Thôn Phú Lương xã An Phú cách trung tâm TP Tuy Hoà chưa đầy 10km. Là xã thuộc TP, nhưng người dân Phú Lương vẫn còn nghèo, hết nửa xóm làm nghề đốt than, ruộng thì bỏ hoang.
Dân xóm Đèo gánh than xuống núi Hòn Cồ - Ảnh: T.H |
Chúng tôi lần theo những người đi đốt than trong xóm Đèo (thôn Phú Lương) lên núi Hòn Cồ, Hòn Dung thuộc xã An Thọ (huyện Tuy An). Ông N.V.P, một người dân trong thôn đi đốt than cho biết: “Để có tiền cho tụi nhỏ đóng tiền trường tôi phải đi đốt than chứ làm ruộng không đủ ăn”. Trong lúc nghỉ ngơi, chúng tôi làm quen với anh H.V.T, được biết anh đã có vợ hai con và từng làm công nhân cho một công ty xây dựng, lương mỗi tháng 1 triệu đồng. Nhưng anh đã bỏ việc, về đi đốt than. Anh T giải thích: “Làm ở công ty phải đi xa, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng còn dư được 300.000 - 400.000 làm sao đủ chi tiêu”.
Cuộc sống khó khăn đã khiến nhiều hộ dân thuộc xóm Đèo coi việc đốt than là nghề chính để mưu sinh. Xóm chỉ có 50 hộ dân, nhưng đã có tới gần 30 hộ làm nghề đốt than.
Một người dân ở xã An Thọ cho biết: “Hai khu rừng Hòn Cồ và Hòn Dung, cách đây 15 năm được xếp vào diện có cây lâu năm nhiều nhất của xã An Thọ, nhưng vì nạn chặt củi đốt than tràn lan nên hai khu rừng này giờ đã trống hoác”.
Hiện nay, dân đốt than ở Phú Lương không cần chở than xuống Long Thủy hay TP Tuy Hoà bán như trước đây nữa, chỉ cần quảy xuống hết núi tới đường lớn là có người đón mua liền. Một gánh than khoảng 40kg được bán với giá từ 80.000-100.000 đồng tùy thuộc than tốt, xấu. Ngày nào đi làm có tiền ngày đó nên “phong trào” đốt than ở xóm Đèo ngày càng thu hút đông người, có hộ không thuộc diện nghèo nhưng cũng đi.
Ông Trần Văn Bình, chủ nhiệm hợp tác xã An Phú, kiêm trưởng thôn Phú Lương cho biết: “Toàn thôn hiện có 215 hộ, 929 nhân khẩu trong đó có 34 hộ nghèo. Thôn thuần nông thu nhập chính người dân từ ruộng nhưng nhiều năm qua, người dân Phú Lương chỉ sạ được một vụ lúa, thời gian còn lại bỏ đất hoang. Có hộ sạ được hai vụ nhưng khi cắt lên cũng chẳng được bao nhiêu bởi cánh đồng thôn Phú Lương luôn thiếu nước. Gia đình ông Lê Công Sơn có 7 sào ruộng nhưng năm nay chỉ sạ được phân nửa. Ông cho biết: “Năm ngoái nhà tui sạ hết diện tích, đến khi lúa trổ thì lại không có nước lấy vào. Trạm bơm Phú Vang một tuần mới bơm nước lên, chỉ được một đến hai ngày là ruộng khô lại”.
Bị thiếu nước tưới nên vụ hè thu năm 2007, cánh đồng thôn Phú Lương đành phải bỏ hoang hết 7,5 ha. Có 20 hộ bỏ nửa diện tích và hai hộ mất trắng. Tình trạng thiếu nước tưới đã kéo dài nhiều năm qua do cánh đồng nằm cuối kênh trạm bơm Phú Vang. Thế nhưng cho đến nay vẫn chưa có giải pháp nào khắc phục.
TRUNG HIẾU