Thứ Ba, 15/10/2024 10:26 SA
Vùng căn cứ cách mạng ở thôn “9 hóc”
Thứ Bảy, 30/04/2016 13:00 CH

Đường vào thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân đã được bê tông xi măng - Ảnh: H.NAM

Thôn Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân) có hơn 500 hộ dân, thôn có 9 địa danh… bắt đầu từ chữ “hóc”. Mỗi “hóc” là một xóm nhà, dựa lưng vào vách núi, phía trước là cánh đồng vắng mênh mông. Thôn “9 hóc”, trước đây là vùng căn cứ cách mạng.

 

LÀNG CÁCH MẠNG KIÊN TRUNG

 

Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì địa hình ở đây khác lạ, cánh đồng ruộng trải dài chạy dọc theo sông Trà Bương - một nhánh sông nhỏ đầu nguồn sông Kỳ Lộ (con sông lớn thứ 2 ở Phú Yên, sau sông Ba). Cứ 200-300m cánh đồng “thọc” (ăn) sâu vào hóc núi gọi là “hóc”. Chính địa hình mỗi “hóc” hiểm trở nên thời chiến tranh chống Pháp, rồi chống Mỹ, những nơi này được chọn là địa bàn hoạt động cách mạng của cán bộ nòng cốt của tỉnh Phú Yên. Hầu hết gia đình ở đây cũng đều có công cách mạng.

 

Xóm Hóc Kè (xóm đầu tiên tính từ trên xuống) có khoảng 50 ngôi nhà nằm dưới chân quả đồi. Cánh đồng Hóc Kè màu xanh bạt ngàn lúa hè thu trải rộng. Theo ông Bảy Út (70 tuổi), một chiến sĩ cách mạng nhà ở cuối xóm, thế hệ ông hồi đó ai cũng thoát ly lên núi tham gia cách mạng, đi đủ nơi, riêng ông hoạt động các vùng rừng núi ở Đồng Xuân. “Xóm nhà chạy viền sát chân núi, trổ cửa hậu phía sau, tối mang gạo, thức ăn ra sau hè cất giấu trong gốc cây, khuya cách mạng từ trên núi xuống lấy - ông Bảy Út kể.

 

Lớp người như ông Bảy Út bây giờ người đã mất, người còn thì đã già. Người ngã xuống trong chiến tranh, người do tuổi già sức yếu, nhưng với ông, họ là những người cách mạng kiên trung.

 

Đến xóm Hóc Son, chúng tôi tìm đến thắp hương cho cụ Nguyễn Chung, nguyên Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân. Ông Nguyễn Văn Phụng, cán bộ lão thành cách mạng, em ruột cụ Chung, cho hay: “Thời chiến tranh, hai anh em tôi cùng nam nữ trong thôn thoát ly làm cách mạng. Trong thôn còn lại người già, trẻ em bám trụ sản xuất, cày đất trồng lúa đồng thời cũng là những cơ sở cách mạng kiên trung”.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, xóm Hóc Son còn là quê hương của ông Tạ Sơn Xuân, Phan Xuân Phổ, nguyên Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân qua các thời kỳ.

 

Xóm Hóc Ké lặng lẽ yên bình. Ông Mạnh Minh Tâm, một người con xóm Hóc Ké, cho biết: “Trai tráng, dân làng thời ấy người thoát ly đi bộ đội, người vào du kích. Như các anh Tám Phương (Trần Bình Phương) rồi Ba Mỹ (Nguyễn Phú Mỹ) mới 12, 13 tuổi đã vào du kích. Thoát ly lên núi hoạt động cách mạng, nhiều người đã ngã xuống. Bây giờ trong xóm có 4-5 nhà liền kề là gia đình liệt sĩ”.

 

Có đến từng “hóc” mới biết được, ở vùng đất miền Trung này nói chung và mảnh đất Phú Yên nói riêng có những con người kiên trung, một lòng quyết đi theo Cụ Hồ, đi theo cách mạng. Cuộc chiến đã lùi xa nhưng những lời kể của họ vẫn còn hào khí của một thời oanh liệt, gian nan nhưng đầy khí chất của Bộ đội Cụ Hồ.

 

LÀNG NGHỀ NGHĨA TÌNH

 

Cánh đồng ăn sâu vào chân núi vì thế xóm làng từng hóc uốn lượn theo đường gấp khúc đẹp nên thơ. Nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Đoàn Thị Sô ở Hóc Ống ngửa mặt ra cánh đồng lúa đang thì con gái, lá vươn dài “thả quặt cần câu”. Mẹ Sô tâm sự: “Ban ngày nắng chói chang, trước mắt nhá lên triệu triệu đom đóm lửa. Tối đến gió ngoài đồng lùa vào mát rượi, mấy nhà xung quanh ngồi đan ky giỏ, rổ rá. Đan riết rồi mỏi mệt, sẵn cái nong tre ngã trước sân, nằm nghỉ ngủ quên mà không cần bật quạt. Ở đây không khí trong lành lắm”.

 

Bà con thôn Thạnh Đức còn lưu giữ làng nghề truyền thống đan ky giỏ, rổ rá. Cách đây hàng trăm năm cho đến tận bây giờ, họ đi chặt cây mò o (giống như cây lồ ô nhưng nhỏ hơn) ở các vùng núi cao, vát về vót nan để làm ra sản phẩm.

 

Cũng nhờ làng nghề mò o, gia đình ông Trương Minh Đức ở Hóc Ống nuôi 4 con học đại học. Bao năm gắn bó với nghề, đôi tay của ông săn cón, cho thấy sự miệt mài bám nghề. “Thời gian gần đây rừng bị phá nhiều, cây mò o khan hiếm, thế nhưng chúng tôi quyết không bỏ nghề”, ông Đức tâm sự.

 

Cạnh đó, nhà ông Võ Sô nuôi 3 con học đại học cũng bằng cái nghề thủ công này. Trước nhà ông Sô, ky giỏ, rổ rá làm ra chất đầy trong sân chờ xe tải đến chở, từng đường léo viền sắc sảo, từng sợi nan vót vuông dài cho thấy sự khéo léo từ đôi bàn tay của những người làm nghề. Không những thế, từ cây mò o đan ky giỏ, rổ rá, nhiều nhà nuôi con học đến thạc sĩ, ở vùng đất này không phải là chuyện hiếm.

 

Ông Lâm Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 3, cho hay: “Sau cuộc chiến tranh khốc liệt, xã Xuân Quang 3 có 176 gia đình liệt sĩ, 17 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Trong đó, thôn Thạnh Đức có tới 111 gia đình liệt sĩ với trên 250 người đã ngã xuống, 12 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 10 mẹ có 3 con là liệt sĩ”.

 

LÊ TRÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek