Mới vào đầu hè, song trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ đuối nước khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Ngành chức năng khuyến cáo các gia đình cẩn trọng trông nom các em, rèn luyện kỹ năng sơ cứu, đồng thời cho các em học bơi.
TAI NẠN ĐUỐI NƯỚC VẪN XẢY RA
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, mỗi năm, trên địa bàn Phú Yên xảy ra khoảng 15 vụ tai nạn do đuối nước, nạn nhân chủ yếu là các em dưới 15 tuổi. Thời điểm xảy ra các vụ tai nạn thường là mùa hè, đặc biệt là khi các em rời nhà trường về nhà nghỉ hè.
Thống kê của Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên) cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 4 trường hợp trẻ đuối nước. Trong đó, Phú Hòa 2 trường hợp, Tây Hòa 1 trường hợp và Đồng Xuân 1 trường hợp. Mặc dù đã có sự vào cuộc của các cấp, ngành và gia đình, nhưng vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là do sự bất cẩn của các gia đình, để các em chơi tự do, thiếu sự quản lý, theo dõi; bên cạnh đó, nhiều em trốn gia đình tìm đến các bãi sông, suối để tự học bơi... “Điều đáng quan tâm ở đây là hầu hết các em không biết bơi, khi bơi không có người lớn đi kèm, không có bất kỳ phương tiện cứu hộ nào và bơi ở những nơi không có biển báo nguy hiểm”, bà Đỗ Thị Minh Giang, chuyên viên Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bình đẳng giới, nói.
Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, cho biết: "Ở nông thôn, khi nghỉ hè, các em thường đi mò cua, bắt ốc… và hay rủ nhau đi tắm sông, ao, hồ... Ngay cả những địa điểm năm nào cũng có trẻ chết đuối nhưng các em vẫn rủ nhau đến đó tắm, đùa nghịch. Phần lớn học sinh đuối nước vào mùa hè và đều chưa được dạy bơi. Từ năm 2008 đến nay, tỉnh đã triển khai mô hình phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, công tác phòng chống đuối nước còn nhiều thách thức. Hầu hết trẻ em bị đuối nước là do không biết bơi và việc cho trẻ học bơi cũng chưa được các bậc phụ huynh quan tâm. Công tác truyền thông cộng đồng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và nhất là kiến thức phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ chưa được rộng khắp”.
TUYÊN TRUYỀN, DẠY BƠI CHO TRẺ
Nhiều khuyến cáo của các cấp, ngành chức năng đã được đưa ra nhằm bảo vệ trẻ khỏi đuối nước như: không cho trẻ đi tắm, bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm; nên rào quanh ao, hố nước, hố vôi để tránh các em khi chơi đùa bị ngã, rơi xuống hố; lấp kín các hố, rãnh nước sau khi sử dụng; làm nắp đậy chắc chắn, an toàn cho giếng, bể nước, chum vại; nên có người lớn đưa trẻ đi học trong mùa mưa lũ khi phải đi qua suối, sông; mặc áo phao cho trẻ khi đi thuyền; nên tập bơi cho trẻ… Song thực tế các khuyến cáo này ít được tuyên truyền rộng rãi đến các gia đình, nhà trường và xã hội, thậm chí nhiều phụ huynh nghe, biết nhưng không quan tâm, còn các em thì chủ quan khi đi tắm sông, suối, ao, hồ, biển.
Có nhiều biện pháp có thể ngăn ngừa tình trạng chết đuối của các em, trong đó tuyên truyền cho các bậc cha mẹ và các em tự bảo vệ bản thân vẫn là quan trọng nhất. Một biện pháp khác cũng mang lại kết quả tốt là vận động gia đình cho các em tham gia học bơi để tự bảo vệ mình.
Bà Phạm Thị Minh Hiền cho biết: Từ năm 2013, Sở LĐ-TB-XH phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức thí điểm mô hình dạy bơi tại huyện Tuy An và huyện Đồng Xuân, góp phần nâng cao nhận thức về phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước cho trẻ em; hạn chế đến mức thấp nhất tỉ lệ tử vong ở trẻ em do bị đuối nước. Năm nay, mô hình này tiếp tục được triển khai ở TX Sông Cầu. Theo kế hoạch sẽ vận động mở 4 lớp dạy bơi cho gần 200 cháu.
Hàng năm, Sở LĐ-TB-XH đều có văn bản hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện kế hoạch công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại địa phương. Toàn tỉnh đã thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục gia đình, cộng đồng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức truyền thông tư vấn cộng đồng, cấp phát trên 10.000 sản phẩm truyền thông có nội dung ngăn ngừa đuối nước, tai nạn, thương tích cho trẻ em trong trường học và cộng đồng dân cư. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và huy động được sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, trong đó có cả trẻ em. |
HOÀNG LÊ