Những ai quan tâm đến nghề y đều hiểu rằng: thời kỳ nào, ở đâu cũng có những bác sĩ, lương y giỏi, nêu gương sáng về y đức, những thầy thuốc tận tụy với công việc, hết lòng vì người bệnh, vì sức khỏe cộng đồng. Họ góp phần làm rạng rỡ nghề y cao quý.
1. Đêm 22/11/2016, một bệnh nhân trẻ ở xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) được đưa vào Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa Phú Yên) sau khi bị viêm phổi dẫn đến choáng nhiễm trùng. Những người thầy thuốc ở khoa này đã khẩn trương lọc máu cho bệnh nhân. Đây là một phương pháp điều trị thay thế thận, được tiến hành liên tục 24 giờ trong ngày. Sau gần 3 ngày lọc máu liên tục, bệnh nhân được cứu sống, chuyển đến Khoa Nội để tiếp tục điều trị chứng viêm phổi.
1 giờ sáng 30/11/2016, một thanh niên không có tiền sử bệnh tật nhập viện trong tình trạng sốt cao, tiêu chảy, nôn... Đến đầu giờ chiều, bệnh nhân suy hô hấp, được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Người này rơi vào tình trạng hôn mê sâu, tim đập rời rạc, mạch và huyết áp bằng 0. Qua xét nghiệm máu, những người thầy thuốc nhận thấy đường máu của bệnh nhân rất cao, kali máu tăng đến 7,2mmol/l, viêm phổi; điện tim biểu hiện tình trạng tăng kali máu. Chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường biến chứng suy thận cấp, nhiễm toan ceton, các bác sĩ tiến hành lọc máu liên tục, ngăn chặn tình trạng tăng kali máu làm tim ngừng đập. Song song đó, các phương pháp điều trị cấp cứu toàn diện đã được áp dụng: cho bệnh nhân thở máy, dùng thuốc vận mạch, kháng sinh, bù dịch, điều trị hạ đường máu. Đến 5 giờ sáng hôm sau, người bệnh qua cơn nguy kịch, không còn hôn mê sâu, mạch và huyết áp ổn định, có thể tự thở qua ống nội khí quản.
Chỉ trong vòng 10 ngày, những người thầy thuốc ở Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã cứu sống 2 bệnh nhân nguy kịch, có nguy cơ tử vong cao. Đây là hai trong nhiều “chiến công” thầm lặng của các y bác sĩ làm việc trong môi trường áp lực cao, khi phải chạy đua với thời gian trên lằn ranh sinh - tử, giành giật sự sống cho người bệnh. Và còn rất nhiều “chiến công” thầm lặng khác của những “chiến sĩ áo trắng” trên các “mặt trận” điều trị, dự phòng…
2. Sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là công việc cực kỳ quan trọng, được cả xã hội quan tâm. Cũng chính vì vậy, nghề y không chỉ cao quý mà còn khắc nghiệt, nguy hiểm, với nhiều đòi hỏi khắc khe về lao động trí óc lẫn chân tay. Người thầy thuốc làm việc với cường độ cao trong môi trường đầy áp lực, căng thẳng khi hầu hết bệnh viện tuyến trên đều quá tải. Họ đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhiễm xạ… Và chỉ một phút sơ suất, “tai nạn nghề nghiệp” có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì công việc của người thầy thuốc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người, nên cái giá của một phút sơ suất là vô cùng đắt!
Nếu không làm việc trong ngành Y, thật khó để hiểu hết những vất vả, hy sinh của người thầy thuốc, từ hệ điều trị cho đến hệ dự phòng, từ các bệnh viện tuyến trên cho đến các trạm y tế. Và dư luận xã hội cũng rất khắt khe với người thầy thuốc. Chẩn đoán đúng, điều trị có hiệu quả hàng trăm ca bệnh thì người ta cho rằng đó là chuyện đương nhiên, nhưng nếu có bất kỳ sơ suất nào xảy ra thì các y, bác sĩ sẽ bị “ném đá” tơi bời.
Ê kíp bác sĩ đến từ Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) và Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đang đặt stent động mạch vành, cấp cứu một bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim - Ảnh: YÊN LAN |
Rất nhiều người làm việc trong ngành Y không có khái niệm nghỉ lễ, tết. Áp lực công việc trong những ngày đó thậm chí còn cao hơn ngày thường, nhất là với các bác sĩ, điều dưỡng ở phòng cấp cứu lưu. Đó là chưa kể đến “tiếng bấc tiếng chì”, hành vi thô lỗ, bạo lực từ những người nhà quá khích của bệnh nhân. Một bác sĩ đã 5 năm gắn bó với Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa Phú Yên) thổ lộ: “Bệnh nhân đông đến mức nào chúng tôi cũng làm được, nhưng ngại nhất là những trường hợp say rượu bia, đánh nhau, khi vào viện thì chửi bới, rượt đánh cả điều dưỡng”.
3. Nghề nào, ngành nào cũng có những gương mặt trở thành niềm tự hào và một số “con sâu” làm “rầu nồi canh”. Trong thời đại bùng nổ thông tin, mạng xã hội phát triển mạnh, thông tin về mặt trái liên quan đến ngành Y thường lan truyền rất nhanh. Thế rồi, những người cực đoan lại “vơ đũa cả nắm”, có cái nhìn không đúng về các thầy thuốc và phủ nhận mọi nỗ lực, kết quả của ngành Y.
Những ai quan tâm đến nghề y đều hiểu rằng: thời kỳ nào, ở đâu cũng có những bác sĩ, lương y giỏi, nêu gương sáng về y đức, những thầy thuốc tận tụy với công việc, hết lòng vì người bệnh, vì sức khỏe cộng đồng. Lương y Phan Văn Hiệp ở TX Sông Cầu, đã sáng lập và vượt qua bao khó khăn để duy trì Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật và trẻ em mồ côi Xuân Lộc, tình nguyện điều trị trong thời gian dài cho hơn 360 trẻ tàn tật và cùng những người bạn tâm huyết giúp gần 100 trẻ hồi phục sức khỏe, được học nghề, hòa nhập cộng đồng. Lương y Lương Văn Trong ở thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), nổi tiếng với bài thuốc gia truyền chữa gãy xương, bong gân, trật khớp, ngày ngày vẫn vượt hơn 100 cây số, đến tận nhà chữa trị cho các bệnh nhân không thể đi lại được, giúp họ hồi phục sức khỏe. Rồi những điểm sáng về khám chữa bệnh miễn phí cho người dân bằng các phương pháp không dùng thuốc của Hội Đông y Phú Yên; những chuyến đi tình nguyện về vùng sâu vùng xa, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào nghèo của các đoàn y bác sĩ; những đêm thức trắng, giành giật sự sống cho bệnh nhân; những bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh… tận tụy với công việc ở các trạm y tế xã, phường… Bằng tình yêu nghề, bằng năng lực, ý thức trách nhiệm và tấm lòng đối với bệnh nhân, họ đã góp phần làm rạng rỡ nghề y cao quý.
YÊN LAN