Thứ Năm, 10/10/2024 20:24 CH
Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên
Thứ Hai, 11/07/2016 10:00 SA

Thuyết trình tranh trưng bày nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản trong nhà trường tại hội thảo do Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Phú Yên tổ chức - Ảnh: TUYẾT DIỆU

Đó là thông điệp mà Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) mong muốn truyền tải nhân Ngày Dân số thế giới năm 2016. Trong xã hội hiện đại, trẻ vị thành niên (từ 10-19 tuổi), đặc biệt là trẻ em gái vị thành niên phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Các em dễ bị tổn thương về thể chất và tâm lý do thiếu kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm sống nên cần được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hưởng các quyền và hiện thực mong ước của các em.

 

Đối mặt với nhiều nguy cơ

 

Trẻ em gái vị thành niên trên khắp thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn so với trẻ em trai cùng trang lứa. Ở nhiều quốc gia, một em gái khi đến tuổi dậy thì được gia đình và cộng đồng cho là đã sẵn sàng để kết hôn, mang thai và sinh con. Các em có thể bị ép phải kết hôn sớm và bỏ học, sức khỏe bị ảnh hưởng do phải sinh nở trước khi cơ thể các em sẵn sàng cho việc đó. Tiềm năng và tương lai của các em có thể sẽ không bao giờ được phát huy, thậm chí là bị hủy hoại.

 

Theo số liệu toàn cầu của UNFPA năm 2015, số trẻ em gái dưới 18 tuổi kết hôn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 59 triệu người. Trong đó có 8 triệu đến từ các quốc gia ở khu vực Đông Á và Nam Á. Số trẻ em gái tại các nước đang phát triển từ 15-17 tuổi đã từng sinh con là 20.000 người. Trẻ em gái từ 15-19 tuổi phá thai không an toàn 3,2 triệu người. Trẻ em gái từng bị cưỡng bức quan hệ tình dục trước tuổi 15 chiếm 10%. Hai nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em gái từ 15-19 tuổi là do tự tử và biến chứng thai sản.

 

Các thách thức và trở ngại mà một trẻ em gái vị thành niên phải đối mặt sẽ nhân lên bội phần nếu các em là người dân tộc thiểu số, sống ở nông thôn và xuất thân trong một gia đình nghèo khó. Chị Đ ở thôn Độc Lập C, xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa, chia sẻ: “Tôi lấy chồng năm 17 tuổi. Chồng tôi nhỏ hơn tôi 1 tuổi. Hai vợ chồng không có việc làm ổn định mà chỉ làm mướn để kiếm sống. Cuộc sống khó khăn, chồng tôi lại có thói quen cờ bạc, rượu chè. Hiện nay, con tôi đã 8 tuổi nhưng chồng tôi vẫn thường uống rượu say xỉn và đánh tôi. Tôi mấy lần phải chạy tới UBND xã Ea Chà Rang cầu cứu chính quyền. Xã có cử người làm việc với chồng tôi nhưng tình hình không có gì khá hơn”.

 

Chị KPắ Hờ Hà, Bí thư Xã đoàn Ea Chà Rang, cho biết: “Tình trạng vị thành niên người dân tộc thiểu số, đặc biệt là các em gái 14-15 tuổi trên địa bàn xã bỏ học lấy chồng sớm còn nhiều. Một số em mang thai ngoài ý muốn khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Điều đáng buồn là các em được sự đồng thuận của gia đình. Nhiều nhà giấu chính quyền tổ chức đám cưới cho con khi bạn trẻ chưa đủ tuổi kết hôn”.

 

Tăng cường truyền thông nâng cao nhn thức

 

Khi vị thành niên được trao quyền, có phương tiện và thông tin để tự quyết định cuộc sống của mình thì các em sẽ có nhiều cơ hội phát huy tiềm năng và trở thành một tác nhân tích cực tạo ra sự thay đổi trong gia đình, cộng đồng và quốc gia.

 

Theo ông Babatunde Osotimehin, Giám đốc Điều hành UNFPA, các nhà lãnh đạo và cộng đồng phải tập trung bảo vệ quyền của trẻ em gái vị thành niên, đặc biệt là trẻ em nghèo, thất học, bị bóc lột hoặc bị áp đặt bởi những hủ tục, trong đó có nạn tảo hôn. Các em có quyền được hiểu, kiểm soát cơ thể mình và quyết định cuộc sống của chính mình. Các chính sách đầu tư cho giáo dục và y tế hỗ trợ cho trẻ em gái vị thành niên sẽ tạo cơ hội cho các em phát huy trọn vẹn năng lực bản thân và các điều kiện kinh tế giúp tạo công ăn việc làm. UNFPA cam kết thúc đẩy, bảo vệ các quyền này và hỗ trợ trẻ em gái vị thành niên để các em có thể tự đưa ra quyết định cho cuộc sống của mình.

 

Ông Nguyễn Ngọc Nha, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, cho biết: “Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đang tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các cơ quan thông tin đại chúng về công tác DS-KHHGĐ lồng ghép nội dung kỷ niệm Ngày Dân số thế giới năm 2016. Từ tỉnh đến cơ sở, ngành Dân số chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông, tổ chức hội nghị, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề, cổ động, diễu hành, treo băng rôn, treo khẩu hiệu tuyên truyền về những nguyên nhân hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao vị thế của phụ nữ, đầu tư cho phụ nữ; kiểm soát mức sinh và duy trì mức sinh thấp hợp lý; đặc biệt là nội dung đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên”.

 

Tổ chức UNFPA truyền tải thông điệp trẻ em gái vị thành niên cần phải được tạo điều kiện để có thể bước vào giai đoạn trưởng thành một cách an toàn và khỏe mạnh. Tổ chức này kêu gọi cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ, các nhóm thanh thiếu niên, nhà hoạt động xã hội, tổ chức tôn giáo và chính trẻ em gái nỗ lực tham gia trong việc định hình các chính sách có tác động tới cuộc sống và đảm bảo rằng các chính sách này thực sự đem lại những chuyển biến tích cực cho các em.

 

DIỆU ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek