Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội vừa giám sát việc thực hiện phân định miền núi, vùng cao tại Phú Yên. Qua giám sát cho thấy, tỉnh đã thực hiện tốt việc phân định này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, nhiều điểm chưa phù hợp…
Giảm khoảng cách vùng miền
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng, việc thực hiện phân định miền núi, vùng cao thời gian qua của tỉnh đã mang lại những tác động tích cực đến kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở địa phương, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số. Dựa trên kết quả phân định, việc quy hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, an sinh xã hội được triển khai trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi có trọng tâm, mang tính chiến lược hơn. Nhờ vậy, diện mạo nông thôn vùng miền núi, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, tỉ lệ hộ nghèo giảm từng năm, tiến đến gần hơn các mục tiêu giảm nghèo trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa Phạm Đình Phụng cho rằng thực hiện việc phân định này đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số; làm giảm khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và các vùng miền; giảm hộ đói, nghèo ở các vùng đồng bào dân tộc, các xã miền núi. Sau 10 năm phân định vùng cùng với việc triển khai hàng loạt các chính sách dân tộc phù hợp cho từng vùng như: Chương trình 135; chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cho đồng bào nghèo vùng dân tộc thiểu số; các chương trình giáo dục…, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có những bước phát triển quan trọng, làm chuyển dịch mạnh mẽ giữa các xã thuộc các khu vực, trong đó rõ nét nhất là số lượng thôn, buôn đặc biệt khó khăn và các xã thuộc khu vực III giảm đáng kể. Cán bộ cơ sở theo đó cũng từng bước nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của mình trước nhân dân, chuyên môn nghiệp vụ cũng được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, cộng đồng dân cư đã biết áp dụng những tiến bộ khoa học vào cuộc sống và sản xuất, thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo…
Chị Hờ Nguyệt ở xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa), cho biết: “Nhờ có chính sách ưu tiên điểm đối với học sinh thi vào các trường đại học, cao đẳng mà con tôi đậu một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, việc sản xuất sắn, mía của gia đình được hỗ trợ vay vốn từ nhiều kênh nên kinh tế ngày càng khấm khá. Chúng tôi rất tin tưởng và cảm ơn các chính sách của Đảng, Nhà nước”.
Vẫn còn bất cập cần khắc phục
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng, bên cạnh những kết quả đạt được từ việc phân định thì thời gian qua, chính sách này vẫn còn những bất cập, tồn tại mà tỉnh đang kiến nghị Trung ương sớm điều chỉnh cho phù hợp. Đó là, hệ thống tiêu chí đánh giá phân định miền núi, vùng cao hay các chính sách thực hiện ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi được khảo sát, xây dựng, dùng chung cho các vùng miền trên cả nước nên đôi khi chưa phù hợp với đặc điểm từng vùng miền. Do đó, khi nghiên cứu, xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá hoặc xây dựng các chính sách thực hiện ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cơ quan chức năng phải khảo sát kỹ càng hơn, phù hợp thực tế, không nên áp dụng chung cho toàn quốc. Trên thực tế hệ thống văn bản pháp lý, về một số chính sách dân tộc hiện hành còn có điểm chưa đồng bộ, thiếu tính thống nhất và chưa hoàn thiện. Các chính sách dân tộc do nhiều chủ thể ban hành nhưng thiếu cơ chế phối hợp thống nhất giữa các bộ, ngành trong hoạch định, triển khai, theo dõi và đánh giá. Vì thế, có sự chồng chéo về nội dung, đối tượng thụ hưởng và thời gian thực hiện.
Còn ông La Văn Tỷ, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho rằng: Kinh tế vùng miền núi, dân tộc phát triển chưa bền vững, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; kết cấu hạ tầng được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, nhiều tuyến đường nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu đi lại và thông thương hàng hóa giữa các vùng, miền; một số công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, trường học chưa được kiên cố hóa; đội ngũ y, bác sĩ và trang thiết bị ở các bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã còn thiếu. Tỉ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân chung của cả tỉnh; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội ở một số nơi còn tiềm ẩn một số nhân tố phức tạp… Chính vì vậy, bên cạnh nỗ lực của địa phương và cơ sở Phú Yên, mong muốn Trung ương tiếp tục hỗ trợ để tỉnh hoàn thiện việc thực hiện chính sách này trong thời gian đến.
Phú Yên đã thực hiện tốt việc phân định miền núi, vùng cao. Để thực hiện tốt hơn chính sách này, thời gian đến, tỉnh cần phân định chính xác hơn các tiêu chí về miền núi, vùng cao; xem xét lại việc người dân kiến nghị về tình trạng thiếu đất sản xuất; quy hoạch lại vùng sản xuất cây công nghiệp và có biện pháp đầu tư phát triển hiệu quả hơn; tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chính sách miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền đến người dân kịp thời, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tỉnh cũng ần gắn chặt chính sách dân tộc với xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại sản xuất ở các vùng miền, sử dụng tốt nguồn lực cho sản xuất nông nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất; quan tâm thực hiện tốt chính sách đối với lĩnh vực giáo dục, y tế…
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Nguyễn Lâm Thành |
PHONG NHÃ