An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là mối quan tâm của các quốc gia trên thế giới. Trong vài thập niên gần đây, trước nhu cầu lương thực thực phẩm ngày càng cao do dân số gia tăng, nhân loại đã tìm cách tăng năng suất bằng nhiều biện pháp, từ cải thiện nguồn giống, rút ngắn thời gian canh tác đến giảm thiểu lãng phí trong thu hoạch, đồng thời tìm cách bảo quản chống hư hỏng sản phẩm.
Người tiêu dùng chọn mua cá tại một chợ tự phát (ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: MINH NGUYỆT |
Nhờ những biện pháp này mà nguồn lương thực thực phẩm đáp ứng đủ nhu cầu. Song song với tác dụng tích cực đó là nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm như đột biến gene, tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật hay tồn lưu kháng sinh... trong lương thực thực phẩm. Bên cạnh đó, nhiều tác nhân gây bệnh cũng “thích nghi” bằng cách đột biến làm cho chúng trở nên mạnh hơn, độc lực cao hơn... Đây chính là những nguy cơ gây bệnh cho người.
Người ta thường nói “bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”. Con người không thể tồn tại mà không ăn, thiếu uống nhưng ăn uống như thế nào là điều hết sức quan trọng. Việc đảm bảo ATVSTP phải đồng bộ từ quá trình chăn nuôi, sản xuất đến phân phối lưu thông và cuối cùng là chế biến thành thức ăn, đồ uống phục vụ người tiêu dùng. Chỉ cần sai sót một khâu trong quá trình đó sẽ dẫn đến mất ATVSTP. Để đảm bảo các khâu trong chuỗi cung ứng đó được an toàn, vệ sinh, cần có sự tham gia của nhiều ngành nghề, nhiều người.
Trong thời gian qua, cả nước nói chung, Phú Yên nói riêng hết sức quan tâm đến ATVSTP, triển khai nhiều biện pháp từ khâu xây dựng chính sách đến giám sát, thực hiện khá nhiều chế tài đối với những trường hợp kinh doanh, sản xuất thực phẩm không an toàn. Tuy nhiên tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra, nhiều vụ ngộ độc với hàng trăm người mắc, đã có không ít trường hợp tử vong đau lòng, như tử vong do ngộ độc rượu có methanol ở các tỉnh phía Bắc và ngay tại thủ đô Hà Nội. Nếu thống kê đầy đủ, chắc chắn con số vụ ngộ độc, các trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm sẽ nhiều hơn. Chúng ta nói nhiều, tuyên truyền nhiều, nội dung tuyên truyền, tài liệu truyền thông không thiếu và đa số người dân hiểu khá tốt về các biện pháp bảo đảm ATVSTP, nhưng tại sao vẫn xảy ra ngộ độc? Để trả lời câu hỏi này chắc chắn còn mất nhiều thời gian, và cần có sự tham gia nghiên cứu đầy đủ về mặt xã hội học cũng như hành vi của con người.
Chúng ta đã đưa ra nhiều thông điệp khuyến cáo người dân. Tuy nhiên theo tôi, để đảm bảo ATVSTP phải có người tiêu dùng thông thái và người bán hàng có lương tâm. Trong đó, việc người bán hàng có lương tâm là điều quan trọng. Bởi chỉ có người bán hàng mới biết được hàng hóa mình bán có đảm bảo an toàn hay không, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa đó như thế nào, lô hàng mình nhập có nguồn gốc ở đâu, nuôi ở trang trại nào, trồng ở đâu? Xét trên bình diện chung, những người nuôi trồng cũng chính là những người bán hàng, vì họ nuôi trồng để tạo ra sản phẩm hàng hóa. Khi bán, họ biết rõ hàng hóa sẽ được bán cho ai, dùng vào mục đích gì… Bên cạnh đó, việc trở thành người tiêu dùng thông thái không phải dễ bởi thức ăn, đồ uống được chế biến khá bắt mắt, nên dù giỏi đến đâu cũng khó biết được đâu là thức ăn đồ uống an toàn, đâu là có nguy cơ. Chìa khóa cho ATVSTP do đó đang nằm trong tay người bán.
Vậy thế nào là người bán hàng có lương tâm? Đó là người không bán những hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; kiên quyết từ chối lô hàng không đảm bảo chất lượng dù giá cả có hấp dẫn như thế nào. Trong quá trình trồng trọt chăn nuôi phải thực hiện đúng quy trình mà cơ quan chuyên môn đưa ra, tuyệt đối không vì lợi nhuận mà sử dụng thuốc kích thích, bơm tạp chất vào vật nuôi... Trong quá trình phân phối lưu thông cũng phải tuân thủ đúng quy trình, không dùng bất cứ hóa chất độc hại cho sức khỏe để bảo quản hàng hóa, đặc biệt không “phù phép” thực phẩm bẩn thành “thực phẩm sạch” lừa người tiêu dùng. Mỗi người bán hàng phải biết rằng với hàng hóa này mình là người bán, với hàng hóa khác mình sẽ là người mua, nếu mình lừa người này sẽ có người khác lừa lại mình... Như vậy, đảm bảo hàng hóa an toàn bán cho khách hàng cũng là bảo vệ chính mình.
BS NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên