Những phụ nữ bán hàng rong hàng ngày trên phố với đôi quang gánh nhọc nhằn. Mỗi bước chân của họ chứa đựng cả tình yêu thương âm thầm bền bỉ dành cho chồng con và cho cả những ước mơ lớn lao nhưng dang dở của cuộc đời họ.
QUANG GÁNH NHỌC NHẰN
Gánh hàng rong nhọc nhằn trên vai người phụ nữ chứa đựng tình yêu thương âm thầm bền bỉ của họ dành cho chồng con - Ảnh minh họa: NGỌC DUNG
Khoảng 2 giờ chiều, trời nắng như đổ lửa, rát bỏng da, hầu như mọi người đều e ngại bước chân ra khỏi nhà. Trên đường phố những chiếc xe máy ào ạt lướt qua, cố chạy trốn cái nắng gay gắt của mùa hè. Chị Nguyễn Thị Xuân rao khản cả giọng “Ai… mua đậu hũ không?”. Nhưng tiếng rao của chị dường như bất lực trước những cánh cửa sắt đóng im ỉm trên đường Lê Lợi (TP Tuy Hoà). Một gương mặt đàn ông ló sau cánh cửa bực bội: Trời nắng muốn chết mà đậu hũ… đậu hũ”. Chị Xuân làm như không nghe, vẫn tiếp tục cất tiếng. Hơn 2 năm đi bán đậu hũ, chị tự nhủ phải biết dẹp bớt lòng tự ái, tập cho mình thói quen nhẫn nhịn chịu đựng khi gặp những người khách chảnh chọe, khó tính. Chị Xuân nói: “Gặp những người quá quắt mình cũng rất bực. Nhưng làm cái nghề này mà sĩ diện thì làm sao có thể làm lâu dài được. Cứ nghĩ đến con mình sẽ có thêm chiếc áo mới, chồng mình có tiền uống thuốc thì sẽ vượt qua hết”. Khoản tiền để trang trải hàng tháng cho hai vợ chồng, hai đứa con nhỏ có khi lên đến 500.000-700.000 đồng, dù chị Xuân chi tiêu rất dè xẻn. Nhiều năm nay, chồng lại hay đau bệnh, nên chỉ còn chị gồng mình kiếm tiền đong gạo.
Có thâm niên bán hàng rong hơn chị Xuân là chị Nguyễn Thị Bé, 45 tuổi ở Hoà An (huyện Phú Hoà)ø. Hơn 4 năm đi bán bánh xèo, bánh ướt, đôi chân chị đã đặt lên khắp các con phố Tuy Hoà. Bất kể ngày mưa ngày nắng, người ta đều thấy dáng người nhỏ bé của chị quẩy đôi quang gánh rảo bước trên hè phố. Vợ chồng chị có ba đứa con, đứa lớn nhất đang học lớp 6, còn đứa nhỏ nhất đang học lớp 2. Vài sào ruộng khoán ở quê không đủ để trang trải cho gia đình và cho việc học hành của con cái. Vì thế mà chị Bé làm thêm cái nghề này. Chị Bé vừa ngồi xoa đầu gối, vừa nói: “Đi bộ riết nên chân tui thường bị đau. Mấy bữa nay trở trời, nó lại càng đau nhức. Tui uống gần hai chục nghìn tiền thuốc rồi mà vẫn chưa đỡ”.
Trong số những người bán hàng rong trên phố Tuy Hoà, tôi tình cờ gặp cô gái Hồ Thị Hạnh, 28 tuổi quê ở Quảng Bình. Hạnh kể: “Em theo chị họ vào Phú Yên đã hơn 3 năm rồi. Ở ngoài Quảng Bình, nhà em nghèo, em lại không có nghề nghiệp, may mà vào Tuy Hoa vợ chồng chị họ chỉ cho em nghề xào bắp. Một ngày, em đẩy xe đi bán từ 4 giờ chiều cho đến 10 giờ đêm cũng lời được gần 20.000 đồng, hôm nào bán đắt thì được 30.000 đồng. Dành dụm đượt chút ít, em gửi về cho ba mẹ ở quê”.
Có hôm hơn 10 giờ đêm, Hạnh vẫn đẩy xe cọc cạch trên phố. Tiếng rao của Hạnh dài theo đường phố Lê Thánh Tôn vắng lặng. Cái dáng nhỏ bé gầy gò của Hạnh cùng với tiếng rao như chìm vào bóng đêm.
VÀ NHỮNG NIỀM MONG ƯỚC.. …
Cách đây nhiều năm, tôi từng biết câu chuyện của một người mẹ nghèo tên là Trần Thị Ổn ở Phụng Tường (xã Hoà Trị, huyện Phú Hoà) hàng ngày đi bán xôi nhưng lại có ba người con đậu đại học. Câu chuyện ấy đẹp như cổ tích, bởi ẩn chứa đằng sau đó là đức hi sinh, tình yêu thương con vô bờ bến của bà. Tình mẫu tử thiêng liêng đã giúp bà vượt qua bao gian khổ, nhọc nhằn trong cuộc đời goá bụa để nuôi dạy con cái nên người. Bằng sự tảo tần, hi sinh của bà, các con bà đã đến với những thế giới tri thức mà bà không thể nào mường tượng được.
Đến giờ, tôi vẫn nhớ lời chị Xuân: “Một ngày tui kiếm được 15.000-20.000 đồng từ gánh đậu hũ. May mà còn có chỗ trông mong để lo cho tụi nhỏ ăn học. Vợ chồng tui không biết chữ nên mới chịu nhiều cơ cực, bây giờ cả hai vợ chồng đều quyết tâm cho tụi nhỏ ăn học để sau này chúng không phải khổ như mình”.
… Những phụ nữ bán hàng rong tuy mỗi người mỗi quê, mỗi người mỗi cảnh, nhưng đều nghèo như nhau. Vì nghèo, nên họ chọn cái nghề không cần nhiều vốn liếng, mà chỉ cần sự tảo tần, chịu thương chịu khó. Những tháng ngày rong ruổi trên phố với đôi quang gánh giữa một rừng xe cộ ngược xuôi và những toà nhà cao tầng bề thế, họ không ngước nhìn những tiện nghi vật chất sang trọng xa xỉ để mơ mộng viển vông, nhưng cũng không cúi gằm xuống đất với mặc cảm hèn mọn. Họ tin, nếu họ cố gắng tảo tần, cần kiệm để lo cho con cái học hành đàng hoàng thì tương lai của chúng sẽ được rạng ngời.
Hàng ngày bên gánh hàng nhọc nhằn trên phố, mỗi bước chân của họ là chứa đựng cả tình yêu thương âm thầm bền bỉ dành cho chồng, cho con và ấp ủ những giấc mơ của cuộc đời họ còn đang dang dở…
NGỌC DUNG