Chủ Nhật, 06/10/2024 00:34 SA
Những điểm mới của Luật Trẻ em
Thứ Ba, 13/09/2016 10:21 SA

Luật Trẻ em quy định tổng quát về chính sách của Nhà nước để bảo đảm về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bảo đảm điều kiện vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch và thông tin truyền thông cho trẻ em. Đây là căn cứ quan trọng để xây dựng, thực hiện các chính sách về quyền trẻ em trong thực tế.

 

Luật Trẻ em quy định cụ thể các nội dung về các cấp độ bảo vệ trẻ em (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp) và trách nhiệm thực hiện; cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; chăm sóc thay thế; các biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.

 

Các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp được quy định cụ thể, cùng với trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em. Luật quy định các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ở cả ba cấp độ, không chỉ dừng lại ở việc can thiệp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tại Điều 53 của Luật Trẻ em quy định cụ thể trách nhiệm của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã.

 

Quy định về chăm sóc thay thế nhằm đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường gia đình và được chăm sóc thay thế khi bị mất môi trường gia đình hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

 

Tại mục 4 Chương IV của Luật Trẻ em quy định các biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng. Nội dung này được xây dựng trên cơ sở hệ thống hóa các nguyên tắc áp dụng đối với người chưa thành niên trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính được quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành, đồng thời bổ sung các nguyên tắc được quy định tại Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em và các điều ước quốc tế về tư pháp đối với trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

 

Chương V là nội dung mới của luật để thể chế hóa quy định tại khoản 1 Điều 37 Hiến pháp năm 2013 “trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em”. Chương này quy định nội dung, phạm vi, hình thức trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em và biện pháp bảo đảm trong gia đình, nhà trường, cơ sở giáo dục khác và trong cộng đồng.

 

Luật Trẻ em quy định rõ nhiệm vụ của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em là Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

 

Luật Trẻ em cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và cơ sở giáo dục trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bao gồm Quốc hội, HĐND các cấp, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và đặc biệt quy định trách nhiệm của gia đình, cá nhân và cơ sở giáo dục. Công tác trẻ em liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương, do đó Luật Trẻ em quy định về tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, điều hòa các hoạt động nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong quá trình thực hiện quyền trẻ em giữa các cơ quan ở Trung ương, các tổ chức, các địa phương.

 

TRUNG KIÊN (giới thiệu)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek