“Chỉ khoảng 18-20 năm nữa Việt Nam sẽ bước sang giai đoạn già hóa dân số, chiến lược và chính sách khai thác nguồn lực con người cần phải hiệu quả hơn”. Đây là khuyến nghị được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đưa ra trong một báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội ở châu Á - Thái Bình Dương mới đây.
NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG THẤP
Theo ông Lê Bạch Dương, Trưởng Phòng Dân số phát triển của UNDP, Việt Nam bước vào giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” từ năm 2007, trong đó, tỉ lệ người trong độ tuổi lao động từ 15-64 cao gấp đôi nhóm tuổi dưới 15 và trên 65 tuổi cộng lại. Lợi thế nguồn nhân lực dồi dào đã được khai thác và trở thành một lợi thế hấp dẫn thu hút đầu tư... trong những năm qua. Tuy nhiên, từ năm 2011 Việt Nam đã bắt đầu già hóa dân số (tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm trên 10%), nếu lợi ích từ cơ cấu dân số không được khai thác hiệu quả, có thể lại trở thành gánh nặng.
Chẳng hạn, nhóm dân số vàng không có đủ công ăn, việc làm... (tỉ lệ thất nghiệp tăng) sẽ kéo theo những hệ lụy về phúc lợi, an sinh xã hội, nghèo đói, nguồn lực con người bị lãng phí... Phần lớn dân số trong độ tuổi lao động ở Việt Nam lại chủ yếu làm việc ở khu vực kinh tế phi chính thức, năng suất lao động thấp... Vấn đề già hóa dân số cũng đã được Ngân hàng Thế giới (WB) nêu lên trong báo cáo công bố mới đây “Sống lâu và thịnh vượng hơn: Già hóa dân số tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Theo WB, già hóa dân số sẽ khiến các quốc gia Đông Á nói chung và Việt Nam nói riêng đối mặt với giảm lao động và tăng chi phí công, vì thế các quốc gia cần chính sách bao quát hơn để giải quyết các vấn đề này. Trong đó, WB nhận định, số người già trên 65 tuổi của Việt Nam sẽ tăng vọt gấp 3 so với hiện nay vào năm 2040, gây ra những hậu quả khắc nghiệt, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm.
WB phân tích, theo các dự đoán của Liên Hợp Quốc, con số tuyệt đối của người dân ở độ tuổi lao động sẽ bắt đầu giảm xuống nhanh chóng sau năm 2035. Quan trọng hơn nữa là Việt Nam đã đạt tới điểm ngoặt trong quy mô dân số già năm 2015. Số lượng người Việt trên 65 tuổi sẽ tăng từ 6,3 triệu người hiện nay tới trên 18 triệu người vào năm 2040, chiếm hơn 18% số dân và biến Việt Nam từ một xã hội trẻ thành một xã hội già.
CẦN NHIỀU CHÍNH SÁCH CAN THIỆP
Theo ông Nguyễn Quang, Giám đốc quốc gia Tổ chức định cư con người LHQ tại châu Á, có rất nhiều kênh chính sách can thiệp để khai thác lợi ích cơ cấu dân số. Chẳng hạn chuyển đổi cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, nếu thực hiện hiệu quả sẽ khiến nền kinh tế phát triển hơn, tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn; đầu tư hiệu quả vào thị trường lao động, giáo dục, y tế, dạy nghề, tạo nhiều việc làm ở khu vực chính thức (ứng dụng khoa học, công nghệ cao)... sẽ khai thác hiệu quả nguồn lực con người, tăng năng suất lao động.
Dẫn số liệu điều tra dân số Việt Nam năm 2014, ông Nguyễn Quang phân tích: Tỉ lệ tham gia lao động ở nhóm tuổi trên 60 với nam giới là gần 50%, nữ giới là 36%, số giờ làm việc là 43 giờ/tuần, một tỉ lệ vẫn rất cao. Vì vậy, các chính sách tạo việc làm cần tạo điều kiện cho người già trong phạm vi sức khỏe vẫn có thể đóng góp cho quá trình phát triển. “Dù tỉ lệ người già cao gây áp lực về lương hưu, bảo hiểm, y tế, chăm sóc, nhưng lớp người già lại là kho kiến thức, kinh nghiệm về chính trị, văn hóa, kinh tế... nếu có chính sách phù hợp vẫn khai thác tốt nguồn lực này”, ông Quang nhận định.
Ngoài ra, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đang diễn ra nhanh thúc đẩy cải cách, tạo sinh kế, tạo việc làm nhiều và tốt hơn, nâng cao đời sống người dân, xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy công nghiệp hóa, thu hút đầu tư, là động lực tăng trưởng kinh tế... Đây là một quá trình kéo theo sự chuyển đổi nghề nghiệp của một bộ phận lớn dân số từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch chuyển dân số (lao động) cơ học từ nông thôn ra thành thị... gây áp lực đến cơ sở hạ tầng, việc làm và những vấn đề khác, cần có mô hình phát triển và quản trị đô thị hiệu quả, bền vững để phát huy những lợi ích từ quá trình thay đổi và dịch chuyển cơ cấu dân số.
(Theo giadinhnet)