Thời gian qua, những người làm nghề công tác xã hội (CTXH) trên địa bàn tỉnh đã từng bước khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong việc góp phần hỗ trợ người yếu thế nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Ông Võ Văn Binh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, cho biết: Nghề CTXH là nghề chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn trong cuộc sống như người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt... Đối với cả nước nói chung và Phú Yên nói riêng, CTXH vẫn là nghề mới mẻ. Vì vậy, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành và cộng đồng dân cư về nghề này là vô cùng cấp thiết. Thời gian qua, nhiều cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tin, bài, ảnh tuyên truyền về nghề CTXH và các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội. Sở LĐ-TB-XH cũng thực hiện một số giải pháp giúp người bị bệnh, gia đình có người bị bệnh tâm thần, bị rối nhiễu tâm trí và các đối tượng yếu thế khác giảm bớt khó khăn trong cuộc sống; kịp thời phát hiện, tư vấn, điều trị cho người bị bệnh, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với đối tượng yếu thế trong cuộc sống.
Bên cạnh việc tuyên truyền và các hoạt động trợ giúp cụ thể, công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, nhân viên, tình nguyện viên, cộng tác viên CTXH cũng được chú trọng. Ông Nguyễn Nhàn, Phó Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên), cho biết: Từ năm 2014 đến nay, sở đã phối hợp cùng Sở GD-ĐT tham mưu UBND tỉnh tổ chức các lớp đào tạo cử nhân nghề CTXH cho 99 học viên là cộng tác viên CTXH, cán bộ đang công tác trong lĩnh vực: LĐ-TB-XH, cơ sở bảo trợ xã hội, các trung tâm, tổ chức sự nghiệp cung cấp dịch vụ CTXH; cán bộ, công chức thuộc Sở LĐ-TB-XH. Sở cũng phối hợp với các trường đại học chuyên ngành CTXH tổ chức 32 lớp tập huấn cho hơn 1.600 lượt người là cộng tác viên CTXH, cán bộ các hội đoàn thể, cán bộ y tế làm CTXH trong các bệnh viện, cán bộ các hội đoàn thể cấp xã, phường, thị trấn về một số chính sách về an sinh xã hội... Qua đó giúp đội ngũ nhân viên, cộng tác viên CTXH nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp đối với các nhóm đối tượng yếu thế.
Theo Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 300.000 người đang và cần được hỗ trợ các dịch vụ xã hội. Trong đó có hơn 15.000 người khuyết tật, 2.500 trẻ mồ côi, 15.000 đối tượng bảo trợ xã hội được nhận trợ cấp hàng tháng; hơn 90.000 người cao tuổi, hơn 100.000 người thuộc diện hộ nghèo, hơn 100.000 người phải sống trong vùng thường xuyên xảy ra bão lụt thiên tai... Những con số thống kê cho thấy những người yếu thế cần được quan tâm, trợ giúp trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều và nhu cầu được sử dụng các dịch vụ CTXH là rất lớn. Thực tế này đòi hỏi cần phát triển mạnh nghề CTXH chuyên nghiệp với vai trò giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội, hạn chế phát sinh các vấn đề xã hội bức xúc, góp phần xây dựng xã hội công bằng, hạnh phúc cho mọi người.
Theo ông Võ Văn Binh, trong giai đoạn 2016-2020, Sở LĐ-TB-XH Phú Yên sẽ tiếp tục triển khai đề án Phát triển nghề CTXH tỉnh; đề án Trợ giúp người tâm thần, rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng; tích cực huy động nguồn lực để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực làm công tác trợ giúp xã hội; phát triển và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên CTXH trên địa bàn. Sở cũng kịp thời thực hiện các chế độ, chính sách đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng yếu thế; hướng dẫn các trung tâm CTXH triển khai thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội cho các đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật và một số đối tượng xã hội khác tại gia đình và cộng đồng…
KIM CHI