BỊ THƯƠNG NẶNG TRÊN CHIẾN TRƯỜNG CAMPUCHIA
Anh thương binh Đặng Công Phú - Ảnh: C.TRÍ
Anh Đặng Công Phú sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó nhưng giàu truyền thống cách mạng ở xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Những ngày niên thiếu, anh luôn ước mơ lớn lên sẽ trở thành anh bộ đội Cụ Hồ để được cầm súng chiến đấu chống Mỹ – ngụy.
Năm 1977, khi vừa tròn 20 tuổi, anh xin mẹ tình nguyện tòng quân nhập ngũ, bảo vệ Tổ quốc. Được mẹ đồng ý, chính quyền địa phương chấp nhận, anh Phú lên đường gia nhập vào trung đoàn 102, sư đoàn 308, quân đoàn 1. Tháng 5/1978, anh được lệnh điều động vào trung đoàn 48, sư đoàn 320, quân đoàn 3 đóng tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh – vùng biên giới Việt Nam và Campuchia.
Năm 1979, khi nước bạn Campuchia xảy ra nạn diệt chủng PônPốt, hàng triệu dân lành bị tàn sát dã man, đơn vị anh đã lên đường làm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Từ Tây Ninh, các anh băng rừng lội suối, hành quân đánh địch, bước đầu giải phóng các tỉnh Tà Keo, Kon Pon Chame. Trong một trận chiến đấu, mũi trinh sát của anh thừa thắng tấn công đến bờ sông Mê Công mới hay đã lọt vào bãi mìn của PônPốt. Anh Đặng Công Phú nhớ lại: “Khi ấy mũi trinh sát của tôi vừa đến bờ sông thì một loạt tiếng nổ liên hoàn long trời lở đất như thể nhấn chìm tất cả. Đến khi tỉnh lại, tôi mới biết mình đang nằm tại Bệnh viện 175 (TP.HCM) sau mấy ngày hôn mê. Còn những đồng đội trong mũi trinh sát của tôi, tất cả đã hy sinh!”
Lau dòng nước mắt, anh Phú kể tiếp: “Bởi vết thương của tôi quá nặng, mảnh đạn găm sâu làm vỡ xương thành ngực trái, gãy hai xương sườn và nát một lá phổi… Cần phải được phẫu thuật cắt bỏ một phần phổi ngay mới mong an toàn đến tính mạng. Gần mấy giờ đồng hồ nằm máy bay, cuối cùng tôi cũng đến được Bệnh viện 108 Hà Nội và cuộc phẫu thuật cắt bỏ lá phổi cũng thành công. Điều trị tại đây thời gian cũng khá dài mới chuyển đến Bệnh viện 103 Hà Đông và Bệnh viện 4 của quân khu 4. Tại đây, vừa điều trị vừa an dưỡng, khi sức khỏe bình ổn tôi mới được chuyển về trại điều dưỡng tỉnh Nghệ An để giám định thương tật. Năm 1980, nắm kết quả giám định thương tật hạng 3/4 trong tay, tôi về trại thương binh huyện Diễn Châu. 5 tháng sau, tôi xin về nhà giúp đỡ gia đình và phụng dưỡng mẹ già”.
THÀNH CÔNG TRÊN VÙNG ĐẤT MỚI
Ông Nguyễn Gia Chính, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Sơn Nguyên: “Đặng Công Phú là một thương binh nặng, không chỉ làm kinh tế gia đình giỏi mà trong quá trình công tác tại Hội Cựu chiến binh xã, anh luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Anh còn dìu dắt, giúp đỡ những hộ nghèo vượt khó đi lên thoát nghèo. Gia đình anh luôn gương mẫu chấp hành đầy đủ các chính sách. Anh là một thương binh, một cựu chiến binh tiêu biểu của địa phương”.
Năm 1988, khi có chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới các tỉnh phía nam, trong đó có vùng kinh tế mới xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, anh Phú bàn với vợ đến vùng đất mới. Sơn Nguyên hoang sơ, cây cối chằng chịt cộng thêm những trận sốt rừng kéo dài đã khiến không ít người nản lòng bỏ cuộc. Với “chất” bộ đội Cụ Hồ, anh Phú quyết tâm bám trụ và đã “làm nên chuyện”. Nhìn lại những thành quả lao động gần 20 năm qua trên đất Sơn Nguyên, anh Đặng Công Phú tự hào: “Mười mấy năm qua, đất trả công cho gia đình tôi rất lớn; nào là ôtô tải, xe công nông, xe gắn máy, máy xay xát, máy cưa, máy bào; nào là tivi, quạt máy đủ cả. Năm 2006 tôi đã xây dựng ngôi nhà khang trang với tổng kinh phí hơn 120 triệu đồng. Ngoài ra tôi còn đào một ao cá có diện tích hơn 100m2 để cải thiện đời sống. Cuộc sống của gia đình tôi hiện nay đã khá hơn nhiều, các con tôi được học hành tử tế. Hai đứa con lớn vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về đều có việc làm ổn định. Đứa kế tiếp cũng chuẩn bị nhập ngũ vào cuối năm 2007 này”.
Anh Đặng Công Phú chỉ cho tôi 2 sào ruộng lúa nước vừa mới gieo sạ xong và hơn 5 ha mía xanh tươi; quanh nhà anh đàn bò lai sind đang thong dong gặm cỏ. Điều đó đã nói lên sự ăn nên làm ra của một gia đình thương binh từ nghèo khó vươn lên.
TRẦN CAO TRÍ