Hiện nay, nữ chiếm hơn 50% dân số và là lực lượng lao động lớn trong xã hội. Phụ nữ cũng chứng minh năng lực của mình trên mọi lĩnh vực.
Bà Nguyễn Thị Diệu Thiền - Ảnh: do nhân vật cung cấp |
Cụ thể, trên lĩnh vực quản lý nhà nước, phụ nữ đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng, điều hành, quản lý công việc khoa học, hiệu quả. Lĩnh vực kinh tế, phụ nữ là lực lượng lao động chuyên cần, sáng tạo, cùng chung sức phát triển nền kinh tế đất nước. Trong sản xuất công - nông nghiệp và dịch vụ, phụ nữ luôn cần cù, chịu thương, chịu khó, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, làm giàu cho gia đình và xã hội; văn hóa - xã hội, phụ nữ chiếm số đông trong các ngành Giáo dục, Y tế, đóng góp tích cực cho sự nghiệp trồng người và cứu người…
Quốc hội và HĐND là cơ quan quyền lực của Nhà nước, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Sự tham gia của các đại biểu nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp là cần thiết. Thông qua hoạt động của Quốc hội và HĐND, đại biểu nữ sẽ phản ánh, đề đạt nguyện vọng chính đáng, bảo đảm quyền lợi của cộng đồng, trong đó có phụ nữ. Quyền tham gia vào hệ thống chính trị của phụ nữ đã được thể hiện trong Hiến pháp 2013 (các điều 7, 16 và 27); Điều 11 Luật Bình đẳng giới và Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 27/4/2007 về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đã xác định chỉ tiêu, phấn đấu đến năm 2020, tỉ lệ nữ ĐBQH và HĐND các cấp từ 35-40%. Cùng với đó, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 cũng xác định phấn đấu tỉ lệ nữ ĐBQH, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là trên 35%. Việc tăng tỉ lệ nữ ĐBQH và nữ ĐBHĐND các cấp không chỉ là yêu cầu của Đảng mà còn là mong muốn của giới nữ nói riêng, của xã hội nói chung.
Ở Phú Yên, mặc dù, tỉ lệ nữ đại biểu nhiệm kỳ 2011-2016 còn phổ biến dưới 30% nhưng họ đã mang tới diễn đàn chính sách ở Trung ương cũng như ở địa phương những ý kiến quan trọng của các vấn đề tác động đến xã hội, các góc nhìn về giới, bạo lực gia đình, vấn đề sinh kế cho người nghèo, lao động - việc làm, y tế, giáo dục, bảo vệ trẻ em…
Luật Bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND, Luật Bình đẳng giới đều có điều khoản ghi rõ bảo đảm để phụ nữ có số đại biểu thích đáng tham gia Quốc hội và HĐND các cấp. Tuy nhiên, tỉ lệ nữ tham gia ĐBQH và HĐND các cấp ở tỉnh ta chưa cao do nhiều nguyên nhân như: Việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới còn nhiều bất cập; thiếu những biện pháp cụ thể để giúp phụ nữ cân bằng giữa công việc gia đình và xã hội. Một bộ phận phụ nữ thường thiếu tự tin, cho rằng mình không đủ năng lực ứng cử. Một bộ phận cử tri chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết phải có tỉ lệ thích đáng đại biểu nữ tham gia ĐBQH, HĐND các cấp…
Đối với các cơ quan dân cử, tỉ lệ nữ tham gia ĐBQH và HĐND các cấp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là điều kiện, cơ hội để các văn bản luật pháp chính sách được hoạch định, ban hành và thực thi có tính đến yếu tố giới. Vì vậy, theo tôi, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp cần giới thiệu nguồn phụ nữ đủ tiêu chuẩn tham gia ứng cử ĐBQH và ứng cử ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân, nhất là hội viên nữ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc có đủ tỉ lệ nữ trong cơ quan quyền lực của Nhà nước. Động viên cử tri nữ đi bầu đầy đủ, đúng luật, sáng suốt lựa chọn những đại biểu đủ đức, đủ tài bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp sẽ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, vì hạnh phúc gia đình và phồn vinh của đất nước. Một yếu tố quan trọng nữa là bản thân các ứng cử viên nữ phải khẳng định được mình để cử tri tin tưởng và lựa chọn.
Vì vậy, để tăng tỉ lệ nữ trúng cử ĐBQH và HĐND các cấp, ngoài công tác tổ chức nhân sự của các cơ quan chức năng thì ứng cử viên nữ phải không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn và hiểu biết xã hội cũng như rèn luyện các kỹ năng cần thiết để làm tốt nhiệm vụ người đại biểu nhân dân.
THÙY THẢO (ghi)