Nhờ thực hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, đến nay đời sống nông dân Tuy An ngày càng được cải thiện. Nhiều năm liền, Hội Nông dân huyện này được Hội Nông dân tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc nhất cụm thi đua khối đồng bằng.
Đa dạng hình thức hỗ trợ
Hộ bà Phan Thị Hà ở thôn Diêm Điền (xã An Ninh Tây) là một trong những hội viên có hoàn cảnh khó khăn vừa được Hội Nông dân huyện Tuy An tặng 1 con bò giống trị giá hơn 30 triệu đồng để nuôi rồi thụ hưởng bê con. Vui mừng trước món quà nghĩa tình này, bà Hà phấn khởi cho biết: “Từ khi nhận được bò giống, tôi mừng lắm nên bắt tay vào làm chuồng, cải tạo phần đất cằn phía sau nhà để trồng cỏ cho bò ăn. Hy vọng bò mẹ sẽ sớm đẻ bê con”. Theo Hội Nông dân huyện Tuy An, đây là mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế cho hội viên nông dân nghèo theo hình thức vận động quyên góp từ cán bộ, hội viên có điều kiện giúp đỡ hội viên khó khăn. Theo cam kết giữa hộ hội viên và Hội Nông dân huyện, sau khi bò giống sinh sản, gia đình được nhận bê, con giống sẽ tiếp tục chuyển giao cho hộ hội viên khác. Mô hình này được Hội duy trì trong hơn 2 năm qua và đã trao 6 con bò giống cho 6 gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn, với tổng trị giá gần 180 triệu đồng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, Hội còn nhận giúp đỡ 14 hộ nghèo ở thôn Hòa Thạnh (xã An Cư) và đời sống của các hộ này cũng không ngừng được cải thiện.
Ông Hồ Thanh Riếu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy An, cho biết: “Ngoài tặng bò cho hộ nghèo, chúng tôi còn tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay từ quỹ Hội; đồng thời phối hợp với Ngân hàng NN-PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội tạo nguồn vốn vay ổn định cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất. Trong năm 2016, thông qua 107 tổ vay vốn của Ngân hàng NN-PTNT và 112 tổ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, toàn huyện có hơn 7.314 lượt hội viên, nông dân được vay với số tiền gần 181 tỉ đồng. Từ nguồn này, nhiều gia đình nông dân đã đầu tư sản xuất hiệu quả, vươn lên thoát nghèo”.
Song song đó, các cấp Hội Nông dân ở Tuy An còn phối hợp với các hợp tác xã nông nghiệp và các ngành liên quan tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cách phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo đầu bờ, xây dựng các mô hình kinh tế, dịch vụ, tư vấn hỗ trợ, hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương… Nhờ đó, người dân trong huyện ngày càng có thu nhập khá từ việc chuyển đổi các mô hình.
Nhiều mô hình hiệu quả
Những việc làm thiết thực từ hỗ trợ vốn, con giống, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất đến việc xây dựng những mô hình kinh tế… được Hội Nông dân huyện triển khai thường xuyên đã giúp nhiều hội viên, nông dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Đến nay, toàn huyện cơ bản đã xóa được hộ đói, giảm được hộ nghèo, nhiều gia đình đầu tư đúng hướng, làm ăn có hiệu quả, trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hiệp, cho biết vùng đất bán sơn địa quê ông thường xuyên thiếu nước vào mùa nắng nên trồng trọt kém hiệu quả. Sau nhiều thời gian “cân đo đong đếm”, nông dân xã An Hiệp đã chọn cho mình hướng tập trung nuôi bò. Điển hình là hộ ông Nguyễn Chim ở thôn Mỹ Phú 2 (xã An Hiệp). Để có tiền làm ăn, hơn 2 năm trước, thông qua Hội Nông dân, gia đình ông Chim vay 30 triệu đồng đầu tư mua một bê đực giống lai sind giá 25 triệu đồng và nâng cấp chuồng thoáng mùa nắng, ấm mùa mưa. Nhờ áp dụng kỹ thuật ủ rơm cho thêm cám công nghiệp nên bê ăn ngon miệng, nhanh phát triển. “Sau 2 năm nuôi, con bò này có giá 50 triệu đồng. Tôi tiếp tục làm dịch vụ phối giống, giá 250.000 đồng/lần, lai rai cũng kiếm được trên 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, với 5 sào ruộng vừa làm lúa và vừa trồng cỏ nuôi 3 con bò (2 bò cái đẻ, 1 con bò đực giống), gia đình có thu nhập ổn định. Cũng nhờ nuôi bò mà vợ chồng tôi có tiền lo cho con trai đang học đại học ở TP Hồ Chí Minh”, ông Chim phấn khởi nói.
Còn gia đình ông Nguyễn Bá Đông ở thôn Phú Long (xã An Mỹ) là một điển hình trong việc chuyển đổi mô hình kinh tế khác. Ông có 2.000m2 đất trồng lúa một vụ, mấy năm qua do biến đổi khí hậu nên trời mưa thất thường, nguồn nước không đảm bảo dẫn đến năng suất lúa rất thấp. Năm 2014, ông tham gia lớp tập huấn trồng rau sạch do Hội phối hợp Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện tổ chức. Nhờ đó, gia đình mạnh dạn đầu tư khoan một giếng nước để trồng hành, ngò, rau thơm… nên thu nhập khá cao. Thấy làm ăn được, vợ chồng ông thuê thêm 2.000m2 đất gần kề để trồng hành lá. Ông Đông cho biết: “Từ khi tăng diện tích trồng rau, tôi đầu tư luôn hệ thống tưới tự động, nhờ đó mỗi năm gia đình thu nhập không dưới 100 triệu đồng”.
“Để giúp các hội viên, nông dân phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con vay vốn ngân hàng, đồng thời đẩy mạnh xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân, quỹ Hội; tham gia ngày công giúp hội viên, đặc biệt là hội viên nghèo đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở, các công trình phụ để nhanh chóng thoát nghèo. Có như vậy, Hội Nông dân huyện Tuy An mới xứng đáng với danh hiệu đơn vị dẫn đầu khối thi đua đồng bằng của tỉnh”, ông Hồ Thanh Riếu khẳng định.
Qua bình xét, toàn huyện Tuy An có 11.586 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi 4 cấp, đạt hơn 103,4% chỉ tiêu tỉnh giao. Trong đó, cấp Trung ương 90 hộ (doanh thu từ 300 triệu đến 1 tỉ đồng/hộ/năm), cấp tỉnh 802 hộ (doanh thu từ 200-300 triệu đồng/hộ/năm), cấp huyện 2.401 hộ (doanh thu từ 100-200 triệu đồng/hộ/năm) và cấp cơ sở 8.293 hộ (doanh thu từ 50-100 triệu đồng/hộ/năm). Hội đã xây dựng được 23 mô hình kinh tế có hiệu quả, 24 mô hình dịch vụ tư vấn và 28 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường; đóng góp hơn 2 tỉ đồng và hàng ngàn ngày công xây dựng nông thôn mới…
NGỌC HÂN