Thông tin từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) sáng 22/8 cho biết, sau sự cố môi trường do Formosa gây ra, đến nay có thể khẳng nước biển tại 4 tỉnh ven biển miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế) đã an toàn để tắm, hoạt động thể thao và nuôi trồng thủy sản.
Theo công bố này, hàm lượng các chất ô nhiễm đang giảm dần theo thời gian, chất lượng môi trường nước biển và trầm tích biển tại các khu vực được quan trắc đã nằm trong giới hạn quy định của QCVN 10-MT:2015/BTNMT, an toàn cho hoạt động du lịch, thể thao và và nuôi trồng thủy sản trên các vùng biển miền Trung.
Để có thể đưa ra kết luận về mức độ an toàn của biển miền Trung, Hội đồng thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được thành lập với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học về các lĩnh vực: môi trường biển, sinh học biển, thủy văn, hải dương học, địa hóa, hóa học,…và ý kiến phản biện của các chuyên gia quốc tế.
Trên cơ sở kết quả phân tích của 1.080 mẫu (tháng 5), 331 mẫu (tháng 6) và 68 mẫu kiểm chứng (tháng 8), so sánh, đối chiếu với QCVN 10-MT:2015/BTNMT về chất lượng nước biển cho thấy các thông số lý hóa, dinh dưỡng, kim loại nặng, nhóm hợp chất hữu cơ và tổng Coliform đều nằm trong giới hạn cho phép.
Đối với thông số sắt, kết quả quan trắc tháng 5/2016 có 3,8% số mẫu vượt giới hạn cho phép, tập trung chủ yếu ở Hà Tĩnh và Quảng Bình, giá trị cao nhất quan trắc được ở bãi tắm Kỳ Ninh (Hà Tĩnh) là 0,9 mg/l. Mức độ ô nhiễm cao nhất ở Hà Tĩnh và giảm dần vào đến Thừa Thiên Huế.
Kết quả quan trắc tháng 6/2016, chỉ còn 1,8% số mẫu vượt giới hạn cho phép, tuy nhiên giá trị vượt không nhiều và chủ yếu là mẫu tầng đáy. Các mẫu vượt giới hạn tập trung ở vùng biển Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế. Như vậy, hàm lượng sắt trong nước biển đã giảm đi đáng kể, số lượng mẫu có hàm lượng vượt giới hạn cho phép cũng đã giảm xuống.
Hàm lượng xyanua trong nước tháng 5 dao động từ 0,002 – 0,1 mg/l, lớn hơn nhiều so với tháng 6 (giá trị cao nhất là 0,002 mg/l) và đều nằm trong ngưỡng cho phép của QCVN. Riêng thông số tổng phenol trong nước biển, trong tháng 5/2016 hầu như không phát hiện được hoặc có giá trị thấp (2-10 mg/l).
Tuy nhiên, đến tháng 6, hàm lượng tổng phenol trong nước có tăng lên và có 2,7% số mẫu vượt giới hạn cho phép, chủ yếu là mẫu tầng đáy. Điều này có thể giải thích do cơ chế nhả hấp phụ phenol từ dạng phức hỗn hợp dưới dạng hệ keo sắt và từ trầm tích đáy vào nước biển.
Đến thời điểm hiện nay (theo kết quả quan trắc kiểm chứng trong tháng 8), hàm lượng tổng phenol trong nước biển đã giảm đến giá trị nhỏ hơn giới hạn cho phép. Chất lượng nước biển tại 19 bãi tắm thuộc 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo đáp ứng yêu cầu đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước.
Đối với các mẫu trầm tích biển, kết quả phân tích của 29 mẫu trầm tích (tháng 5) và 146 mẫu trầm tích bề mặt, 16 điểm mẫu cột trầm tích (tháng Sáu) cho thấy các thông số được quy định trong QCVN 43:2012/BTNMT đều có giá trị nằm trong giới hạn.
Tuy nhiên, tại các khu vực cách bờ 1,5km thuộc Sơn Dương - Hà Tĩnh (diện tích khoảng 300km2), cửa Nhật Lệ - Quảng Bình (diện tích khoảng 330km2), hòn Sơn Chà - Thừa Thiên - Huế (diện tích khoảng 160km2), do chịu tác động của dòng xoáy cục bộ, có một số thông số môi trường cao hơn so với các khu vực khác, nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép.
Sáng 22/8, tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, Bộ Tài nguyên và môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị tổ chức công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Đây là nội dung được chờ đợi với hàng loạt câu hỏi cụ thể về chất lượng nước biển, mức độ hủy hoại sinh thái biển sau sự cố môi trường do Formosa gây ra.
Kết quả công bố về hiện trạng biển miền Trung được xem như cơ sở để xác định mức độ an toàn của biển miền Trung từ môi trường nước mặt đến trầm tích tầng đáy biển cũng như phạm vi đánh bắt thủy hải sản an toàn.
Theo Vietnam+