Những năm qua, các cơ quan, đơn vị của tỉnh đã chú trọng đầu tư, trang bị hệ thống quản lý văn bản điện tử nhằm giải quyết nhanh chóng các thủ tục cho người dân, góp phần hướng đến văn phòng không giấy tờ và chính quyền điện tử. Đây cũng là xu hướng hiện đại hóa hành chính hiện nay.
Đáp ứng nhu cầu của công dân
Ông Phạm Thanh Tình, người dân thị trấn Phú Thứ (huyện Tây Hòa), cho biết: “Quy trình làm thủ tục hành chính bây giờ thật đơn giản. Tôi lên mạng tìm mẫu đơn nào cũng có; nếu không thì đến bộ phận một cửa của thị trấn hay huyện yêu cầu là cán bộ, công chức in ra và hướng dẫn luôn. Vài phút sau, công việc cần làm đã được giải quyết ổn thỏa”. Còn bà Nguyễn Ngọc Thanh xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa), kể: Khi làm thủ tục khám bệnh cho con tại Bệnh viện Đa khoa huyện, tôi chỉ cần cung cấp thông tin một lần cho bệnh viện, lần sau cứ đến khám thì đã có tên trên máy, rất dễ theo dõi.
Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Đặng Ngọc Anh cho rằng không chỉ người đứng đầu cơ quan, đơn vị có vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo, điều hành cải cách bộ máy hành chính mà yếu tố hiện đại hóa hành chính cũng góp phần rất quan trọng, đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Hiện UBND huyện triển khai áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 vào giải quyết thủ tục hành chính cho dân; cài đặt và sử dụng phần mềm một cửa, một cửa liên thông điện tử; phần mềm chuyển nhận văn bản eOffice nhằm rút ngắn thời gian chuyển nhận văn bản, giảm chi phí văn phòng phẩm…
Còn theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Trà, tỉnh đang hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nền hành chính dân chủ, minh bạch, trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Chương trình hành động 06 của Tỉnh ủy về lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chỉ số PCI, PAPI, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh đã đề ra. Trong đó, trọng tâm là cải thiện mạnh mẽ chỉ số PCI, PAPI của tỉnh, cho nên vai trò của công nghệ thông tin rất quan trọng và như vậy mới có thể đáp ứng nhanh chóng, tiện lợi nhu cầu của công dân. Đồng thời việc hiện đại hóa nền hành chính cũng giúp cán bộ, công chức bắt kịp với yêu cầu đổi mới, chuyển biến trong thái độ phục vụ nhân dân. Phú Yên phấn đấu hết năm 2017, toàn tỉnh có trên 95% văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử; 100% cán bộ, công chức cơ quan hành chính nhà nước thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong xử lý công việc; hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến trên mạng thông tin điện tử hành chính của tỉnh ở mức độ 3 và 4.
Hướng đến chính quyền điện tử
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng cho biết hiện đại hóa hành chính được coi là một công cụ hữu hiệu nhằm tạo lập phương thức phát triển mới trong bảo vệ Tổ quốc; là động lực quan trọng phát triển kinh tế tri thức, xã hội thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế. Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan, đơn vị có liên quan ởđịa phương đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, nhất là trong giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến đối với một số lĩnh vực liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Thực hiện Nghị quyết 36a của Chính phủ về chính phủ điện tử, Phú Yên đã thực hiện Kế hoạch hành động 97 về chính quyền điện tử. Theo đó, tỉnh phân công cụ thể nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai phần mềm quản lý văn bản để phù hợp với địa phương, đảm bảo việc liên thông văn bản. Địa phương cũng quán triệt, phổ biến việc sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành thông suốt từ huyện đến xã; khẩn trương triển khai bổ sung tài khoản phần mềm quản lý văn bản đến tất cả cán bộ công chức, viên chức để quản lý văn bản và điều hành từ huyện đến xã. Đồng thời, các đơn vị tích cực gửi văn bản điện tử qua trục liên thông văn bản của tỉnh; đưa vào sử dụng chính thức phần mềm quản lý văn bản đến tất cả cán bộ công chức, viên chức, thực hiện liên thông văn bản điện tử. Các cơ quan, đơn vị đã được tổ chức tập huấn vận hành, chuyển giao hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, áp dụng việc tiếp nhận hồ sơ trên cổng dịch vụ công trực tuyến, có văn bản thông báo sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 của đơn vị mình. Song song đó, tỉnh còn chỉ đạo bộ phận văn thư tích cực gửi, nhận văn bản điện tử qua trục liên thông văn bản của tỉnh và VNPT Phú Yên triển khai lắp đặt và sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng trong kết nối, liên thông văn bản điện tử, thư điện tử công vụ và các ứng dụng dùng chung của tỉnh; sử dụng hòm thư công vụ để xử lý trao đổi công việc qua mạng thay thế hòm thư công cộng (Yahoo, Gmail, Hotmail…) nhằm đảm bảo tính thống nhất, toàn vẹn và bảo mật.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã đưa vào sử dụng trục liên thông văn bản điện tử. Đến nay, cơ bản kết nối, liên thông ổn định phần mềm quản lý văn bản và điều hành giữa các đơn vị, từng bước thực hiện liên thông từ tỉnh xuống xã. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng, việc đưa vào hoạt động hệ thống liên thông văn bản điện tử giúp hoạt động liên thông giữa các hệ thống quản lý văn bản và điều hành giữa các đơn vị được trôi chảy hơn. Hiện hầu hết các sở, ban, ngành, địa phương cũng đã mở rộng liên thông đến các đơn vị trực thuộc.
Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Trọng Tùng cho biết: “Sởrất chú trọng thực hiện hiện đại hóa công sở, đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc được quan tâm. Đồng thời trang bị phần mềm xử lý, điều hành công việc đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân. Qua đó góp phần cùng với tỉnh tiến tới xây dựng một chính quyền điện tử”.
Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường đầu tư cho việc đảm bảo an toàn thông tin mạng, nhất là trong giao dịch điện tử. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, 26/30 bộ, ngành Trung ương và 63/63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản tới Văn phòng Chính phủ, giúp hình thành hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến địa phương; cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa các cơ quan, nâng cao hiệu quả quản lý. Đồng thời 19/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và 63/63 địa phương công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ…
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa |
PHONG NHÃ