Thứ Bảy, 26/10/2024 18:34 CH
Xã An Lĩnh (Tuy An): Cần một cây cầu qua suối Cái
Thứ Sáu, 08/01/2016 13:00 CH

Người dân khó khăn khi qua suối Cái trong mùa mưa - Ảnh: T.TRỰC

Người dân ở hai thôn Quang Thuận và Tư Thạnh thuộc xã An Lĩnh (huyện Tuy An) đang rất cần một cây cầu bắc qua suối để đi lại. Nơi đây, vào mùa mưa, tất cả hoạt động giao thương, đưa người đi khám bệnh, việc học hành của con em, đám tiệc… rất khó khăn, có lúc bị gián đoạn do nước lớn không qua được suối.

 

An Lĩnh là xã miền núi, địa hình cách trở, dân cư không tập trung, sống chủ yếu bằng nghề nông, đời sống còn nhiều khó khăn. Hai thôn Quang Thuận và Tư Thạnh có 290 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu. Hàng ngày, người dân phải đi lại trên con đường đất 6km để đến trung tâm xã. Điều đáng nói là con đường này trầy trật, đất đá sình lầy, nhiều đoạn phải lội nước và đặc biệt là tất cả đều phụ thuộc vào con nước ở suối Cái.

 

Khó khăn nhất là vào những ngày mưa dầm, nước dâng cao, chảy mạnh. Mọi hoạt động trao đổi hàng hóa, đi lại của người dân bên suối hoàn toàn chia cắt. Theo chân một số người đi đường, tôi trực tiếp chứng kiến cảnh qua suối khó khăn của người dân nơi đây. Ngoài những đoạn đường quanh co đọng nước, đá lởm chởm, con suối Cái rộng khoảng 60m, lòng suối đá to đá nhỏ dày đặc. Mực nước ngày mưa, chỗ sâu chừng nửa mét nhưng mọi người qua đây bằng xe máy phải tháo giày dép, dắt xe rà theo lối mòn, có khi va phải đá lớn ngã xe, tắt máy, phải đẩy bộ qua bên kia bờ. Những người từ xa có việc bất đắc dĩ đến hai thôn này vào mùa mưa đều chấp nhận cảnh ướt quần áo giày dép, khổ sở đẩy xe qua suối. Chị Nguyễn Thị Hương ở Gia Lai về thôn Quang Thuận chuẩn bị đám cưới cho cháu, vừa đẩy xe qua khỏi suối, ngồi xuống lau đôi giày than phiền: “Tui đi mấy chục cây số không sao, gần tới nhà thì lại lấm lem, ướt mèm thế này, khổ thật”. Chị Phạm Thị Tuyết Vân ở xã An Hòa lần đầu tiên đến đây cũng chịu cảnh ướt giày, tắt xe, nói: “Sao đến nay mà ở đây còn có những đoạn đường khó khăn không tưởng đến cỡ này?”.

 

Anh Nguyễn Minh Phụng, người dân ở thôn Quang Thuận, cho biết bà con chúng tôi thật khổ với con đường đến thôn của mình nhưng không biết phải làm sao. Anh kể, mỗi lần người dân bên này bệnh đau, sinh đẻ phải chuyển đến trạm y tế xã hoặc chuyển đến bệnh viện huyện, nếu gặp mưa nhỏ thì anh em có thể cõng hoặc khiêng người bệnh qua suối, nếu mưa to thì đành chịu. Các em học sinh tới trường, người dân đến UBND xã để giải quyết các thủ tục hành chính hoặc tới trạm y tế chăm sóc sức khỏe… nếu gặp trời mưa thì cũng “bó tay”. Còn anh Đào Văn Tư, người dân thôn Tư Thạnh, kể chuyện nhà mình: Vợ tôi sinh ở bệnh viện huyện, khi xuất viện thuê taxi về nhưng đến đoạn qua suối gặp hôm trời lụt phải ở lại nhà người quen bên này suối. Đặc biệt, người dân ở hai thôn này không bao giờ tổ chức đám cưới cho con trong mùa mưa vì sợ họ hàng không qua suối được.

 

Khi hỏi về những trường hợp bất khả kháng liên quan đến tính mạng con người, Trưởng thôn Quang Thuận Phan Chí Linh tâm sự: “Có những trường hợp cấp cứu, sinh đẻ nếu nước quá lớn thì nhờ y tá trong thôn, chờ nước nhỏ lại nhờ người khiêng người bệnh qua suối đi bệnh viện. Đã có nhiều người qua suối bị nước cuốn trôi nhưng may cứu được, riêng năm 2011 có một người ở thôn Phong Thái, khi qua đoạn dưới con suối này bị nước cuốn không cứu được”.

 

Ngoài khó khăn trong sinh hoạt, hoạt động mua bán trao đổi hàng hóa của người dân ở đây cũng không mấy thuận lợi. Ông Phan Chí Linh cho biết do điều kiện đi lại như vậy nên tiểu thương đến đây mua bán cũng ép người dân. Ví như giá sắn các địa phương khác bán được 1.500 đồng/kg thì ở đây người dân chấp nhận bán rẻ hơn; giá mía cây trong mùa nắng, dù suối khô nhưng bao giờ cũng bán thấp hơn 100.000 đồng/tấn so với giá sàn của nhà máy…

 

Bao đời nay, người dân ở hai thôn Quang Thuận và Tư Thạnh chỉ biết chấp nhận khó khăn đi lại trong mùa mưa. Ước mơ của họ là chờ mong có một cây cầu để đi lại, giao thương, may ra cuộc sống mới khấm khá hơn nhưng không biết tới khi nào. Theo ông Phan Chí Linh, trong những lần tiếp xúc với bà con, lãnh đạo huyện Tuy An cho biết cây cầu này sẽ được xây dựng trong năm 2015, nhưng đến nay đã qua năm mới mà cầu chưa thấy.

 

Ông Nguyễn Ngọc Vương, Phó Chủ tịch UBND xã An Lĩnh, chia sẻ: “Khi đến mùa mưa, người dân ở hai thôn này gặp khó bao đời rồi chứ không phải một hai năm gần đây, nhất là những lúc bệnh đau bất thường. Hướng giải quyết thì vẫn trông mong một cây cầu nhưng kinh phí quá lớn. Vừa rồi, trong đợt tiếp xúc cử tri, các đại biểu HĐND tỉnh cũng đã ghi nhận bức xúc của bà con về việc đi lại và nhu cầu cấp thiết có một cây cầu qua suối Cái. Còn về phía địa phương thì việc xây dựng một cây cầu qua suối kiên cố là quá sức vì kinh phí quá lớn, đành phải chịu cảnh lực bất tòng tâm”.

 

TẤN TRỰC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek