Trải qua nhiều việc làm kiếm sống, cuối cùng, Võ Ngọc Tuấn (36 tuổi) ở thôn Phú Phong, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa chọn nuôi... rắn hổ trâu. Toàn bộ thời gian trong ngày, anh quanh quẩn làm bạn, chăm sóc rắn. Hễ con rắn nào đổ bệnh, Tuấn lại lo sốt vó.
Giữa trưa hè nóng bức, chúng tôi được anh Tuấn nhiệt tình dẫn vào tham quan trại rắn. Trong không gian vắng vẻ và yên tĩnh, những chiếc lồng rắn được bài trí ngăn nắp. Rắn thương phẩm được nuôi trong lồng, đóng thành 3 tầng, mỗi tầng cao 0,5m. Còn rắn bố mẹ được nuôi trong chuồng hộp làm bằng gỗ.
Hiện trại rắn của anh Võ Ngọc Tuấn có khoảng 140 rắn lớn, nhỏ. Thức ăn của chúng là những động vật nhỏ như ếch, nhái, chuột, thằn lằn... có sẵn trong tự nhiên. Để tiện chăm sóc, người nuôi thường cho rắn ăn thức ăn chết, tức là trước khi cho ăn cần làm chết con mồi để tập cho rắn bản tính hiền lành. Thời gian cho rắn ăn ít hơn so với các vật nuôi khác, chu kỳ ăn 3 ngày một lần nhưng từ rắn con nuôi đến trưởng thành có thể xuất bán được phải kéo dài 2 năm.
Theo Wikipedia, rắn hổ trâu còn có tên gọi khác là rắn long thừa, rắn hổ hèo, rắn hổ dện, rắn ráo trâu thuộc họ rắn nước. Rắn hổ trâu là loài rắn lành tính, không độc, sống trên cạn, có màu trắng xám hoặc đen tự nhiên, dài khoảng 2m, leo cây và bơi giỏi. Khi rắn tức giận, cổ phình to theo chiều trước sau. Chúng thường sống ở đồng bằng và trung du, thường gặp trong các bụi cây, hang của chúng là hang chuột bỏ không trong các gò đống hoặc dưới bụi tre. Rắn hổ trâu được biết đến là loại rắn có nhiều dược tính, có giá trị chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe, rắn còn có giá trị kinh tế cao. |
Nhớ lại thời kỳ lúc mới nuôi, anh Tuấn cho hay thời gian đầu, anh thường xuyên bị rắn cắn, nhất là vào tay. Tuy nhiên, đây là loài rắn lành không có độc nên chỉ cần sơ cứu, rửa tay bằng xà phòng cho sạch là ổn. Anh cũng sợ khi tiếp xúc với rắn, nhưng nuôi lâu thì dần cũng quen, thậm chí đến nay, anh còn dám cho rắn quấn vào cổ. Anh Tuấn cho biết: “Rắn hổ trâu là động vật hoang dã nên có khả năng kháng bệnh rất tốt. Trong quá trình chăm sóc, người nuôi cho ăn đầy đủ, dọn dẹp chuồng trại thường xuyên thì rắn hầu như rất ít bệnh. Trường hợp mắc bệnh, cần tách riêng ra cho uống thuốc”.
Võ Ngọc Tuấn bắt đầu nuôi rắn từ cuối năm 2014. Anh lặn lội vào các tỉnh Nam Bộ để tìm hiểu, khảo sát các mô hình nuôi rắn thương phẩm. Sau đó, Tuấn quyết định áp dụng mô hình nuôi rắn học được ở Đồng Tháp và mua con giống ở đây về khởi nghiệp. Đến nay, anh gầy được một lứa rắn con. Lứa đầu tiên đã xuất bán cho các nhà hàng được một nửa và còn một nửa để lại để nhân giống. Giá bán rắn giống 1-2 tháng tuổi dao động khoảng 100.000-200.000 đồng/con. Với rắn thịt thương phẩm, loại cân nặng trên 1,7kg/con có giá 400.000 đồng/kg. Rắn trưởng thành có thể nặng đến 2,2kg, dài 2,1m. Sau lứa rắn đầu tiên, Võ Ngọc Tuấn có lãi khoảng 20 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Nói về cái duyên với nghề nuôi rắn, Võ Ngọc Tuấn cho biết: “Tình cờ, tôi xem ti vi thấy giới thiệu về mô hình kinh tế nông thôn nuôi rắn hổ trâu. Sau đó tôi tìm hiểu thông tin trên báo chí và đến thực tế một số trang trại để học tập, rồi về quê thực hiện ước mơ làm giàu từ mô hình nuôi rắn hổ trâu”.
Theo ông Mai Văn Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Đồng, Võ Ngọc Tuấn là một thanh niên chí thú làm ăn, mạnh dạn đầu tư nuôi rắn thương phẩm. Đây là vật nuôi ít tốn thời gian, công sức, tiền bạc để đầu tư chăm sóc nhưng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
THIÊN LÝ