Thật thú vị khi cùng quây quần bên nồi “cá sấu nấu sả” nghi ngút khói thưởng thức miếng thịt dai mềm, xì xụp húp từng muỗng nước ngọt lừ thơm nồng mùi sả kèm vị cay dân dã của ớt xiêm, thỉnh thoảng xuýt xoa vì cái lạnh đầu đông. Ngoài trời mưa giăng mờ ô cửa, nhà hàng Gió Chiều vắng người, không gian dường như đọng cả lại quanh ngọn lửa hồng bập bùng dưới xiên thịt đà điểu xát muối ớt, ly rượu vang Úc vơi rồi lại đầy...
Đà điểu nướng sẽ hấp dẫn hơn khi được nhâm nhi cùng rượu vang - Ảnh: PHÚ VINH
NGỌT MỀM ĐÀ ĐIỂU NƯỚNG
Giống chim to khỏe có nguồn gốc từ châu Phi này thịt mềm và ngọt lạ, ngon hơn cả thịt bê. Thịt đà điểu có lượng cholesterol thấp, giàu calci, lại có độ đạm và sắt cao… là loại thực phẩm khá lý tưởng cho những người cần giảm béo. Ở Phú Yên, đà điểu mới xuất hiện mấy năm gần đây. Trong một vài nhà hàng, món thịt đà điểu có vị trí khá đặc biệt trên bảng thực đơn với khoảng chục cách chế biến: đà điểu lúc lắc, nướng, hon, cháy tỏi, hấp bí đỏ, nhúng dấm, cari đà điểu… và mới nhất là món đà điểu gặm cỏ.
Món đà điểu gặm cỏ được chế biến khá đơn giản, nhưng lại là một trong các món ruột của đầu bếp chính Nhà hàng Gió Chiều. Thịt đà điểu thái mỏng, ướp gia vị thật thấm, cuốn với lá chanh thái chỉ rồi nướng cho đến khi mùi thơm dậy lên là thịt chín. Khi ăn, vị nhân nhẩn, the the của lá chanh kết hợp với các gia vị khác tạo cho món ăn một phong vị hoàn toàn khác lạ.
Cầu kỳ nhất là món đà điểu hấp bí đỏ. Giống bí đỏ đặc biệt mua từ Sài Gòn, quả nhỏ (đường kính khoảng 10- 12 cm) nhưng rất ngọt và dẻo. Cắt ngang phần đầu quả bí, lấy ruột và dồi thịt đà điểu đã được ướp gia vị vào rồi đem hấp. Khi chín phải ăn nóng mới ngon, phần cơm bí lúc này thấm nước thịt đà điểu càng ngọt hơn, người sành ăn thường không bỏ sót miếng nào.
CAY NỒNG CÁ SẤU NẤU SẢ
Ăn thịt cá sấu có tác dụng lọc máu giải độc, tăng cường sức khoẻ, có lẽ vì thế người ta tìm đến các nhà hàng đặc sản cá sấu ngày càng đông, đặc biệt là các quý ông. Thịt cá sấu màu trắng hồng, có mùi tanh đặc trưng. Khi nấu chín có vị nửa giống thịt gà, nửa giống thịt cá bò gù nhưng ngọt hơn và dai mềm hấp dẫn.
Đặc sản chế biến từ cá sấu phải kể đến món “cá sấu nấu sả”. Thịt cá sấu nấu sả có vị thơm nồng của củ riềng, củ sả, kèm vị cay dân dã của ớt xiêm. Nước lèo được nấu từ nước dừa xiêm ngọt lừ, chan vào chén bún tươi, ăn nóng kèm rau ghém. Ăn no vẫn thấy chưa đã cơn thèm!
“Cá sấu nướng đá cuội” một món ăn được rất nhiều dân “sành ăn” ưa thích. Cách chế biến đơn giản nhưng tạo sự thú vị cho thực khách bởi người ăn tự mình đặt miếng thịt đã được ướp gia vị trên các viên đá cuội nung đỏ, nướng đến đâu, ăn đến đấy… Ngoài ra, cá sấu còn được chế biến thành các món ăn khác như: nướng lụi, nướng muối ớt, lẩu chua cay, nướng hương bưởi… Thịt cá sấu ướp kèm gừng và các vị thuốc bắc như táo đỏ, táo đen, đẳng sâm, câu ký tử, ý dĩ … còn được chế biến thành những món ăn bổ dưỡng và tăng cường hệ miễn dịch, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm các mầm bệnh.
Anh Ngô Văn Trương, đầu bếp chính của Nhà hàng Gió Chiều - người “sáng tạo” món đà điểu gặm cỏ, cho biết: “Các nhà hàng chế biến món ăn từ đà điểu ở TP Tuy Hòa đều được Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco) - nguồn cung cấp thịt đà điểu và cá sấu, chuyển giao cách chế biến các món ăn từ hai loại thịt nói trên, nhưng mỗi nơi đều phải tự tìm tòi, sáng tạo ra các món ăn, tạo bản sắc riêng cho nhà hàng của mình.
PHÚ VINH