Thứ Năm, 10/10/2024 08:18 SA
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên Phạm Thị Minh Hiền
Hãy cho trẻ khuyết tật cơ hội thể hiện
Thứ Ba, 19/07/2016 07:50 SA

Trung tâm Công tác xã hội trẻ em Phú Yên tặng sữa cho trẻ khuyết tật xã Xuân Lộc (TX Sông Cầu) - Ảnh: KIM CHI

Mỗi người sinh ra có hoàn cảnh, số phận khác nhau. Có những đứa trẻ sinh ra đã bị tổn thương hoặc rối loạn những chức năng nhất định, người ta gọi bằng cụm từ trẻ khuyết tật. Trong số ấy, không phải trẻ nào cũng có điều kiện đi học, làm việc ở các cơ sở dành cho người khuyết tật.

 

Nhiều người vẫn nghĩ, trẻ khuyết tật là gánh nặng của gia đình, xã hội. Điều này không đúng. Nên nhớ, trẻ khuyết tật có thể tham gia các hoạt động như mọi thành viên khác trong cộng đồng. Tuy nhiên, trẻ có được tham gia các hoạt động đó để thể hiện và phát huy tiềm năng của bản thân hay không còn tùy thuộc phần lớn vào sự tạo điều kiện của gia đình, cộng đồng và xã hội.

 

Em B ở Sơn Giang (huyện Sông Hinh) sinh ra đã bị câm. Dù có biểu hiện của bệnh thiểu năng, nhưng em có khuôn mặt tương đối dễ thương. Đã 15 tuổi nhưng em vẫn chỉ làm mỗi việc là đi theo mẹ lên rẫy ngồi núp trong bóng mát hoặc ngồi trước cửa coi nhà chờ mẹ đi làm về. Tôi nhiều lần tới nhà thăm, em sợ hãi, ứ é, lấy mền quấn chặt. Kêu mãi, dỗ mãi vẫn không chịu ra - dù tôi biết, em vẫn nghe, vẫn hiểu ít nhiều khi người khác nói. Tôi cứ trăn trở, giá như em được lĩnh hội các biện pháp giáo dục dành cho trẻ khuyết tật thì cơ may được hòa nhập cộng đồng là rất lớn. Tôi thấy lo khi nghĩ đến tương lai, em chỉ có mẹ, mẹ em cũng bị câm. Em không biết làm gì để chăm sóc bản thân, ngay cả ăn mẹ em cũng đút thì em sẽ sống ra sao khi chỉ còn một mình?

 

Cháu T ở xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa) cũng bị câm. Được cái T khỏe mạnh, vậy nhưng công việc của T là… ngồi chơi game suốt cả ngày. Gia đình có điều kiện, sợ con buồn nên cung cấp cho máy laptop để chơi T game. Tôi cũng thấy lo cho T như trường hợp của em B vậy. Cuộc sống vốn vô thường, cha mẹ đâu có sống đời để nuôi các em.

 

Trường hợp cháu T được gia đình “đãi ngộ” như thế cũng dễ hiểu. Tôi hiểu là họ sợ, họ tội nghiệp con, khi nghĩ con khuyết tật thì chất lượng cuộc sống bị thua thiệt, muốn bù đắp cho con.

 

Gần đây, tại chợ Cảnh Phước, xã Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa), tôi thường xuyên thấy một người đàn ông đẩy một chiếc xe lăn, trên xe là một thanh niên khuyết tật. Ngồi trên xe, không nói được nhưng chàng trai ra dấu để bán một số vật dụng, quà lưu niệm. Tôi thấy nhiều người mua ủng hộ. Thanh niên đó vui ra mặt. Phải công nhận, khi làm được điều tích cực thì sẽ thấy vui. Từ chợ về, lúc ngang qua cây xăng, tôi lại thấy một thanh niên khuyết tật khác đang phụ bán ở cây xăng. Anh này bị bệnh đao và công việc của anh là hướng dẫn chỗ khách dừng xe, giúp khách mở nắp xăng, thu tiền… rất xông xáo đi qua đi lại, ê a hoạt bát…

 

Hai hình ảnh ấy làm tôi suy nghĩ nhiều. Thường thì cha mẹ, mọi người sẽ làm thay, làm dùm trẻ khuyết tật vì tình thương, vì cảm thông, vì lòng thương hại… Sao chúng ta không làm điều bổ ích hơn là hãy tạo cho trẻ khuyết tật điều kiện, cơ hội được làm, được thể hiện mình dù là những việc nhỏ nhất. Đó là cách tốt nhất để trẻ vượt qua cảm giác mặc cảm bất lực. Lời khuyên của các chuyên gia là hãy tập trung vào những việc trẻ khuyết tật có thể làm được chứ đừng nghĩ đến những việc trẻ không làm được.

 

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek