Chỉ vài giờ đồng hồ tối 5/8, nước lũ từ thượng nguồn đổ về đã biến đoạn sông Đà Rằng khô kiệt trước đó láng trong biển nước. 1 người mất tích đến hôm qua (7/8) vẫn chưa tìm được tông tích; hàng vạn con vịt, hàng chục ha đìa tôm bị cuốn trôi. Lũ lớn nhanh cũng khiến rất nhiều người và gia súc nuôi trên các doi cát giữa sông Đà Rằng gặp hiểm nguy. Rất may, lực lượng ứng cứu đã có mặt kịp thời nên không có thêm những hậu quả đáng tiếc về nhân mạng.
Một trại bò trên doi cát giữa sông Đà Rằng bị ngập nước lũ – Ảnh: L.KHA |
LŨ “NUỐT CHỬNG” HỒ TÔM, TRẠI VỊT ĐÀN TRONG VÀI GIỜ
Những người chăn nuôi gia súc, gia cầm trên các cồn cát ven Sông Ba và ở chân cầu Đà Rằng (cũ) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại cảnh nước lũ tràn về. Anh Huỳnh Văn Sanh ở thôn Phước Khánh, xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa), chăn nuôi vịt tại xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa), vẫn chưa hết hoảng sợ, nói: Đang nằm ngủ thì nghe đàn vịt kêu to và chạy tán loạn trong dòng nước, gia đình tôi bật dậy lùa đàn vịt hơn 2.000 con vào bờ, nhưng chưa đến nơi đã bị lũ cuốn trôi trên 1.800 con. Quá xót của, nên tôi cùng các em là Huỳnh Quốc Tuấn, Lưu Kim Tuất và một người chăn vịt thuê bơi theo bầy vịt dạt vào một doi cát. Đúng lúc ấy, chiếc ca nô của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh đến ứng cứu kịp thời, nếu không thì…”.
Ông Huỳnh Minh Lễ, ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) một trong những người nuôi tôm bị trắng tay do cơ lũ khá bất ngờ vào đêm 5/8 |
Những người chăn nuôi vịt ở các doi cát giữa lòng sông Đà Rằng cũng chịu thiệt hại nặng khi hàng ngàn con vịt bị nước cuốn trôi lúc đêm tối. Ông Hà Kim Vân, ở thôn Phước Lộc 1, xã Hoà Thành (Đông Hòa), bị trôi 8.000 con vịt, đến sáng lực lượng ứng cứu cùng người dân phụ giúp tìm lại được một đàn 2.000 con. Chị Lê Thị Bông chăn nuôi vịt tại xã Bình Ngọc, nghẹn ngào: “Hơn 2.000 con vịt đẻ của gia đình tôi bị nước lũ cuốn trôi sạch, thiệt hại mấy chục triệu đồng”. Điều đáng nói là, trong khi những người dân chăn nuôi vịt phải vật lộn đối phó với lũ, cứu lấy tài sản, thì những người dân khác ở ven sông lại lợi dụng khó khăn để “hôi của”, sau đó tìm chủ vịt đòi tiền chuộc!
Lũ về bất ngờ cũng đã “nuốt chửng” hàng chục hecta đìa tôm sú, tôm thẻ nuôi từ trên 2 tháng tuổi đến sắp thu hoạch ở vùng hữu ngạn hạ lưu sông Đà Rằng. Ông Huỳnh Minh Lễ ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) cho biết: “Tôi nuôi 2 hồ với 46 vạn tôm thẻ chân trắng và 32 vạn tôm sú được hơn 2 tháng tuổi. Vậy mà, lũ đã xé toạc bờ hồ, cuốn sạch tôm ra biển. Chúng tôi mất trắng hơn 70 triệu đồng”. Thảm hơn, đìa tôm sú của hàng chục hộ nuôi ở đây đã sắp tới ngày thu hoạch bị lũ cuốn trôi không còn con nào… khiến những người chủ nhìn dòng nước lũ khóc nức nở.
Nước lũ ngập úng hơn 10 ha rau màu của bà con Ngọc Lãng, xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) – Ảnh: N.LƯU |
Lũ về bất ngờ cũng gây thiệt hại khá nặng ở công trình xây dựng cầu Hùng Vương. Phó chỉ huy trưởng công trường phía nam cầu Hùng Vương Vũ Quang Thành cho hay: “Nước lũ đổ về ban đêm, nên công nhân không kịp chuẩn bị phải dìu dắt nhau chạy lên trạm trộn bê tông tránh lũ. Lũ đã làm lật 1 ô tô của Công ty 419, cuốn trôi cả chục tấn vật tư. Riêng ở công trường xây dựng cầu, đến sáng 7/8, nước vẫn còn ngập nên chưa thể đánh giá mức độ ảnh hưởng của công trường”. Lũ cũng nhấn chìm 1 xe múc của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 1/5...
ỨNG CỨU KỊP THỜI, NHƯNG CÒN NHIỀU ĐIỀU ĐÁNG BÀN
Cơn lũ bất ngờ đêm 5/8 và mưa lớn kéo dài trong những ngày trước đó do ảnh hưởng bão số 2 đã làm cho 5.429,5 ha lúa hè thu đang trổ trên toàn tỉnh bị ngập hoặc ngã đổ. Trong đó, Phú Hòa 2.155 ha, TP Tuy Hòa 1.500 ha, Đông Hòa 700 ha, Tây Hòa 600 ha, Tuy An 380 ha, Đồng Xuân 91 ha, Sơn Hòa 3,5 ha. Ngoài ra, còn có 217 ha rau màu các loại bị ngập, ngã đổ; 2 con bò và hàng chục nghìn con vịt bị cuốn trôi; 1.500m3 đường các tuyến liên thôn, liên xã bị sạt lở; 1.000m3 kênh mương bị bồi lấp; 35m3 đá xây bị vỡ; 3 tàu thuyền bị đứt neo trôi; 2 căn nhà và 1 trạm xăng dầu (đều ở TP Tuy Hòa) bị sập… Huyện Tuy An có 26 ha tôm sú bị thiệt hại, trong đó mất trắng là 16 ha tại 2 xã An Cư và An Dân. Riêng thiệt hại tôm nuôi ở hạ lưu sông Đà Rằng hiện chưa thống kê được. Nguồn: BCH Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên
Chỉ sau một ngày tập luyện các biện pháp cứu hộ cứu nạn trên sông, biển, lực lượng cứu hộ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh gồm hai đội đã có mặt trên sông Đà Rằng trong đêm 5/8 để ứng cứu người và tài sản của bà con bị kẹt giữa dòng lũ. Đến sáng 6/8, lực lượng này đã cứu được 12 người chăn nuôi gia súc, gia cầm trên các doi cát giữa sông.
Sáng 6/8, chúng tôi cùng Ban chỉ huy PCLB của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh chạy canô để ra giữa đoạn sông phía tây cầu Đà Rằng cũ. Ở đây, vẫn còn rất nhiều người và 50 con bò trên cồn cỏ chưa vào được bờ, trong khi đó nước lũ vẫn cuồn cuộn đổ về trên sông. Ông Võ Tấn Duyệt, chủ trại bò, cho biết, do không kịp thời phản ứng với lũ, nên không đưa được bò vào bờ. Gia đình đã phải huy động 20 người ra giữa sông giữ bò. May mắn là nước lũ không tiếp tục lớn nhanh và nhờ lực lượng ứng cứu của BCH Quân sự tỉnh ứng trực ở đây suốt đêm đến sáng, nên không xảy ra sự cố.
Anh Cao Xuân Trí, công an viên xã Bình Ngọc, cho biết: Những người dân bị mắc kẹt trong đợt lũ này trên sông Ba và bị thiệt hại nặng về kinh tế là do quá chủ quan. Mặc dù trước đó, UBND xã Bình Ngọc đã dùng loa thông báo áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão và nhắc nhở người dân, các đơn vị khai thác cát… nhanh chóng đưa gia súc, gia cầm và phương tiện đến tập kết ở những nơi cao ráo. Thế nhưng, hầu hết mọi người đều “bình chân như vại”. Điều đó cũng cho thấy công tác triển khai phòng chống lụt bão ở một số địa phương chưa thật sự chu đáo, chưa kiên quyết thực hiện việc di dời dân và phương tiện ra khỏi vùng thường xuyên bị ngập lũ ở hạ lưu sông Ba.
N.LƯU - L.KHA - Đ.THÔNG - V. ĐẠT