào giai đoạn khó khăn, tài sản bị phong tỏa; em có hai đứa em nhỏ dưới 5 tuổi, kinh tế gia đình suy sụp. Em bắt đầu bán hải sản trên mạng để phụ ba mẹ nuôi em; trong lúc vẫn duy trìcông ty riêng. Khi em cưới chồng (năm 2012) thì liên tiếp gặp sự cố trong kinh doanh, như bịcướp, hàng nhập về bị lỗi, suýt chết lúc sinh con,...

 

Đầu năm 2015, em ngưng hoạt động doanh nghiệp, ngưng bán hải sản. Chồng em về làm chuyên viên phát triển phần mềm trong Khu công nghiệp VSIP, còn em bắt đầu hợp tác với trang trại Nico Yasai (Rau cười Việt Nhật) ở tỉnh Đắk Lắk. Thay vì đi làm, em chọn việc bán hàng online để có thời gian chăm con nhỏ. Thay vì bán cá và các chế phẩm động vật, em bán rau, chè mít đát đặc sản Phú Yên và bán cơm chay. Các hoạt động buôn bán đều trên facebook, đều đặn mỗi tuần 1 ngày rồi lên 2 ngày, bây giờ là 3 ngày mỗi tuần giao rau đến nhà khách hàng.

 

Sau một năm kinh doanh và học hỏi các kỹ năng trồng trọt hữu cơ từ các kỹ sư Nhật Bản ở Nico Yasai, học cách yêu và bảo vệ tự nhiên từ sách “Cuộc cách mạng một cọng rơm”, học từ chị Thu Uyên công tác ở VTV9 vềcách dùng trái bồ hòn làm thuốc trừ sâu, em bắt đầu cùng ba làm trang trại và tìm cách thay đổi nhận thức của nông dân trong khu vực gần nhà. Nếu em thành công thì mọi người sẽ tin tưởng và làm theo. Nông dân làm ra nông sản sạch thì cả xã hội được nhờ. Và khi canh tác hữu cơ, cây vẫn sai trái, ít sâu bệnh, giá trị nông sản cao gấp 2-3 lần canh tác vô cơ; sức khỏe nông dân bảo đảm, người dùng yên tâm…

 

Xoay trần ngọn đồi khát

 

Áp 60 xuân, ông Huỳnh Ngọc Trúc vốn làm trong ngành xây dựng ở Phú Yên. Thế rồi gặp “hạn” trong kinh doanh, rồi chính quyền địa phương “kẹt” vốn, họ đổi đất lấy công trình. Gia đình ông Trúc được Nhà nước cấp 2ha đất núi tại khu vực dốc Bà Ền (xã An Mỹ, huyện Tuy An).

 

“Năm 2002, nhận đất xong mới té ngửa, nơi này không cónước, cỏ cũng không mọc nổi. Dân xung quanh cười tôi bị “lừa”, vợ con càm ràm nhưng tui quyết… kiếm nguồn nước. Vét được đồng nào, tui thuê thợ khoan giếng; khoan bị gãy, nhóm thợ này bỏ chạy, tui lại lùng tìm nhóm thợ khác. Mất hàng trăm triệu đồng mà chẳng ăn thua, vợtui khóc lóc can ngăn! Đến khi khoan được ở vị trí hơn trăm mét thìbắt đầu có nước ngầm, mạch đủ dùng quanh năm…”, ông Trúc tâm sự.

 

Cónước rồi, ông trồng hoa, cây cảnh và mở quán ăn. Thếnhưng dự án hạ độ cao dốc Bà Ền đã làm cửa quán Lâm Viên… bị đẩy lên trời, bán buôn thất bát dần. Ông xoay sang làm “nhân viên” mua gom hải sản địa phương, đóng thùng ướp lạnh, chuyển xe khách vào TP Hồ Chí Minh cho con gái kinh doanh. “Ui, khổlắm! Mấy cái thùng xốp nặng đùng, có lần chở xe máy bị tai nạn, hút chết. Con bé Châu vốn “lá ngọc cành vàng”, chỉ biết ăn học, giờ phải lăn ra làm lụng phụ nhà nuôi em… Rồi cũng chính nó “họp” 3 ngày 3 đêm với vợ chồng tui để… nói về dự án nông sản sạch. Nó nói đủ thứ về nông nghiệp thuận tự nhiên, tui thương và hiểu lòng con nên nghe cũng có lý”, lão nông cười.

 

Thế là vợ chồng ông vỡ đất, nhặt từng hòn đá xếp thành đống. Công việc nhiều quá, đành phải vay vốn thuê nhân công. Tiếp đó là mua bò về nuôi để lấy phân chuồng. Thứ đến là bỏ vốn liên kết với các lò đường thủ công để lấy rỉ mật, rồi đem trộn với phân bò và thuốc khử mùi… tạo ra một loại phân hữu cơ sạch “độc sầu”. “Ác liệt” hơn, cha con ông Trúc còn chế ra công thức sản xuất thuốc trừ sâu từ trái bồ hòn, gừng, tỏi, ớt… Tất cả nấu lên, xay nhuyễn, hòa rượu trắng và nước để phun phòng chống sâu bệnh hại rau màu.

 

Nhọc nhằn… sung sướng “Mệt nhứt là lúc đầu, người làm công không nghe theo ýtưởng của mình, bởi theo họ không phun thuốc độc thì làm sao hết sâu bệnh. Thế rồi họ cũng hiểu, làm theo và về áp dụng trong vườn nhà”, Ngọc Châu cho hay.

 

Chưa hết, mới đây tôi đọc trên trang bán hàng của Ngọc Châu: “Mùa sâu bệnh lan tràn trên khắp các trang trại, vì không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học nên sản lượng đang sụt giảm. Cộng thêm rau củ quả mùa nắng đang khan hiếm nên sẽ có tình trạng giao thiếu rau theo yêu cầu. Tình hình hiện tại là hái 30kg nhưng bỏ 20kg là chuyện bình thường. 10kg còn lại giao đến tay khách có thể sẽ có một ít sâu trong lòng quả mà chưa phát hiện ra, nếu có sự cố báo dùm mình để mình gửi lại phần khác cho các bạn nhé…”.

 

Hiện tại, Ngọc Châu còn liên kết tiêu thụ rau cho Nico Yasai, một vườn hồng ở tỉnh Lâm Đồng, một vườn thuốc nam tỉnh Khánh Hòa, một lò đậu hủ thủ công tỉnh Tây Ninh, một vựa muối Sa Huỳnh (tỉnh Quảng Ngãi), hạt điều Phú Yên, một số rau ôn đới ở Măng Đen (tỉnh Kon Tum)... để cung cấp cho những người có nhu cầu. Ngọc Châu nói: “Vui nhất là khi cùng chồng con từ TP Hồ Chí Minh về quê thăm nông trại. Ngắm những đám cải, xà lách, rau ngò,… tươi mướt thơm tho; những dây bí đỏ, giàn bầu, khổ qua,… trĩu trái, thanh sạch mà lòng tôi trào lên hạnh phúc; nhất là khi nghe tiếng ong tự nhiên đang bay vo ve lấy mật trên những rặng hoa xoài, mận, nhãn,…”.

 

Ngọc Châu như… già hẳn: “Nhìn thì thấy ham vậy, chứ cần rất nhiều vốn, sự vững lòng và cả hiểu biết. Mình muốn đánh thức nơi này, để mai mốt có khách du lịch ghé vào khu nhà nghỉ của ba, ba sẽ hái rau hữu cơ nấu mời họ một bữa ăn. Hay là mơ tới một tương lai rực rỡ kiểu như bội thu thì các bạn sẽ đến nông trại mình để thu hái. Nếu ở xa thì mình đóng thùng rau trái gửi cho các bạn. Lòng đang hân hoan nên mình cứ kỳ vọng vậy đi, ngày mai thức dậy ta lại cày trả nợ tiếp...”.

 

HÙNG PHIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek