Thứ Hai, 13/01/2025 02:10 SA
Chính sách ưu đãi trực tiếp cho vùng dân tộc, miền núi Phú Yên:
Đề xuất những điều chỉnh cho phù hợp
Thứ Ba, 23/08/2016 08:09 SA

Ngành LĐ-TB-XH trao tiền hỗ trợ cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh - Ảnh: KIM LIÊN

Những chính sách ưu đãi trực tiếp cho vùng dân tộc miền núi là sự chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với đời sống đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Tuy nhiên, bên cạnh những chính sách phát huy hiệu quả cũng có những chính sách không còn phù hợp ở thời điểm hiện nay, cần có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tế.

 

Hiệu quả ở tinh thần

 

Người nghèo miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khó khăn không chỉ được hỗ trợ gạo cứu đói lúc giáp hạt, tham gia bảo hiểm y tế, khám và chăm sóc sức khỏe miễn phí mà còn được đào tạo nghề, nâng cao trình độ. Theo chị KSor Thị Tip ở xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa), chị sống đơn thân lại ốm đau liên miên nên trong nhà nhiều lúc không đủ gạo. May nhờ có Đảng, Nhà nước và chính quyền hỗ trợ gạo cứu đói nên chị vẫn có cái ăn.

 

Già làng, người uy tín không chỉ được tặng báo để tiếp cận những chính sách mới của Đảng và Nhà nước mà còn được phụ cấp bằng 0,2 mức lương tối thiểu/người/ tháng. Theo Ban Dân tộc tỉnh, từ đầu năm đến nay, các địa phương giải ngân 273 triệu đồng thực hiện chính sách cho người uy tín, trong đó hơn 111 triệu đồng mua quà tết, hỗ trợ gia đình người uy tín khó khăn, mua báo; gần 162 triệu đồng phụ cấp theo chế độ cho 117 người uy tín tại các địa phương.

 

Già làng Ma Minh ở thôn Phú Tiến, xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), cho biết: Những lúc ốm đau nằm nhà, những dịp lễ tết, già đều được chính quyền tới hỏi thăm. Đi khám sức khỏe ở trạm y tế cũng được phát thuốc miễn phí. Mỗi ngày đều có Báo Phú Yên để đọc, hàng tuần còn có Báo Dân tộc phát triển đưa tới nên già nắm được thông tin mọi mặt đời sống kinh tế chính trị trong nước và thế giới. Từ đây, già biết cái hay, cái đúng, nắm được chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để chỉ cho con cháu trong thôn buôn mình làm theo.

 

Theo ông Nguyễn Hữu Từ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, đồng bào DTTS huyện Đồng Xuân có gần 10.700 người, chiếm gần 17% dân số toàn huyện, trong đó hộ nghèo đồng bào DTTS gần 8.900 người. Những người nghèo DTTS này khi được khám sức khỏe, được cứu đói…, họ sẽ yên tâm ổn định cuộc sống, gắn bó với thôn buôn, tin vào chủ trương của Đảng và Nhà nước mà vươn lên lao động sản xuất. Người uy tín được chăm lo sẽ phát huy vai trò đầu tàu trong cộng đồng dân tộc mình để làm cầu nối giữa đồng bào với chính quyền, với Đảng, từng bước tăng tình đoàn kết toàn dân tộc. Những chính sách này cần duy trì để củng cố tinh thần, lòng tin nơi đồng bào DTTS.

 

Chính sách ưu đãi cho vùng miền núi, nhiều hộ nghèo được hỗ trợ bò phát triển sản xuất - Ảnh: MINH DUYÊN

 

Cần nâng mức hỗ trợ

 

Tuy nhiên, một số chính sách hỗ trợ trực tiếp không còn phù hợp vì mức vay, mức hỗ trợ thấp không đủ để người dân thay đổi cuộc sống. Tại buổi khảo sát 3 huyện miền núi về thực hiện chính sách vùng dân tộc miền núi, bà Nguyễn Thị Diệu Thiền, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, cho hay: Chính sách cho vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn theo Quyết định 54 hay cho hộ nghèo vùng miền núi theo Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ, có mức vay từ 8-15 triệu đồng/hộ là thấp, không đủ để các hộ phát triển sản xuất. Chính sách hỗ trợ tiền cho hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ, 7 năm nay vẫn duy trì mức hỗ trợ từ 80.000-100.000 đồng/người/năm.

 

Mí Thương ở xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh), chia sẻ: Một năm hai vợ chồng tôi được hỗ trợ 200.000 đồng. Hiện 1kg gạo cũng từ 10.000-15.000 đồng nên tiền hỗ trợ 1 năm không đủ mua 10kg gạo. Còn theo KSor Hờ Thắm ở xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa), một hộ nghèo được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, để thoát nghèo thấp nhất cũng phải mua được một con bò làm vốn. Nhưng một con bê cái giống “có da có thịt” mua trên thị trường hiện cũng từ 17-20 triệu đồng. “Gia đình tôi nghèo được vay vốn ưu đãi nhưng với số tiền thấp, nếu mua con bê nhỏ, giá tiền vừa đủ thì sợ nuôi không được, mất luôn vốn vay thì không biết tới khi nào mới trả được. Còn mua con lớn hơn, có thể nhân đàn được thì mức vay không đủ để mua”, chị KSor Hờ Thắm nói.

 

Việc hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào DTTS nghèo, đặc biệt khó khăn nhằm giúp đồng bào ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Đó là sự động viên, chăm lo của Đảng và Nhà nước về cả tinh thần lẫn vật chất cho đồng bào. Bên cạnh những chính sách có hiệu quả cần phát huy cũng có những chính sách không còn phù hợp với điều kiện hiện tại. Ban Dân tộc HĐND tỉnh sẽ đề xuất nâng mức vốn vay để người dân có đủ điều kiện phát triển sản xuất. Đối với việc hỗ trợ tiền trực tiếp, đơn vị đề xuất giải pháp gộp các khoản hỗ trợ nâng thành khoản hỗ trợ lớn hơn.

 

Ông Phạm Ngọc Công, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek