Thứ Tư, 27/11/2024 15:39 CH
Hòa Quang Bắc:
Giúp trẻ lang thang hồi gia bền vững
Thứ Sáu, 24/08/2007 14:05 CH

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa, cán bộ chuyên trách dân số - gia đình - trẻ em xã Hoà Quang Bắc (Phú Hoà) tỏ ra phấn khởi khi ba tháng hè vừa qua không phải nơm nớp chuyện trẻ em trong xã bỏ nhà lang thang bán vé số. Việc 31 trẻ lang thang hồi gia bền vững ở Hoà Quang Bắc chính là thành công lớn trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

 

070824-tre-lang-thang.jpg

Em Nguyễn Thành Toàn (bên phải) đang học nghề sửa xe máy tại TP Tuy Hòa - Ảnh: TRỌNG HẢO

 

Cậu bé Nguyễn Thành Toàn (thôn Đồng Mỹ) đang làm công cho một  tiệm sửa  xe máy ở TP Tuy Hoà. Em cho biết đã ra nghề cuối năm ngoái, nhưng vì tuổi còn nhỏ nên không tự lập tiệm riêng được. Hiện anh trai Toàn là Nguyễn Thành An cũng theo học nghề như em. Trong sự ổn định hôm nay, Toàn không sao quên cảnh sống vất vả, cực nhọc và nhiều cạm bẫy khi cùng anh trai vào TP Hồ Chí Minh bán vé số. Toàn kể: “Bố đi lấy vợ khác, còn mẹ bị bệnh tim nặng nên hai anh em phải kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ. Khi mẹ qua đời, tụi em tiếp tục bán vé số để nuôi 2 đứa em còn lại đi học. Tháng 5/2005, hai anh em được vận động trở về địa phương để tạo việc làm từ dự án hỗ trợ trẻ em lang thang”.

 

Hai em Lê Minh Dân, Phan Ngọc Đại (thôn Tây Ngọc Sơn) từng bỏ học đi bán vé số. Khi trở về gia đình, các em được địa phương tạo điều kiện cho đi học lại. Kết quả trong năm học vừa qua, cả hai đều đạt học sinh giỏi, được Ủy ban Dân số - Gia đình - Trẻ em huyện khen thưởng động viên.

 

Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Quang Bắc Nguyễn Thành Sơn cho biết: “Trước khi tiếp nhận dự án hỗ trợ trẻ em lang thang, Hoà Quang Bắc có nhiều trẻ em lang thang nhất huyện Phú Hoà với 31 em. Phần đông các em thuộc những gia đình nghèo, điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, thiếu việc làm, văn hoá còn thấp. Trong độ tuổi 10-16, thay vì đến trường, các em phải nghỉ học và rời khỏi gia đình đi lang thang kiếm sống để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Trước tình hình trên, lãnh đạo xã đã đưa việc giải quyết và ngăn ngừa trẻ em lang thang vào nghị quyết và chương trình hành động của địa phương, đồng thời chỉ đạo cho các ban ngành, đoàn thểù liên quan phối hợp thực hiện thành công mục tiêu của dự án đề ra”.

 

Qua 3 năm thực hiện, dự án hỗ trợ trẻ em lang thang (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội) đã hỗ trợ vốn phát triển sản xuất cho 61 hộ gia đình. Trong đó, 58 hộ chăn nuôi bò, 2 hộ chăn nuôi heo, 1 hộ chăn nuôi trâu với tổng kinh phí 269.700.000 đồng. Đồng thời, dự án hỗ trợ giáo dục cho 79 trẻ và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 95 trẻ, hỗ trợ học nghề cho 16 trẻ.

 

Không chỉ có vậy, các tình nguyện viên của dự án hỗ trợ trẻ em lang thang còn tổ chức cho các em  trong 2 Câu lạc bộ Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thi đấu bóng đá, tham quan dã ngoại, tìm hiểu về quyền trẻ em. Sự hỗ trợ kịp thời này đã góp phần đưa 31 trẻ em lang thang của xã hồi gia bền vững, không có trường hợp nào tái lang thang hoặc phát sinh lang thang. Trong đó, có 4 trẻ học lại văn hoá, 3 trẻ học nghề, 24 trẻ có việc làm ổn định tại địa phương như giúp gia đình chăn nuôi bò, bóc vỏ hạt điều…

 

Dự án thực sự đã tác động tích cực đến nhận thức của chính quyền địa phương, gia đình, trẻ em và cộng đồng dân cư, nhất là với các bậc làm cha làm mẹ. Họ đã hiểu hơn về trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc nuôi dạy con cái và cam kết sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện để các em được hưởng quyền cơ bản của trẻ, không để trẻ tái lang thang.

 

Chị Lưu Thị Tuyết Hồng (chi hội trưởng phụ nữ, cộng tác viên dân số - gia đình - trẻ em thôn Tây Ngọc Sơn) nói: Để đưa trẻ lang thang hồi gia và không để trẻ tái lang thang, công tác truyền thông rất quan trọng. Việc vận động phải thường xuyên liên tục, phải tư vấn cho cha mẹ và các em hiểu được tầm quan trọng của việc học văn hoá và học nghề cũng như những nguy cơ hiểm hoạ, những tác hại của việc lang thang kiếm sống. Trong số 21 em ở thôn trở về, có 2 em học lại văn hoá. Nhiều em không đi học văn hóa là do bỏ học giữa chừng từ rất sớm nên việc đi học lại rất khó khăn. Kiến thức hạn chế nên việc cho các em đi học nghề cũng khó triển khai được. Vì vậy, để “giữ chân” các em ở nhà chỉ còn cách hỗ trợ vốn cho gia đình các em mua bò, heo chăn nuôi kiếm sống, cải thiện kinh tế gia đình. Đó cũng chính là giải pháp đắc lực của lãnh đạo xã Hoà Quang Bắc đề ra khi dự án hỗ trợ trẻ em thang lang kết thúc.

 

VŨ HOÀNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek