Trong khi nhiều thanh niên sau tốt nghiệp THPT đua nhau chen chân vào đại học thì nhiều bạn trẻ lại xác định học nghề với mong muốn “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.
Học nghề cho tương lai
Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không đủ tiền trang trải học phí và sinh hoạt phí ở các thành phố lớn, áp lực sau khi học xong đại học không tìm được việc làm... là một trong những lý do nhiều bạn trẻ chọn trường nghề để học.
Lưu Quốc Bảo (xã An Hiệp, huyện Tuy An) hiện là sinh viên lớp CĐ Hàn K16. Từng đậu vào Trường đại học Lạc Hồng và Trường đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh nhưng cuối cùng, Bảo lại chọn học nghề ở Trường cao đẳng Nghề Phú Yên. Bảo cho biết nhà có hai anh em trai, trong đó, người anh đang học Trường đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh nên ba mẹ em không xoay xở kịp. Ngày nhận giấy báo trúng tuyển vào đại học, gia đình Bảo thảo luận nhiều nhưng cuối cùng thấy không khả thi vì học phí các trường đó đều rất cao.
“Em cũng cân nhắc nhiều, cuối cùng thì quyết tâm chọn học trường nghề. Vậy là em vào Tuy Hòa, vừa học nghề vừa làm thêm công nhật ở các công trình. Em đóng dàn giáo và hàn ở tòa nhà Vincom với mức thu nhập từ 200.000-250.000 đồng/ngày. Mỗi tháng em làm được 10 ngày nên cũng đủ trang trải cho cuộc sống. Em chi tiêu tiết kiệm và rất ít đi chơi nên mỗi tháng trả tiền nhà trọ, xăng xe đi lại và tiền ăn hết khoảng 1 triệu đồng; phần còn lại, em để dành đóng học phí vì nghe đâu năm sau học phí tăng”, Bảo trải lòng.
Cô gái Ê Đê Ksơr H’Lơn ở buôn Bai (xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh) là con thứ 4 trong gia đình có 7 anh chị em. Theo tập tục của người Ê Đê, con gái đi hỏi chồng và khi kết hôn thì vợ chồng cư trú bên nhà vợ nên em gái và em rể của H’Lơn sống cùng với gia đình H’Lơn. Những mùa làm rẫy, thấy em gái lấy chồng sớm, sinh con, địu con lên rẫy, H’Lơn không muốn cuộc sống của mình giống như em. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp THPT, H’Lơn đăng ký học nghề may của Trường cao đẳng Nghề Phú Yên. Gia đình nghèo lại đông anh chị em nên H’Lơn tranh thủ thời gian rảnh, đi làm thêm ở quán ăn, để trang trải cuộc sống xa nhà.
Không chỉ Quốc Bảo, H’Lơn mà nhiều học sinh, sinh viên đang theo học các trường nghề trên địa bàn TP Tuy Hòa cũng luôn ý thức được việc học để kiếm cái nghề làm phương tiện mưu sinh cho cuộc sống sau này.
Không sợ thất nghiệp
Hiện toàn tỉnh có 4 trường và 11 trung tâm đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu học nghề dài hạn hoặc ngắn hạn cho thanh niên và người lao động. Trong khi người học đại học, cao học vẫn thất nghiệp thì chỉ cần 2-3 năm, nếu học hành chăm chỉ, lành nghề, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, học sinh trường nghề có thể có việc làm.
Huỳnh Ngọc Lưu là học sinh lớp trung cấp Công nghệ ô tô khóa 12. Ngay từ khi còn đi học, Lưu đã phụ việc trong các xưởng sửa chữa ô tô của các giáo viên trong trường để có cơ hội rèn luyện kỹ năng thực hành. Sau khi ra trường, Lưu tiếp tục làm thêm một thời gian ở các cơ sở sửa chữa tư nhân và ăn lương học nghề để nắm vững tay nghề. Khi đã có kinh nghiệm, Lưu về quê Đắk Lắk làm thợ chính cho một xưởng sửa chữa ô tô với mức lương đủ trang trải cuộc sống và tích góp vốn để mở xưởng riêng.
Còn Phạm Nguyễn Minh Nhựt, cựu sinh viên ngành Điện của Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, sau khi ra trường, trong khi nhiều bạn bè tốt nghiệp đại học vẫn đang tìm việc thì Nhựt đã nhận thi công các công trình điện dân dụng và có thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. “Em xác định học nghề là để làm việc kiếm sống nên rất cố gắng trong quá trình học. Nhờ các thầy giới thiệu, em đã làm việc tại công trình các thầy thầu và bây giờ có thể tự thầu các công trình dân dụng để thi công”, Nhựt tự tin cho biết.
Theo ông Lê Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm dạy nghề Công đoàn, mỗi năm, trung tâm tuyển khoảng 200-300 học viên, trong đó có những lao động ở nông thôn được miễn học phí và những học viên đóng học phí để theo học. Những học viên đóng học phí thường học để ra làm việc thực sự nên hầu như 100% tốt nghiệp đều có việc làm. Hiện có khá nhiều học viên của trung tâm làm việc ở các nhà hàng, khách sạn lớn trong tỉnh như: CenDeluxe, Sao Việt, Kaya.
Xã hội ta vẫn còn rất trọng bằng cấp, vì vậy, dễ hiểu khi các trường đại học mọc lên như nấm và ai cũng muốn con em mình vào đại học để được làm “thầy” chứ ít ai muốn làm “thợ”. Trong khi thực tế, nhiều doanh nghiệp rất cần lao động lành nghề nhưng không tuyển được người. ThS Lê Đát Toa, giáo viên Tổ Cơ khí động lực Trường cao đẳng Nghề Phú Yên, nói: “Tôi đã có hơn 10 năm đứng lớp, gặp rất nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng nhờ nỗ lực học tập, các em ra trường vài năm đã có thu nhập cả chục triệu đồng/tháng. Một số em đã có công ty riêng và liên hệ với thầy nhờ giới thiệu các bạn khóa sau ra trường để làm việc. Bởi vậy, tìm một nghề phù hợp với sở thích và năng lực là hướng đi phù hợp để các em tạo dựng tương lai vững vàng cho bản thân”.
THÁI HÀ