Những căn nhà sát chân sóng ở xã An Chấn (huyện Tuy An) thường xuyên bị triều cường đe dọa trong mùa mưa bão - Ảnh: KHƯƠNG DUY
THẤP THỎM NỖI LO
Nguy cơ lớn nhất trong mùa mưa bão hiện nay ở Phú Yên là sạt lở đất và triều cường. Hiện toàn tỉnh có hơn 7.000 hộ dân sống trong vùng bị đe doạ sạt lở do lũ quét, triều cường. Trong đó, 780 hộ dân ven biển bị đe doạ trực tiếp, 1.380 hộ khác trong các vùng sạt lở bờ sông sống trong cảnh phấp phỏng lo âu. Tuy nhiên, đến nay việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư, các công trình hạn chế tình trạng trên vẫn chưa được triển khai.
Từ tháng 7/2005, Chính phủ đã thông qua 6 dự án chống xói lở bờ biển với tổng chiều dài hơn 5,6km và xây dựng khu tái định cư cho người dân các huyện Sông Cầu, Tuy An và TP Tuy Hòa với tổng mức đầu tư 100 tỉ đồng, được đưa vào dự án Giảm nhẹ rủi ro thiên tai để vay vốn từ Ngân hàng thế giới. Thế nhưng đến nay, các dự án này vẫn chưa được triển khai. Những dự án tái định cư cho người dân sống trong vùng sạt lở ven sông Ba cũng không thực hiện được vì thiếu kinh phí…
Trước tình hình trên, tỉnh Phú Yên đang triển khai các biện pháp tạm thời nhằm bảo vệ tính mạng người dân các vùng bị đe dọa bởi sạt lở đất, triều cường. Ông Dương Văn Hưởng, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống bão lụt tỉnh Phú Yên, cho biết: “Hiện các địa phương đã chuẩn bị các phương án sơ tán dân đến nơi an toàn khi có bão, lũ xảy ra”. Ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND xã Xuân Hoà, cho biết: “Hiện nay địa phương đã thành lập đội xung kích phòng chống bão lụt riêng cho thôn Hoà An để sẵn sàng ứng phó, chuẩn bị phương án sơ tán dân trong các trường hợp nguy cấp. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những giải pháp tình thế, nhất là việc di dời dân sẽ rất khó khăn”.
Xã An Chấn (huyện Tuy An) thường xuyên bị triều cường uy hiếp khi mùa mưa đến. Trong ảnh: Bộ đội biên phòng giúp dân chằng chống nhà cửa trong đợt triều cường năm 2005 - Ảnh: N.LƯU
THIẾU NƠI TRÁNH TRÚ AN TOÀN CHO TÀU THUYỀN
Thêm một năm nữa, hơn 4.300 tàu thuyền đánh cá ở Phú Yên tiếp tục đối mặt với những khó khăn do không có nơi neo đậu. Tại TP Tuy Hòa, khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới xảy ra, toàn bộ hơn 600 tàu thuyền công suất lớn của địa phương này phải đưa sang bến Đông Tác (phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) hoặc vào sâu trong sông Chùa tránh trú. Thế nhưng, do luồng lạch cạn, bến Đông Tác chỉ có khả năng neo đậu cho hơn 300 tàu. Do đó, tình trạng chen lấn, va đập làm hư hỏng tàu thuyền thường xuyên xảy ra. Tại huyện Tuy An, nhiều tàu thuyền phải vào sâu trong đầm Ô Loan tìm nơi neo đậu. Tuy nhiên, cửa Lễ Thịnh cũng thường xuyên bị cạn nên việc tìm nơi tránh bão cho tàu thuyền càng khó khăn hơn.
Đến nay, tỉnh Phú Yên đã đầu tư xây dựng hoàn thành bốn khu tái định cư để di dời 307 hộ dân tại các vùng triều cường An Chấn, sạt lở đất An Lĩnh, sụt lún An Dân của huyện Tuy An và vùng ngập lụt cồn Ông Chỉ, thị trấn Sông Cầu (huyện Sông Cầu). Dự kiến, việc di dời dân các khu vực này sẽ hoàn thành vào tháng 11/2007. Tuy nhiên, nếu việc di dời được tiến hành đúng kế hoạch thì cũng chỉ có hơn 300 hộ được xem là an toàn trong mùa mưa năm nay. Hàng ngàn hộ khác vẫn phải sống chung với hiểm họa.
LÊ BIẾT