Thứ Năm, 28/11/2024 14:54 CH
Đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp
Thứ Ba, 31/05/2016 08:15 SA

Học nghề điện tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên - Ảnh: T.HẰNG

Nhân Năm Doanh nghiệp Phú Yên - 2016, Sở LĐ-TB-XH Phú Yên đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp” nhằm tìm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng những yêu cầu của công cuộc CNH-HĐH và hội nhập quốc tế. Báo Phú Yên ghi nhận một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

 

 

* ÔNG NGÔ ĐA THỌ, CHỦ TỊCH HỘI DOANH NGHIỆP PHÚ YÊN, CHỦ TỊCH HĐQT CÔNG TY IDP: Khảo sát nhu cầu sử dụng lao động

 

Những năm qua, nhiều cơ sở dạy nghề đã mở các lớp đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận với năng lực tuyển sinh khoảng 4.000 người/năm. Tuy nhiên, các cơ sở dạy nghề này chủ yếu đào tạo nghề phổ thông cho lao động nông thôn và giải quyết việc làm cho học viên sau khi đào tạo chứ chưa có sự bứt phá trong việc đào tạo lao động có tay nghề cao để tham gia các hội thi tay nghề quốc gia, quốc tế, tiến tới hình thành đội ngũ lao động có chất lượng để xuất khẩu lao động.

 

Giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực nói chung, đào tạo nghề nói riêng là rất lớn, đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ cho các doanh nghiệp ngành dệt may trên địa bàn tỉnh như: Công ty CP Dệt may Phú Yên, Công ty CP An Hưng, Công ty TNHH May xuất khẩu Cavina… và một số tổ hợp may lân cận ở TP Tuy Hòa. Do đó, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, cần có sự đột phá về chất lượng dạy nghề theo hướng tiếp cận trình độ khu vực và thế giới; tăng quy mô đào tạo nghề, đặc biệt gắn kết dạy nghề với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Theo tôi, các cơ sở dạy nghề cần thường xuyên cập nhật công nghệ, thiết bị mới để học viên tiếp cận làm chủ; phối hợp với doanh nghiệp khảo sát nhu cầu thực tế sử dụng lao động của doanh nghiệp để có kế hoạch đào tạo thiết thực; đồng thời gắn kết thực tập nghề tại nhà máy trước khi ra trường để tăng tác phong công nghiệp, kỹ năng tay nghề, đạo đức nghề nghiệp cho học viên.

 

 

* ÔNG PHAN ĐÌNH HỒNG, TRƯỞNG PHÒNG TỔ CHỨC NHÂN SỰ CÔNG TY CP AN HƯNG: Xây dựng chương trình đào tạo nghề phù hợp với công nghệ hiện đại

 

Công ty CP An Hưng chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm may mặc xuất khẩu với quy mô gồm 4 xí nghiệp trực thuộc, 34 chuyền may, lực lượng lao động gần 2.000 người. Để đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt của các khách hàng, đặc biệt là thị trường Mỹ, Nhật…, ngoài đảm bảo cơ sở vật chất thì vấn đề chất lượng sản phẩm được công ty chú trọng hàng đầu, đòi hỏi công ty phải có nguồn nhân lực ổn định và trình độ tay nghề cao. Một trong những khó khăn hiện nay không chỉ Công ty CP An Hưng mà còn nhiều doanh nghiệp may mặc khác trong tỉnh đang gặp phải, đó là thiếu nguồn lao động có trình độ đáp ứng được các yêu cầu của công ty trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” vẫn là điệp khúc quen thuộc đối với các doanh nghiệp khi tuyển dụng. Hiện nay, việc dạy nghề vẫn còn nhiều tồn tại, như: thiếu lao động trình độ cao cung cấp cho doanh nghiệp; thực tế các trường đào tạo theo khả năng “cung” của mình chứ chưa thực sự đào tạo theo “cầu” của doanh nghiệp. Chất lượng dạy nghề còn thấp, nội dung chương trình, giáo trình giảng dạy chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, chưa phù hợp với sự thay đổi nhanh về công nghệ sản xuất của doanh nghiệp… Chính vì vậy mà học sinh tốt nghiệp các trường nghề ra đa phần doanh nghiệp phải đào tạo lại, điều này làm công ty mất nhiều chi phí.

 

Để hỗ trợ, thúc đẩy và đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển, tôi đề nghị công tác đào tạo nghề phải gắn với việc làm và theo nhu cầu của doanh nghiệp, nhu cầu của thị trường lao động; xây dựng, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng mềm dẻo, tích hợp và linh hoạt, phù hợp với sự thay đổi công nghệ của doanh nghiệp, chủ động giới thiệu người lao động với doanh nghiệp. Cùng với đó, tỉnh cần có các cơ chế, chính sách huy động các doanh nghiệp tham gia vào đào tạo nghề và phát triển cơ sở dạy nghề tại doanh nghiệp.

 

 

* ÔNG TRẦN KHẮC LỄ, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ PHÚ YÊN: Cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp

 

Dạy nghề là để tạo ra lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật phục vụ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, những năm qua, công tác đào tạo nghề có chất lượng còn tồn tại nhiều hạn chế. Một trong những bất cập có ảnh hưởng lớn đến việc thu hút người học nghề và giải quyết việc làm sau tốt nghiệp là thiếu sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Do đó, để thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế thì sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay là cần thiết hơn bao giờ hết. Có thể khẳng định sự gắn kết này có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của cơ sở dạy nghề, đồng thời đảm bảo nguồn nhân lực đầu vào có chất lượng cho doanh nghiệp. Đây là yêu cầu, nhiệm vụ bắt buộc nên các cơ sở và doanh nghiệp cần xây dựng các giải pháp đồng bộ, tối ưu để sự gắn kết này ngày một bền vững.

 

KIM CHI (ghi)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek