Chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS)/KHHGĐ (gọi tắt là chiến dịch) đợt 2 đang diễn ra trên toàn tỉnh. Dịp này, hàng ngàn phụ nữ được thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc SKSS. Thành công của chiến dịch có sự đóng góp đáng kể của đội ngũ cán bộ dân số cơ sở.
Gần 20.000 phụ nữ thụ hưởng dịch vụ
Trong chiến dịch đợt 2, ngành Dân số thực hiện cung cấp các gói dịch vụ: KHHGĐ, làm mẹ an toàn - sàng lọc trước sinh, khám và điều trị các bệnh lây nhiễm qua đường sinh sản. Các địa phương đã thực hiện tốt công tác phối hợp để triển khai các dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng dân số như: tầm soát ung thư cổ tử cung bằng phương pháp quan sát trực tiếp hoặc phiến đồ âm đạo; khám phát hiện các dấu hiệu sớm của ung thư vú; khám thai, sử dụng siêu âm để phát hiện những dấu hiệu chỉ điểm, các bất thường về hình thể thai nhi… Các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số đã thu hút đông đảo phụ nữ tham gia.
Hàng trăm phụ nữ từ các thôn tập trung về các trạm Y tế xã thực hiện các dịch vụ. Chị Trần Thị Hồng Tuyết ở xã Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa), chia sẻ: “Dù bận rộn với công việc nhà nhưng khi biết có chiến dịch khám SKSS, tôi đã tranh thủ đi khám phụ khoa”.
Anh Lê Thanh Hải, cán bộ chuyên trách dân số ở xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa), cho biết: “Chiến dịch đợt này, các chị em tham gia chiến dịch đông đảo vì có dịch vụ siêu âm. Phần lớn đối tượng khách hàng là bà bầu khám thai, phụ nữ khám phụ khoa. Đợt này có đến 5 chị tham gia đình sản. Trong chiến dịch đợt 2, xã còn tổ chức được buổi truyền thông sàng lọc trước sinh, sơ sinh thu hút 50 người tham gia”.
Trong chiến dịch đợt 2, ngành Dân số cung cấp hơn 25.000 biện pháp tránh thai hiện đại bao gồm: viên uống tránh thai, bao cao su, vòng tránh thai, que cấy tránh thai, đình sản. Dự kiến trong đợt chiến dịch diễn ra từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9, gần 20.000 phụ nữ được thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc SKSS và nâng cao chất lượng dân số.
Theo ông Vũ Ngọc Dững, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, chiến dịch này đặc biệt có ý nghĩa với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, là dịp để người dân ở những vùng có mức sinh cao, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn tiếp cận với dịch vụ chăm sóc SKSS.
Nỗ lực của cộng tác viên
Chiến dịch đợt 2 chỉ diễn ra trong 2 ngày tại mỗi xã nhưng lại trúng vào vụ mùa ở nhiều địa phương. Chị em phụ nữ ở khu vực nông thôn thường không hay biết có chiến dịch diễn ra hoặc “ngại” không tham gia. Để chiến dịch đạt hiệu quả, đội ngũ cộng tác viên (CTV) dân số với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” đã giúp hàng ngàn phụ nữ ở nông thôn tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS tại chiến dịch.
Chị Nguyễn Thị Hồng Vân, CTV dân số xã An Định (huyện Tuy An), cho biết: “Tại thôn Phong Thăng địa bàn tôi phụ trách có một chị sinh con thứ 3 rồi nhưng vẫn chưa sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại. Tôi tới nhà thuyết phục mấy lần, nên chiến dịch đợt này chị ấy đã đi đặt vòng tránh thai”.
CTV có vai trò quyết định trong việc tạo ra thành công cho chiến dịch. Nhóm “khách hàng” cần vận động là các cặp vợ chồng chưa thực hiện các biện pháp tránh thai; sinh con một bề, đặc biệt là một bề con gái; vị thành niên, thanh niên. Ông Đỗ Kim Ở, Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Đông Hòa, nói: “Chiến dịch có đạt mục tiêu đề ra hay không phụ thuộc rất lớn vào sự đóng góp của đội ngũ CTV dân số. Họ càng nhiệt tình thì chiến dịch sẽ diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, trong chiến dịch đợt 2 này, cán bộ chuyên trách dân số rất khó khăn trong công tác vận động CTV dân số tích cực tham gia công tác. Bởi công việc của họ thì nhiều, tiền phụ cấp lại ít (130.000 đồng/tháng). Trong đó, số tiền 30.000 đồng do ngân sách địa phương hỗ trợ thì vẫn nhận được hàng tháng; còn phụ cấp 100.000 đồng do ngành Dân số cấp thì 8 tháng nay vẫn chưa được nhận”.
Nguyên nhân việc chi trả thù lao chậm là do nguồn kinh phí cho hoạt động DS-KHHGĐ từ Trung ương vẫn chưa được phân bổ về. Tình hình chi trả thù lao cho CTV chậm trễ kéo dài đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, khiến họ không nhiệt tình hoặc muốn bỏ việc. Ngành Dân số từ tỉnh đến địa phương cố gắng động viên tinh thần các CTV bằng nhiều hình thức, trong đó có việc tạo môi trường làm việc thân thiện, các địa phương ứng trước kinh phí, hỗ trợ CTV để chiến dịch đợt 2 diễn ra hiệu quả.
Ông Vũ Ngọc Dững, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên |
DIỆU ANH