1. Đã 73 tuổi nhưng cụ Trần Xuân Sang (phường 4, TP Tuy Hoà) trông vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Nghỉ hưu lâu rồi, nhưng cụ chưa nghỉ việc và hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi (NCT) phường 4.
Cụ Trần Xuân Sang chăm sóc cây cảnh trong sân nhà – Ảnh: NGỌC HÂN
Đã gần 5 năm với vai trò Chủ tịch Hội, cụ và ban đại diện đã vận động nhiều người cao niên ở địa phương hăng hái tham gia công tác, giúp đỡ những người già neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đề xuất và phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể phường xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình thương cho 12 NCT, đồng thời quan tâm chăm lo đời sống tinh thần cho NCT và hội viên như: Tổ chức Câu lạc bộ (CLB) Dân ca cổ nhạc ở khu phố 6, thành lập CLB Dưỡng sinh có trên 50 cụ tham gia, thành lập đội mai táng, ban quản lý Đình Lẫm và đội nhạc tang lễ phục vụ nhân dân.
Cụ Sang thường đến từng nhà vận động bà con xây dựng nếp sống mới ở khu dân cư, tham gia hòa giải thành công nhiều vụ mâu thuẫn gia đình. Bên cạnh công tác Hội, cụ Sang còn chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Cụ đã thành lập Trung tâm Phân phối vật tư nuôi trồng thủy sản Phú Yên đặt tại 47A Duy Tân (TP Tuy Hòa), tạo thu nhập ổn định cho trên 50 lao động. Những việc làm của cụ đã góp phần thiết thực vào phong trào thi đua nêu gương sáng của NCT trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng ở địa phương. Cụ xứng đáng là NCT đại diện tỉnh Phú Yên tham dự hội nghị tuyên dương NCT làm kinh tế giỏi tổ chức tại thủ đô Hà Nội sắp tới.
2 Năm 1983, ông Nguyễn Sơn cùng 11 anh em ở thôn 4, xã Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) tìm đến Vũng Rô, xã Hoà Xuân Nam lập nghiệp. Nhìn đất đai khô cằn, nhiều người rất lo lắng nhưng ông động viên mọi người nỗ lực vượt qua. Họ thành lập Tập đoàn Quyết Thắng, tiến hành san ủi trồng 280 ha cỏ ở Bãi Môn, nuôi 500 con bò, trồng chuối và hơn 1.000 cây dừa, đào ao nuôi tôm sú và thả 100 lồng tôm hùm. Công việc ổn định, ông cùng các anh em xây dựng cơ sở sản xuất nông thủy sản xuất khẩu tại Vũng Rô.
Ông Nguyễn Sơn (áo sậm) đang giới thiệu gỗ cho khách hàng – Ảnh: THÙY THẢO
Năm 1990, ông quay về thôn 4 và cùng các con mở xưởng gỗ Thăng Long, giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động nhàn rỗi của địa phương. “Bí quyết làm giàu của tôi rất đơn giản, chủ yếu là biết nắm bắt thời cơ. Tôi dám mạo hiểm, quyết đoán và có lòng tin nên mới thành công” - ông Sơn nói.
Lo làm kinh tế nhưng ông không quên tham gia công tác xã hội. Năm 1995, ôngï tham gia Hội NCT của xã và tích cực đóng góp xây dựng quỹ hội, quỹ Vì người nghèo, xây nhà tình nghĩa… Theo ông Nguyễn Đình Sĩ, Chủ tịch Hội NCT xã Hoà Vinh, ông Sơn không những làm kinh tế giỏi để mọi người học tập, mà còn có nhiều đóng góp thiết thực cho phong trào NCT ở địa phương. Còn anh Dương Bình Kích, hàng xóm của ông Sơn thì cho hay: “Bác Sơn sống hoà nhã, mẫu mực. Bà con lối xóm ai ốm đau, bệnh tật đều được bác ấy thăm hỏi, giúp đỡ rất tận tình và chu đáo”.