Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 là một trong những sự kiện quan trọng dành cho thiếu nhi được tổ chức ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Hàng năm, Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 được tổ chức ở nhiều nước trên thế giới là ngày lễ vì trẻ em - thế hệ tương lai của nhân loại. Ngày Quốc tế Thiếu nhi được coi là có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 23/4/1920.
Sau đó, ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 (International Children’s Day) được tổ chức hàng năm kể từ tháng 8/1925. Vào thời điểm đó, các nước tham dự Hội nghị Thế giới vì hạnh phúc trẻ em (World Conference for the Well-being of Children) tại Geneva, Thụy Sĩ đã nhất trí, tuyên bố ngày 1/6 là ngày Quốc tế Thiếu nhi.
Khái niệm ngày Thiếu nhi Thế giới (Universal Children's Day) bắt đầu từ năm 1954. Ngày này ra đời trong nỗ lực bảo vệ trẻ em trong bối cảnh trẻ em phải làm việc nhiều giờ trong điều kiện không an toàn. Mục đích của ngày lễ này là để thúc đẩy trao đổi và hiểu biết lẫn nhau giữa các trẻ em và tăng cường hành động phát triển phúc lợi, thúc đẩy tạo an sinh của trẻ em trên thế giới.
Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã tuyên bố và khởi xướng ngày Thiếu nhi Thế giới. Đến năm 1959, Liên Hợp Quốc thông qua tuyên bố về ngày 20/11 trở thành Ngày Quyền trẻ em Thế giới. Từ đó về sau, ngày 20/11 hàng năm là ngày quan trọng đối với các vấn đề về trẻ em. Bên cạnh đó, Liên Hợp Quốc cũng để cho các quốc gia tự quyết định ngày Thiếu nhi cho riêng mình.
Theo đó, một số quốc gia tổ chức Ngày Quốc tế Thiếu nhi (International Children's Day) vào ngày 1/6 trong khi nhiều nước khác tổ chức ngày trẻ em vào những ngày khác. Một số quốc gia coi Ngày Thiếu nhi Thế giới ngày 20/11 như Ngày Thiếu nhi chính thức của quốc gia mình như: Canada, Úc, Ai Cập, Pakistan, Hungary, Phần Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ...
Trong khi đó, một số quốc gia khác trên thế giới chọn ngày khác làm ngày Quốc tế Thiếu nhi. Cụ thể, ở Nhật Bản, ngày 5/5 trở thành ngày nghỉ lễ quốc gia chính thức từ năm 1948. Theo đó, ngày của trẻ em ở Nhật Bản được tổ chức 2 lần/năm bao gồm: Ngày 3/3 cho trẻ em gái và ngày 5/5 là ngày các bé trai.
Vào ngày 3/3 còn được gọi là lễ hội búp bê, người Nhật Bản trang trí các căn hộ gia đình của họ với bộ búp bê thời kỳ Heian truyền thống và hoa mận, và uống Amazake. Vào ngày 5 tháng 5, họ treo "cờ cá chép" Koinobori ở bên ngoài, bày biện những con búp bê Samurai và ăn chimaki (giống bánh ú).
Tại Ấn Độ, Ngày Thiếu nhi là 14/11, trùng với ngày sinh của thủ tướng đầu tiên của quốc gia này, ông Jawaharlal Nehru. Thủ tướng Nehru nổi tiếng vì tình thương yêu dành cho trẻ em.
Theo Kienthuc.net